Lừa đảo qua hình thức Dropshipping
Do nhẹ dạ nên nhiều người vẫn mắc bẫy lừa đảo trực tuyến. |
Dropshipping là hình thức bán lẻ mà người bán không cần lưu trữ sản phẩm của mình trong kho. Thay vào đó, người bán chỉ cần chuyển các đơn hàng và chi tiết khách hàng mua sản phẩm tới nhà sản xuất hoặc đơn vị cung ứng sản phẩm. Đối tượng lợi dụng mô hình kinh doanh này để dụ dỗ nhiều nạn nhân tham gia, sau đó chiếm đoạt tiền của "người bán hàng".
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, những người kinh doanh theo hình thức bán hàng online cần tuyệt đối cẩn trọng trên mạng xã hội. Người dân cần xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshipping và thực hiện giao dịch chuyển tiền; thận trọng khi đứng trước cơ hội nhận được lợi nhuận lớn nhờ vào các ứng dụng kinh doanh trực tuyến.
Giả danh cán bộ ngành Truyền thông để hù dọa
Giả mạo cán bộ ngành Thông tin truyền thông để lừa đảo. |
Vừa qua, có đối tượng giả danh cán bộ Sở TT&TT tỉnh Bạc Liêu liên tục gọi điện thông báo đang phối hợp với công an, nhân viên viễn thông để hù dọa, cho rằng số điện thoại của chủ thuê bao đã gọi điện hoặc tạo các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội để phát tán thông tin chống phá Đảng, Nhà nước hoặc liên quan đến đường dây phản động sẽ bị mời làm việc để xử lý.
Sau khi hù dọa, đối tượng gọi tới yêu cầu chủ thuê bao đang nghe điện thoại khai báo thông tin cá nhân, hướng dẫn truy cập vào các đường link do đối tượng gửi đến để xác nhận thông tin hoặc làm việc với cơ quan chức năng, nhằm mục đích phục vụ cho việc lừa đảo của đối tượng.
Sở TT&TT tỉnh Bạc Liêu cho biết, không có việc cán bộ, công chức thuộc Sở gọi điện thoại thông báo hoặc mời làm việc để xử lý bất cứ ai liên quan đến các vụ việc theo hình thức nêu trên.
Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại.
Cảnh giác với 'wifi miễn phí'
Wifi miễn phí tiềm ẩn nhiều nguy cơ. |
Nhiều người có thói quen hỏi mật khẩu để truy cập vào các mạng Wifi miễn phí tại các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi, đây cũng là những nơi ẩn chứa vô số rủi ro có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thông tin cá nhân và túi tiền của người dùng.
Cục An toàn thông tin cho biết, về bản chất, mạng quảng cáo sẽ bán cho người khác đặt banner, cửa hàng, quán cafe, khi truy cập thông tin trả về còn có thể là bài đăng về hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí là lừa đảo do các công ty bán quảng cáo trên WiFi không kiểm soát được nội dung. Vậy nên, những đường link đính kèm hoàn toàn có thể bị cài cắm mã độc.
Vì thế, người dùng di động cần cảnh giác khi truy cập các hệ thống Wifi mới, đặc biệt tại địa điểm công cộng như khách sạn, nhà hàng, quán cafe. Bởi khi đó, kết nối của người dùng sẽ phụ thuộc vào cài đặt của cơ sở cung cấp Wifi. Đặc biệt lưu ý, chỉ thực hiện các giao dịch quan trọng trên các mạng tin tưởng như Wifi tại nhà, ở công ty hay mạng 3G/4G từ điện thoại.
Giả mạo 'hot facebooker' để lừa đảo
Lừa đảo trực tuyến từ giả danh người nổi tiếng trên mạng. |
Vừa qua, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin trình báo của một nạn nhân về việc bị chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng đã truy vết và tiến hành làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Quang Linh (trú tại Ứng Hòa, Hà Nội).
Theo điều tra, đối tượng bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng thông qua việc giả danh Bùi Xuân Huấn (một nhân vật nổi tiếng trên mạng) làm dịch vụ cho vay tiền online. Sau đó lợi dụng lòng tin của người nhẹ dạ để lừa đặt cọc tiền rồi chiếm đoạt.
Do đó, người dân nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp; cảnh giác trước những quảng cáo mang tính lôi kéo. Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy; không thực hiện giao dịch với các đối tượng không rõ danh tính.
Lừa đảo liên quan đến thuế
Lừa đảo qua hình thức quyết toán thuế. |
Thời gian qua, nhiều đối tượng mạo danh cơ quan thuế để lừa đảo, gọi điện thoại tự xưng là công chức của cục thuế, chi cục thuế đề nghị người nộp thuế mang CCCD, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh... đến cơ quan thuế để được gia hạn các loại thuế, làm thủ tục miễn, giảm, hưởng ưu đãi về thuế.
Ngoài ra, đối tượng còn giả mạo là cơ quan chức năng gửi đường link dịch vụ công VneID giả để người dân truy cập tích hợp với quảng cáo là ‘tích hợp căn cước công dân và mã số thuế’ hoặc hướng dẫn cách điều chỉnh thông tin trên ứng dụng VneID, sau đó gửi đường link dịch vụ công sửa VneID giả mạo rồi từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng…
Vì vậy, khi nhận được các tin nhắn, cuộc thoại trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng.