Có nhiều yếu tố rõ rệt sẽ giúp cải thiện hiệu năng như bộ vi xử lý có tốc độ xung nhịp cao, RAM lớn hay hỗ trợ các chuẩn USB và Wi-Fi đời mới… Tuy vậy, có một số yếu tố ít được để ý tới nhưng lại có tác động không nhỏ đến hiệu năng.
1) Bộ nhớ cache của vi xử lý
Khi nói đến bộ vi xử lý, có một số yếu tố đa phần ai cũng biết là chúng biểu thị mức độ hiệu năng. Đầu tiên là model của bộ vi xử lý. Trong thế giới Intel, chúng ta đều biết bộ vi xử lý Intel Core i7 sẽ tốt hơn i5 và i5 thì hơn i3. Tiếp đến là tốc độ xung nhịp và số lượng nhân. Nhìn chung thì nhiều nhân sẽ có hiệu năng cao hơn là ít nhân. (Tất nhiên, cũng cần lưu ý là các thế hệ vi xử lý mới sẽ được tối ưu tốt hơn thế hệ cũ).
Nhưng còn có một tính năng khác có ảnh hưởng lớn đến hiệu năng thường không được chú ý tới là bộ nhớ cache của vi xử lý (processor cache). Cache của vi xử lý là bộ nhớ riêng của bộ vi xử lý hoạt động trên nguyên lý tương tự RAM.
RAM là nơi chứa dữ liệu tạm thời cho các ứng dụng để truy cập nhanh không cần truy lục từ ổ cứng. Tương tự, cache của vi xử lý là nơi chứa dữ liệu tạm thời mà vi xử lý cần sử dụng thường xuyên. Điều này giúp cho các tác vụ thường xuyên của CPU có thể hoàn tất nhanh hơn.
Cache của vi xử lý có nhiều cấp độ, L1, L2, L3 và thậm chí nhiều hơn trong các vi xử lý mới đây. L1 là bộ nhớ nhỏ tốc độ rất nhanh thường được đặt trực tiếp bên trong CPU và là nơi chứa dữ liệu quan trọng nhất. Các bộ vi xử lý Haswell của Intel có cache L1 dung lượng 64KB mỗi nhân, L2 là 256KB, L3 lên đến 20MB và L4 lên tới 128MB.
Rất khó nói bộ vi xử lý cần dung lượng cache bao nhiêu nhưng 3-6MB là mức phổ thông trên laptop và PC hiện nay. Nhìn chung, cache của vi xử lý càng lớn thì hiệu năng của vi xử lý càng nhanh hơn.
2) Tốc độ ổ cứng
Ổ cứng thường được đánh giá dựa trên dung lượng. Tốc độ của ổ cứng có tác động lớn đến tốc độ của máy tính. Tốc độ ổ cứng được đo theo tốc độ vòng quay mỗi phút (rpm), là tốc độ đọc và ghi dữ liệu của ổ cứng.
Tốc độ phổ thông nhất hiện nay là 5400 rpm và 7200 rpm, trong đó tốc độ 7200 rpm chỉ phổ biến trên các máy tính đắt tiền. Sự khác biệt của tốc độ ổ cứng thể hiện rõ rệt nhất với những tác vụ dữ liệu lớn nhưng ít thấy hơn trong sử dụng thông thường. Ví dụ, game sẽ có thời gian mở lâu hơn trên ổ cứng chậm nhưng sự khác biệt là không đáng kể khi chúng ta bắt đầu chơi.
Một vấn đề khác trong lưu trữ là ổ cứng thường HDD hay ổ cứng thể rắn SSD. Nếu bạn cần nhiều dung lượng lưu trữ thì ổ cứng thường sẽ có ưu thế hơn bởi loại ổ cứng này có dung lượng lớn và giá rẻ. Nhưng nếu tốc độ là ưu tiên thì ổ SSD sẽ có ưu thế hơn. Ví dụ, chiếc Macbook ổ cứng 5400 rpm thường có thời gian khởi động lâu gấp hai lần mẫu tương tự dùng ổ cứng SSD.
3) Tốc độ truyền dữ liệu và độ trễ của RAM
Tăng RAM cho máy tính là một trong những cách cải thiện hiệu năng dễ dàng nhất. Nhưng không phải RAM nào cũng như nhau. Tốc độ của RAM có thể bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố là tốc độ truyền dữ liệu (frequency) và độ trễ (latency).
Tốc độ truyền dữ liệu của RAM được đo bằng đơn vị megahertz (MHz), là số lượng dữ liệu có thể truyền đến thanh RAM trong một thời điểm. RAM có tốc độ cao có thể cải thiện đáng kể tốc độ của các máy tính dùng card đồ họa tích hợp nhưng với việc sử dụng thông thường thì sự khác biệt là không nhiều nếu chúng ta sử dụng RAM tốc độ trên 1600 MHz.
Độ trễ cũng có tác động nhiều đến hiệu năng. Tuy vậy, đây là khái niệm rất kỹ thuật. Hiểu cách đơn giản thì đó là khoảng thời gian từ khi ra lệnh đến khi nhận được sự phản hồi lại. Nói chung, thời gian trễ càng thấp thì hiệu năng sẽ càng nhanh hơn.
4) Tốc độ bus của bo mạch chủ
Tốc độ bus của bo mạch chủ là tốc độ giao tiếp giữa bộ vi xử lý (CPU) với bo mạch chủ (chính xác hơn là chipset trên bo mạch chủ). Đây là chi tiết quan trọng cần chú ý khi dựng máy tính bởi nó quyết định tốc độ của máy tính.
Bo mạch chủ là bộ phận trung tâm của hệ thống máy tính, đóng vài trò giao tiếp của tất cả các thành phần trên máy tính (bộ vi xử lý, RAM, ổ cứng…). Bo mạch cũng quyết định các thành phần linh kiện chúng ta có thể sử dụng. Trên hệ thống máy tính cũ, bo mạch có thể trở thành nút cổ chai với hiệu năng, ngăn cản chúng ta nâng cấp các linh kiện khác. Ví dụ, bo mạch chỉ hỗ trợ RAM tốc độ xung nhịp 1333 MHz có thể hoạt động với RAM 1600 MHz nhưng RAM nhanh hơn đó sẽ bị hạ xung xuống tốc độ thấp.
5) Độ phân giải màn hình
Nếu bạn chơi game trên laptop hay máy tính để bàn, có thể bạn sẽ nhận ra độ phân giải màn hình có tác động nhiều như thế nào đến hiệu năng. Bạn chơi game ở độ phân giải càng cao thì đồ họa càng đẹp nhưng nó cũng gây sức ép nhiều hơn lên CPU và GPU. Thực tế thì chỉ có các máy tính cấu hình mạnh mới có thể "cân" tốt các game nặng ở độ phân giải cao. Nếu chơi game trên các máy tính yếu, bạn phải sẽ chấp nhận chơi ở độ phân giải phù hợp.
Vấn đề này không chỉ giới hạn với game. Độ phân giải màn hình càng cao thì càng cần có phần cứng tương ứng để máy hoạt động ở hiệu năng tối ưu. Máy tính cấu hình yếu sẽ không đủ mạnh để sử dụng màn hình độ phân giải cao như màn hình 4k hoặc bạn sẽ phải sử dụng màn hình đó ở tần số quét thấp. Chẳng hạn máy tính Mac Mini của Apple có thể sử dụng với màn hình 4k nhưng chỉ ở tần số quét 30Hz. Điều này sẽ khiến màn hình giật rõ rệt khi bạn cuộn trang web chứ không mượt mà như khi chúng ta dùng màn hình ở tần số quét 60Hz.
Hầu hết máy tính hiện nay có thể chạy tốt với màn hình HD và Full-HD nhưng nếu muốn dùng màn hình 4k thì bạn cần đảm bảo phần cứng của máy tính phải đủ mạnh.