Đó là ý chính của hơn 100 câu trả lời cho câu hỏi "Khi nào trí thông minh trở thành một lời nguyền?" trên trang Quora.
Theo các thành viên của trang này, thông minh luôn đi kèm với một cái giá, đôi khi khá đắt. Đó là lối suy nghĩ phức tạp, nỗi lo mất quan hệ, hay mức độ kỳ vọng của cha mẹ áp đặt lên con cái...
Nếu bạn cảm thấy mình không thông minh cho lắm thì chúc mừng, bạn đã thoát khỏi những thiệt thòi dưới đây.
1. Người thông minh ít khi biểu lộ được cảm xúc
Marcus Geduld, một thành viên của Quora chia sẻ rằng, anh có thể dễ dàng thấu hiểu những cảm xúc của chính mình, nhưng lại không thể nào biểu lộ chúng.
"Đây là tình trạng chung của người thông minh, đặc biệt là những ai nói nhiều. Lời của họ như màn khói, càng đúng thì càng mù mịt. Những người ít nói hơn thì có xu hướng diễn tả mọi thứ qua cơ thể của mình. Họ có thể la, hét, đấm, đá, khóc hay nhảy cẫng lên vì vui sướng…" - Geduld nói thêm.
Đây cũng là chính là sự khác biệt giữa kỹ năng nhận thức và kỹ năng cảm xúc. Theo các giáo sư đến từ ĐH Cornell (Mỹ), trí tuệ cảm xúc (EQ) cao thường bù cho khả năng nhận thức thấp.
Nói cách khác, những người thật thông minh không cần phải dựa quá nhiều vào cảm xúc của mình để giải quyết vấn đề.
2. Ai cũng nghĩ bạn cái gì cũng biết, dù sự thật thì...
Một thành viên khác, Roshna Nazir thì nghĩ rằng: "Bạn luôn bị mặc định là giỏi nhất, thế nên không thể sẻ chia với ai về điểm yếu cũng như những mối lo của mình." Hơn nữa, họ sẽ phát sốt lên khi bạn không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người.
"Suy nghĩ này sẽ khiến bạn thật thận trọng, đôi lúc không dám mạo hiểm vì sợ phải đối mặt với nỗi lo thất bại của chính mình," thành viên Saurabh Mehta chia sẻ.
Các tác giả của cuốn "Phương Pháp Nuôi Dạy Hiệu Quả Trẻ Thông Minh", Eileen Kennedy-Moore và Mark S. Lowenthal cho biết, các bậc cha mẹ nhìn chung thường lo lắng về thành tích của con mình. Tuy nhiên lạ ở chỗ con họ đã thông minh sẵn và đang học tập rất tốt.
Điều này sẽ đặt nặng lên vấn đề "làm được gì" của trẻ, thay vì phát triển con người của chính mình.
3. Người thông minh khó mà hiểu được giá trị của làm việc chăm chỉ
Một số thành viên khác thì cho rằng, người thông minh luôn cảm thấy mình vượt qua khó khăn dễ dàng hơn người khác. Tuy nhiên, những người có IQ cao chưa chắc đã thành công, hơn nữa có thể nhanh chán. Họ không đủ kiên nhẫn để đeo đuổi thành công đến cùng.
Theo các giáo sư đến từ ĐH London (Anh), sự tận tâm của con người, như độ chăm chỉ làm việc chẳng hạn, có mối quan hệ... không tốt với trí thông minh.
Họ cho rằng, những ai thật thông minh đôi lúc nghĩ mình không cần cố gắng để bắt kịp người khác và đạt được những gì mình muốn.
Vì thế, những người nhận thức được mình thông minh từ rất sớm thường có nguyên tắc làm việc kém hơn người bình thường. Để rồi rốt cục, họ cũng chẳng thành công hơn những người "nguyên tắc từ bé".
4. Bạn luôn ngứa ngáy muốn "bắt lỗi" mọi người, nhất họ khi nói chuyện
Người thông minh thường không kiềm chế được mong muốn chỉnh sửa lời người khác khi họ nghe thấy một điều gì đó hoàn toàn sai.
Trong trường hợp này, họ cần phải thật sự khéo léo để không làm xấu hổ hay mếch lòng người khác, thậm chí là mất đi một người bạn.
Một thành viên khác, Raxit Karramredy bày tỏ: "Thông minh thật chán. Tôi sửa lời người khác nhiều quá đến nỗi họ không thèm đi chơi hay nói chuyện với tôi luôn."
5. Người thông minh thường phức tạp hóa mọi thứ
Một tính cách rất phổ biến của người thông minh chính là dành quá nhiều thời gian nghĩ ngợi, mổ xẻ mọi thứ.
Một mặt, họ thường nhặng xị cả lên mỗi khi cố gắng tìm ra ý nghĩa sống còn của một khái niệm nào đó. Mặt khác, có lúc họ sẽ thấy mọi thứ thật "lụi tàn" và chẳng còn ý nghĩa gì nữa. "Bạn đi tìm câu trả lời đến phát điên luôn," thành viên Akash Ladha chia sẻ.
Thực ra, theo các giáo sư đến từ ĐH Lakehead ở Canada, trí thông minh lời nói đúng là có mối liên hệ với lo lắng và suy tư.
Ở góc nhìn thực tế, những mối lo dai dẳng đó lại là nguyên nhân khiến cho người thông minh không có tính quyết đoán. Nói cách khác, do biết quá rõ kết quả trong từng quyết định của mình và đắn đo giữa những kết quả đó, người thông minh không biết phải đi theo hướng nào cả.
6. Người thông minh nên dành… ít thời gian đi chơi với bạn bè hơn
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà tâm lý học đến từ ĐH Quản lý Singapore và trường Kinh tế London (Anh) cho kết quả rằng, con người thường vui vẻ hơn khi đi chơi với bạn bè của mình, trừ người thông minh ra.
Nói rõ hơn, người thông minh càng giao thiệp với người xung quanh thì càng ít hài lòng với cuộc sống.
Để lý giải cho kết quả này, ta có thể sử dụng thuyết xavan về hạnh phúc. Thuyết tiến hóa này cho rằng, não người phản ứng lại các "hậu quả tổ tiên" của môi trường, vì thế mà hạnh phúc cũng biến đổi tùy lúc.
Dễ hiểu hơn, vì loài người từng sống trong những cộng đồng chỉ gồm khoảng 150 người nên khi đến nơi có dân số vượt quá con số đó, họ thấy không thoải mái hay không hạnh phúc.
Điều thú vị nhất rút ra từ nghiên cứu này chính là những người rất thông minh thực ra lại dành nhiều thời gian để giao tiếp với bạn bè hơn. Nghĩa là họ không biết chính xác điều làm mình thực sự hạnh phúc là gì.
Nguồn: Business Insider