Lừa đảo đọc sách nhận tiền
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng giả mạo sử dụng tên, hình ảnh, văn bản, công văn của 1980Books nhằm mục đích lừa đảo thông qua quảng cáo tuyển dụng để chiếm đoạt tiền.
Nhóm đối tượng dùng tên, thông tin của 1980Books để đăng tải tin tuyển dụng độc giả đọc sách tại nhà qua các nền tảng mạng xã hội.
Đọc sách mỗi ngày để nhận tiền là lừa đảo. |
Theo Cục An toàn thông tin, CEO của 1980Books khẳng định, đây là hành vi lừa đảo giả danh, lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và uy tín của thương hiệu này.
Do đó, người dân không nên chủ quan khi gặp các trường hợp và hành vi không minh bạch trên mạng xã hội. Tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng.
Cảnh giác với khóa tu mùa hè
"Khóa tu mùa hè" cũng là phương tiện của kẻ lừa đảo. |
Mới đây, chị H. (trú tại Hà Nội) có kết nối với tài khoản Facebook “Tu Sinh Mùa Hè” để đăng ký khóa tu sinh mùa hè cho con. Sau đó, một người xưng là “Trưởng ban Tu sinh” gọi cho chị H, giới thiệu và cung cấp số và ảnh căn cước công dân của “Trưởng ban” để tạo niềm tin.
Sau đó, người này đưa chị H. vào nhóm Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy.
Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền vật phẩm, chị H. được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn vì sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm. Cuối cùng, chị H. đã bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu thông tin về các khóa học trên các trang mạng xã hội. Tuyệt đối không tham gia các hội nhóm không có thông tin rõ ràng và minh bạch; không làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ, nhất là giao dịch chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân.
Lừa đảo qua ứng dụng tiền điện tử
Tiền điện tử vẫn tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo. |
Những ngày gần đây, mức giá đồng Bitcoin liên tục tăng mạnh và lập đỉnh mới. Việc giá Bitcoin liên tục tăng khiến thị trường tài sản kỹ thuật số trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà các chiêu trò lừa đảo liên quan đến đồng tiền kỹ thuật số này cũng gia tăng.
Theo Cục An toàn thông tin, nếu đã lỡ đăng nhập thông tin vào ứng dụng giả mạo này, người dùng cần nhanh chóng chuyển tiền điện tử sang một ví điện tử khác an toàn. Không truy cập vào các đường link nhận được qua tin nhắn; cảnh giác với các yêu cầu cài đặt phần mềm.
Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này.
Bẫy "việc nhẹ lương cao"
"Việc nhẹ lương cao" tiềm ẩn nhiều nguy cơ. |
Mới đây, chị H. trú tại Ba Vì (Hà Nội) lên mạng xã hội Facebook tìm việc làm và thấy một tài khoản đăng bài viết có nội dung "việc nhẹ, lương cao". Khi trao đổi, chị H. được hướng dẫn đăng ký tài khoản tham gia đầu tư sàn giao dịch tiền ảo có thể kiếm nhiều lợi nhuận.
Sau khi bị đối tượng lôi kéo, chị H. đã đóng 100 triệu đồng để đặt lệnh thì tài khoản báo nhận được 3,2 tỷ đồng nhưng hệ thống báo lỗi không cho rút tiền. Muốn lấy chị phải đóng thuế, phí bảo hiểm. Đến nay, chị H. đã chuyển hơn 750 triệu đồng cho các đối tượng nhưng không nhận được số tiền trên sàn.
Để phòng tránh bị lừa đảo, người dân nên cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo.
Hiện các sàn tiền ảo chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam và tiền ảo cũng chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.
Lừa đảo hẹn hò trực tuyến
Lừa đảo hẹn hò trực tuyến. |
Ngày 19/3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra thông báo tìm bị hại của vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại phường Thắng Lợi, TP Pleiku. Đây là vụ án lừa đảo thông qua mạng xã hội với số tiền hơn 18 tỷ đồng.
Qua quá trình điều tra, bước đầu cơ quan Công an đã bắt, khởi tố một số đối tượng (trong đó có một người quốc tịch nước ngoài) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
Vì thế, người dân nâng cao cảnh giác trước các đối tượng lạ làm quen trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng lạ để giao dịch chuyển tiền. Xác minh và làm rõ lý lịch của đối tượng để tránh sập bẫy lừa đảo chiếm đoạt.
Cài đặt dịch vụ công trực tuyến "giả"
Bẫy qua dịch vụ công giả mạo. |
Mới đây, anh D. (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ Công an quận Long Biên hỗ trợ xử lý Căn cước công dân bị lỗi hệ thống. Người này yêu cầu anh D. tải phần mềm theo đường dẫn để hỗ trợ xử lý từ xa.
Do phần mềm có giao diện gần giống với Dịch vụ công trực tuyến nên anh D. tin tưởng và thực hiện các thao tác. Cuối cùng, anh bị chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.
Do đó, người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi, nhất là liên quan tới cán bộ cơ quan Nhà nước; không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại; liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc.