5 'hóa thạch' sống trên Trái đất

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cua móng ngựa, ốc anh vũ hay cá vây tay đã tồn tại trên Trái đất từ hàng trăm triệu năm trước cho đến ngày nay.

Cua móng ngựa.
Cua móng ngựa.

Bí ẩn tại sao một số loài có thể vượt qua lịch sử tiến hóa vẫn là câu hỏi lớn của nhân loại.

Cua móng ngựa

Trên các bãi biển trải dài từ Đại Tây Dương, Maine đến vịnh Mexico xuất hiện hàng ngàn vỏ sò màu nâu đục, báo hiệu mùa sinh sản của loài cua móng ngựa. Hành vi lên bờ đẻ trứng của loài cua móng ngựa đã kéo dài từ hàng triệu năm trước. Cua móng ngựa đã tồn tại từ kỷ Ordovician, cách nhân loại hiện nay từ 488 – 443 triệu năm.

Cua móng ngựa là loài động vật chân đốt nguyên thủy, vốn đã di chuyển khắp các đáy đại dương đầy cát ngay từ thời Đại Cổ Sinh (khoảng 540 – 248 triệu năm trước). Chúng sinh sống cùng thời với nhiều loài vật tiền sử đã tuyệt chủng từ lâu như Bọ ba thùy, Orthoceras...

Dù có tên như vậy nhưng cua móng ngựa không thuộc họ cua. Chúng là động vật chân đốt và nhiều điểm tương đồng với nhện, bọ cạp. Vượt qua nhiều đợt tuyệt chủng hàng loạt và kỷ băng hà, chúng phát triển mạnh mẽ khi nhiều sinh vật biển bị xóa sổ. Sự sống sót của chúng là nhờ khả năng chịu đựng nhiều điều kiện môi trường khác nhau như nước mặn, nước ngọt, ít oxy.

Ngày nay, cua móng ngựa được sử dụng trong phòng thí nghiệm y sinh. Máu của chúng màu xanh da trời và là một trong những nguồn tài nguyên đắt nhất thế giới. Trong máu của cua móng ngựa có hợp chất Limulus amebocyte lysate (LAL), chất đông máu duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) bắt buộc sử dụng cho các thử nghiệm độ an toàn của vắc-xin.

Tuatara

Tuatara là loài bò sát “hóa thạch sống”, di chuyển chậm, chỉ có ở New Zealand. Chúng là những cá thể còn sống sót của một bộ bò sát cổ đại, tên là Rhynchocephalia, thuộc bộ Sphenodontia, có hình dáng giống như thằn lằn.

Tổ tiên của Tuatara sống cùng thời với khủng long cách đây 225 triệu năm. Trước đây, tất cả hóa thạch của loài bò sát thuộc bộ Sphenodontia đều bị phân mảnh, bao gồm hàm và răng bị cô lập.

Cho đến năm 2022, khi các nhà khoa học phát hiện một hóa thạch gần như hoàn chỉnh của N.Sani, thuộc bộ Sphenodontia. Với cấu trúc bộ xương và hàm gần như được khớp nối hoàn chỉnh, phát hiện này cho thấy đặc điểm cơ thể của Tuatara hiện đại hầu như không thay đổi so với 190 triệu năm trước.

Ốc anh vũ

Ốc anh vũ (Nautilus) xuất hiện trên Trái đất từ cách đây 400 – 500 triệu năm trong kỷ Cambri Thượng. Hiện nay, chúng trông thay đổi rất ít nếu so với tổ tiên được biết đến thông qua hóa thạch. Sinh vật này được gọi là ốc vì sở hữu chiếc vỏ lớn, có đường kính lên tới 20 cm nhưng chúng là loài động vật chân đầu giống như mực, bạch tuộc.

Ốc anh vũ thường sống trong vùng biển sâu, cách mặt biển hàng trăm mét. Chúng không bám vào các mảng đá mà có khả năng “bơi”. Mỗi khi muốn nổi, chúng sẽ phun nước ra khỏi các buồng khí bên trong cơ thể từ một ống dẫn theo cơ chế phản lực.

Ốc anh vũ có thể sống với lượng oxy gần như bằng không và hàng tuần không có thức ăn. Lớp vỏ bên ngoài của chúng rất cứng rắn, khó có thể phá vỡ để bảo vệ cơ thể bên trong. Dù có tuổi thọ cực lớn, cuộc sống của ốc anh vũ liên tục bị đe dọa bởi các hoạt động khai thác trái phép của con người.

Vỏ ốc anh vũ thường được chế tác thành các món đồ phong thủy, đồ thủ công mỹ nghệ với giá thành đắt đỏ. Năm 2018, loài vật được liệt kê vào danh sách các sinh vật bị đe dọa theo Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng tại Mỹ.

Cá vây tay

Cá vây tay được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi phía Đông châu Phi. Chúng sinh sống từ kỷ Devon và từng bị coi là tuyệt chủng cùng với khủng long cho đến khi loài người tình cờ phát hiện ra cá vây tay ngoài khơi Nam Phi năm 1938.

Từ những năm 1990, các nhà di truyền học nhận thấy bộ gen của loài cá vây tay châu Phi đang tiến hóa nhanh chóng. Bất chấp thay đổi này, loài cá vây tay hiện nay vẫn giữ hình dạng tương tự tổ tiên chúng được biết đến thông qua hóa thạch.

Cá vây tay dành cả ngày ẩn mình trong hang và chỉ chui ra vào ban đêm để kiếm ăn. Chúng có tám vây, phần thân cứng cáp và nặng lên tới 90kg. Nó là loài động vật còn sống duy nhất được biết đến có khớp nối trong hộp sọ, gần như tách biệt hoàn toàn nửa trước và sau của hộp sọ ngay từ bên trong. Các nhà khoa học tin rằng, cá vây tay là một mắt xích quan trọng để tìm hiểu về quá trình cá tiến hóa thành sinh vật trên cạn.

Cây bạch quả

Dấu tích của cây bạch quả được tìm thấy từ kỷ Permi cách đây 270 triệu năm. Sinh sôi cùng với dương xỉ, mè nguyên sinh, chúng mang lại bóng mát cho khủng long, truyền cảm hứng cho các nhà thơ thời Tống tại Trung Quốc và sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima, Nhật Bản, năm 1945.

Bạch quả, tên khoa học là Ginkgo biloba, thuộc nhóm thực vật hạt trần, nghĩa là có hạt lộ ra bên ngoài. Loài cây này từng phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các lục địa cho đến khi sụt giảm vào kỷ băng hà Pleistocene do bất ổn về khí hậu. Hiện nay, một số quần thể cây bạch quả vẫn nằm rải rác ở miền Đông và Nam Trung Quốc.

Những loài “hóa thạch sống” là hậu duệ của sinh vật cổ xưa và trông gần giống với hóa thạch của tổ tiên chúng từ hàng trăm triệu năm trước. Tuy nhiên, thuật ngữ “hóa thạch sống” chưa thật sự chuẩn xác. Dù các “hóa thạch sống” có vẻ ngoài giống với tổ tiên, ADN của chúng đã thay đổi và trải qua nhiều chu kỳ tiến hóa.

“Hóa thạch sống” cũng khan hiếm, thường là loài cuối cùng và không có họ hàng gần gũi nào còn tồn tại đến ngày nay. Chúng có xu hướng phát triển mạnh trong môi trường biển vì dễ dàng vượt qua các sự kiện tuyệt chủng sâu trong đại dương.

Theo NatGeo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ