Thông tin về công tác xử lý tin giả, tin sai sự thật, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Từ Lương, từ giai đoạn tháng 6 đến đầu tháng 8, các dấu hiệu khoanh vùng tin giả, tin sai sự thật tập trung vào 5 nhóm:
Thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc về việc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc phân biệt tâm lý vùng miền; tung tin giả sai sự thật về việc công bố hiệu quả các loại vắc xin; xuyên tạc chính sách bổ sung, phân bổ vắc xin của chính phủ; diễn biến về dịch bệnh ở các điểm nóng; xuyên tạc khả năng cung ứng vắc xin của một số đơn vị, doanh nghiệp và các biện pháp phòng chống dịch của TP Hồ Chí Minh.
Từ giai đoạn đầu tháng 8 đến nay, các tài khoản trên mạng xã hội có hiện tượng xây dựng hoàn cảnh, câu chuyện xúc động, không có thật, để lấy niềm tin của cộng đồng. Sở đang tập trung đấu tranh, xử lý và phối hợp với Công an thành phố, Cục Phát thanh Truyền hình Thông tin Điện tử để có kết quả công bố sớm nhất.
“Quan điểm của thành phố không ngoại lệ với bất kì tổ chức, cá nhân nào”, ông Từ Lương cho biết.
Đề nghị đối với các cơ quan truyền thông
Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải yêu cầu các cơ quan truyền thông quán triệt đúng công điện 1099 của Thủ tướng với tinh thần “người dân là trung tâm phục vụ, chủ thể trong phòng chống dịch”.
Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm lưu ý các cơ quan báo chí việc giật tít, sử dụng tranh ảnh mang nội dung không mong muốn. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan không thông tin mất cân bằng về các mặt khác nhau của công tác chống dịch.
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, công tác phòng, chống dịch đã đi đúng hướng và đang tiếp tục dồn lực củng cố, kiện toàn. Báo chí cần phản ánh lại những điều dân còn bức xúc, những điều chưa ổn để cùng chính quyền tháo gỡ, giải quyết.