Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc

GD&TĐ - ĐBQH bày tỏ băn khoăn khi thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc. Nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ.

Sẵn sàng trả phí cao để được khám chữa bệnh tốt nhất

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Hà Nội)

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Hà Nội)

Phát biểu thảo luận góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn. Nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là họ thiết bị hiện đại hơn.

Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Đại biểu Hoàng Văn Cường hy vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này. Tuy nhiên những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này.

Xem xét quy định tổ chức giường lưu đối với PKĐK thuộc Trung tâm y tế cấp huyện

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp rất tốt trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình những ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội đã tham gia góp ý tại Kỳ họp thứ 3 và Hội nghị của đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cơ quan dự thảo Luật xem xét lại quy định tại khoản 3 Điều 46. Vì theo quy định trên, phòng khám đa khoa khu vực Nhà nước tại các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo mới được tổ chức giường lưu, theo dõi và điều trị bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ. Như vậy là chưa phù hợp.

Do đó, đề nghị dự thảo Luật nên quy định phòng khám đa khoa khu vực thuộc trung tâm y tế cấp huyện được tổ chức giường lưu và theo dõi điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ để phù hợp với định kỳ thực tế hiện nay.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung Trung tâm y tế là tổ chức khám, chữa bệnh theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, Điều 106 quy định về ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh, trong đó có khoản 5, có ghi là “các khoản chi khác theo quy định của pháp luật”. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông băn khoăn các khoản chi khác đó là những khoản chi nào, đề nghị cần liệt kê cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội nên nghiên cứu sửa đổi lại Thông tư số 25 ngày 18/10/2013 về hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện các yếu tố nguy hiểm, độc hại theo hướng là quy đổi ra bằng tiền. Mục đích để hỗ trợ cho nhân viên y tế như thời điểm hiện nay và đúng với tình hình thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...