Cảnh báo 5 hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần qua

GD&TĐ - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa điểm lại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần qua để người dân phòng tránh.

Một số hình thức lừa đảo trực tuyến người dân cần phòng tránh.
Một số hình thức lừa đảo trực tuyến người dân cần phòng tránh.

Rủi ro khi đầu tư tài chính qua mạng

Thời gian gần đây, Công an TP Hà Nội liên tiếp nhận đơn trình báo người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng.

Một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền mã hóa phổ biến như: Kinh doanh đa cấp tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối…

Đầu tư tài chính lừa đảo qua mạng.

Đầu tư tài chính lừa đảo qua mạng.

Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác, chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín, đã được Nhà nước cấp phép; cẩn trọng trước các lời giới thiệu tham gia đầu tư qua không gian mạng; tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường.

Lừa đảo 'lấy lại tiền bị lừa'

Bẫy lừa đảo trên mạng xã hội mà người dân cần tránh.

Bẫy lừa đảo trên mạng xã hội mà người dân cần tránh.

Theo Công an TP Đà Lạt, gần đây trên các Fanpage thường xuyên có nhiều bình luận đăng tải quảng cáo dịch vụ lấy lại được tiền bị treo, bị lừa đảo với những thông tin mập mờ, mang tính chất dẫn dụ, không để lại thông tin xác thực.

Các hội nhóm với tên "Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo", "Lấy lại tiền bị lừa qua mạng" xuất hiện trên mạng xã hội cùng với các trang web mang giao diện tương tự với đơn vị thuộc Bộ Công an. Đối tượng yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3 - 5 triệu đồng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Lừa đảo bằng mã QR trên bưu phẩm

Lừa đảo bằng mã QR trên bưu phẩm.

Lừa đảo bằng mã QR trên bưu phẩm.

Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới bằng hình thức gửi bưu phẩm tới nhà dân thông qua shipper, bên trong có thông báo trúng thưởng chứa mã QR nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị, đánh cắp thông tin người dùng và chiếm đoạt tài sản.

Một số người dân trên một số địa phương đã nhận được bưu phẩm từ shipper, khi mở ra bên trong có phiếu cào trúng thưởng. Trên phiếu cào, khi cào ra có giải thưởng, để được nhận thưởng phải truy cập đường link trên mã QR và cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục nhận thưởng. Đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới rất nguy hiểm.

Do đó, Cục An toàn Thông tin khuyến nghị người dân cần thận trọng khi quét mã, nhất là các mã sử dụng ở nơi công cộng hoặc chia sẻ qua mạng xã hội hay email.

Người dùng cũng cần xác định, kiểm tra kỹ thông tin tài khoản người chuyển mã QR, cũng như nội dung trang web mà mã QR đưa tới, tuyệt đối không nhận bưu phẩm mà mình không đặt, không biết rõ nguồn gốc.

Mạo danh lãnh đạo cấp cao để chạy án

Một trong các hình thức lừa đảo qua mạng hiện nay là giả danh lãnh đạo để chạy án.

Một trong các hình thức lừa đảo qua mạng hiện nay là giả danh lãnh đạo để chạy án.

Mới đây, Công an huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành bắt giữ và điều tra đối tượng Nguyễn Thị Hoài (27 tuổi, trú tại phường Trường An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua hình thức mạo danh lãnh đạo Nhà nước lừa chạy án.

Để phục vụ cho hành vi lừa đảo, đối tượng đã lập nhiều tài khoản ảo trên mạng xã hội có gắn hình ảnh một số lãnh đạo sau đó tự nhắn tin giới thiệu với người nhà nạn nhân là mình có khả năng can thiệp để giảm án.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai. Việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Bẫy 'đầu tư tiền ảo'

Bẫy đầu tư tiền ảo.

Bẫy đầu tư tiền ảo.

Đầu tháng 3/2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận đơn của chị T., trình báo việc sự việc bị chiếm đoạt 5,4 tỷ đồng.

Tại cơ quan, chị T. cho biết có tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder và quen một người đàn ông tự giới thiệu là bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Singapore. Sau khi tạo niềm tin với chị T., người này mời chị tham gia chơi tiền ảo. Lần đầu chị T. nạp 20 triệu đồng và ngay lập tức được rút 30 triệu đồng.

Chị tiếp tục nạp 300 triệu đồng thì được thông báo "tài khoản thắng 10,1 tỷ đồng" nhưng không rút được tiền. Hệ thống thông báo "phải nộp 20% lợi nhuận thuế thu nhập cá nhân".

Chị T. đã nộp 1,7 tỷ đồng tiền tiền thuế thu nhập cá nhân, 2 tỷ tiền xác minh tài khoản để rút được tiền về và 1,4 tỷ để tham gia kênh rút tiền nhanh. Tuy nhiên, chị vẫn không rút được. Chỉ trong vòng 5 ngày, chị đã chuyển cho các đối tượng 5,4 tỷ đồng. Sau đó, chị biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Cục Công nghệ thông tin khuyến cáo, người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên mạng xã hội. Không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ