5 nguyên tắc đảm bảo kỳ nghỉ vừa vui vừa khỏe

Sau một kỳ nghỉ dài, nhiều người rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi, khó bắt nhịp với công việc. Nguyên nhân là bởi họ đã có những sinh hoạt không hợp lý trong kỳ nghỉ của mình.

5 nguyên tắc đảm bảo kỳ nghỉ vừa vui vừa khỏe

Để tránh rơi vào trạng thái này, bạn cần chú ý 5 nguyên tắc sau:

1. Ăn uống hợp lý

Bác sĩ Phan Văn Hoàng – khoa Cấp cứu, bệnh viện Bình Dân cho biết sau kỳ nghỉ, chúng ta thường gặp những vấn đề liên quan sức khỏe, đặc biệt các bệnh về đường tiêu hóa và dinh dưỡng bị mất cân bằng. Bởi lẽ, những ngày này, chúng ta thường ăn uống quá nhiều so với nhu cầu và ăn những thức ăn không có lợi cho sức khỏe.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo nên hạn chế tiêu thụ mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường ăn rau củ quả tươi. Bạn cũng nên tăng cường các món luộc, hầm, hạn chế các món chiên, món nướng, đặc biệt quá nhiều mỡ. Những thức uống có ga có nhiều chất đường cũng nên giới hạn lại. Bạn nên tăng cường dùng nước ép trái cây chín, thiên nhiên hơn là nước uống đóng lon.

2. Không sa đà rượu bia

Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý Ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong những ngày nghỉ, chắc chắc lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.

Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như uống phải rượu pha cồn công nghiệp (methanol hoặc ethylene glycol), rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).

Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…

Còn tác dụng trước mắt của rượu bia trong những ngày nghỉ là gây mệt mỏi, đau đầu, uể oải và là tác nhân gây nên các vụ ẩu đả, tai nạn giao thông.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo không uống vượt quá 30ml/người/ngày với rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên. Không uống rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

3. Cẩn thận nắng nóng

Dịp nghĩ lễ 30/4 không tránh khỏi nắng nóng dễ dẫn tới hiện tượng say nắng, mệt mỏi, đau đầu, cảm cúm…

Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên bảo vệ vùng mắt bằng cách sử dụng kính chống nắng để ngăn tia cực tím, sử dụng thêm những loại mũ rộng vành để bảo vệ phần mặt và đầu. Bạn cũng chú ý không nên đi ra ngoài trong khoảng từ 11-13 giờ bởi đây là lúc nhiệt độ trở lên gay gắt nhất trong ngày. Cách điều hòa thân nhiệt tốt nhất là ở trong nhà và uống thật nhiều nước để tránh hiện tượng mất nước.

4. Không thức khuya

Vào ngày nghỉ, nhiều người thường vui chơi quá độ, tiệc tùng thâu đêm, ngủ nghỉ thất thường dễ khiến sức khỏe xuống dốc. Bạn cần nhớ một giấc ngủ sâu vào ban đêm rất quan trọng trong việc giảm sự mệt mỏi. Do đó, hãy “vui có chừng, dừng đúng lúc”, tốt nhất không thức quá 23 giờ, kể cả trong kỳ nghỉ dài. Một giấc ngủ đêm được gọi là lý tưởng phải đảm bảo từ 7- 8 giờ.

5. Luôn mang theo thuốc

Theo bác sĩ Hồ Hữu Phước (Trưởng khoa Nội tim mạch bệnh viện Nguyễn Tri Phương), trước khi đi du lịch, bạn hãy chuẩn bị túi thuốc dự phòng những sự cố có thể xảy ra trong kỳ nghỉ. Trong đó, nhớ mang theo gạc tiệt trùng, băng keo cá nhân, một cuộn băng dính, một chai dung dịch sát khuẩn, vài viên thuốc nhức đầu loại Paracetamol, vài viên thuốc phòng tiêu chảy cho những người đi du lịch (Loperamide) và một chai dầu gió.

Các chuyên gia khuyên tốt nhất bạn nên trở về ít nhất một ngày trước khi kết thúc kỳ nghỉ để dành thời gian hồi sức trước khi quay lại guồng quay của công việc, học tập.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ