5 vấn đề trong dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi

GD&TĐ - Duy trì Thanh tra huyện, thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ,... được thảo luận trong dự án luật sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Bất cập trong tổ chức Thanh tra huyện

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và nhất trí với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp, mà vì chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, quy định rõ trong Luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ trong 3 trường hợp: Theo quy định của luật; Tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; Theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đồng thời, bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Về Thanh tra sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định thành lập trong trường hợp: Theo quy định của luật; Tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở ở các sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.

Về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng phân định rõ trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua đó, bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát dự thảo Luật. Qua đó, chỉnh lý, bổ sung, làm rõ các quy định về tránh sự chồng chéo, trùng lặp ngay trong nguyên tắc hoạt động thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan thanh tra, về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra.

Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật. Quy định cụ thể và phân định rành mạch trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác của Đoàn thanh tra.

Tán thành với dự thảo luật

Cho ý kiến vào dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thống nhất với việc tổ chức các cơ quan thanh tra cấp hành chính như Luật thanh tra hiện hành. Từ đó, đảm bảo phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho thanh tra huyện trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm.

Về thanh tra sở, đại biểu cũng tán thành với quy định trong dự thảo luật phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập thanh tra Sở. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc về các trường hợp thành lập thanh tra sở được quy định tại Khoản 2, Điều 26. Nên chăng cần quy ngay trong luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức thanh tra sở để tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc. Bởi, với quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến sự tùy nghi cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế tài xử lý sau thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế của các tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm nhưng thực hiện không nghiêm túc.

Đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ đồng tình việc thành lập thanh tra cấp huyện; thanh tra tổng cục, cục; thành lập thanh tra sở tùy theo tính chất đặc thù của mỗi tỉnh. Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích, việc quy định hệ thống thanh tra ba cấp là cần thiết, đặc biệt với việc thành lập thanh tra huyện.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.
Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Theo đại biểu, dù ở huyện với quy mô dân số nhỏ cũng cần có cơ quan thanh tra. Điểm yếu của các cơ quan này là do chưa được bố trí nguồn lực đầy đủ, chưa đảm bảo điều kiện hoạt động. Song, nếu thiếu thanh tra huyện thì ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp huyện, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo luật hiện hành, chưa cho phép lập thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ. Tuy nhiên, luật cho phép Chính phủ xem xét, quyết định, giao cho Tổng cục, Cục thuộc Bộ, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đại biểu cho rằng, việc thành lập thanh tra chuyên ngành là cần thiết. Tuy nhiên, không nhất thiết Cục, tổng cục nào cũng cần có thanh tra. Cần có nguyên tắc cụ thể trong việc thành lập này.

Đại biểu cho rằng, nên quy định, việc thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, chuyên ngành đã thanh tra thì Bộ không xử lý. Qua đó, hạn chế gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp có phát sinh mới hoặc nghi vấn tiêu cực của thanh tra trước đó.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần quy định, khi thành lập đoàn thành tra thì phải có ít nhất hai thanh tra viên trở lên để thực hiện nhiệm vụ thì mới phù hợp và đảm bảo chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.