Hiếm có ai trong chúng ta chịu khó đọc thật kỹ các thỏa thuận khi cài đặt hoặc cập nhật phiên bản iOS mới. Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy các điều khoản trong này khá mơ hồ, nhiều quy định lỏng lẻo hoặc sử dụng các cụm từ chung chung.
Vậy sau khi chạm vào nút “Đồng ý” chúng ta đã cho phép Apple nắm được những thông tin gì về mình?
1. Tất cả những gì bạn nói với trợ lý ảo Siri và nơi bạn nói những điều đó
Bất cứ thông tin nào bạn nói với Siri, một vài bên thứ ba nào đó cũng có thể nghe được. Lý do cho điều này là để “hiểu bạn tốt hơn và nhận ra những gì bạn nói” (theo nội dung của điều khoản thỏa thuận).
Siri cũng cho phép Apple sử dụng và chia sẻ “những thông tin khác” với “các công ty con và đại lý”. Từ “thông tin khác” được phần nào hiểu là tên bạn, nickname của bạn, và các mối quan hệ trong sổ đia chỉ, các bài hát bạn nghe, địa điểm bạn đến và yêu cầu bạn đưa ra cho Siri.
Ông Ryan Calo, giáo sư trợ lý tại Đại học Luật Washington School cho biết, đến giờ chúng ta vẫn không biết những công ty con và đại lý nằm trong thỏa thuận dưới cái tên như “đối tác” hay “người được cấp phép” là ai, nhưng nó có thể bao gồm hàng nghìn con người.
2. Một số dữ liệu cá nhân
Chính sách riêng tư của Apple chia thông tin người dùng thành hai dạng: thông tin “cá nhân” và “không cá nhân”. Apple cũng nhấn mạnh họ không cung cấp thông tin “cá nhân” cho các nhà marketing. Nhưng định nghĩa về hai mục này lại không hợp lý.
Giảng viên môn luật trường Đại học Standford, Chip Pitts đưa ra một định nghĩa ngắn gọn về thông tin “cá nhân” bao gồm tên, địa chỉ email, số điện thoại, ưu tiên liên lạc và thông tin thẻ tín dụng của bạn. Apple cho biết công ty chỉ sử dụng những dữ liệu này nhằm mục đích cải thiện sản phẩm và quảng cáo.
Trái lại, các thông tin “không cá nhân” gồm rất nhiều thông tin khác mà Apple có thể chia sẻ với các bên thứ ba. Và nó có thể là một số thông tin mang tính chất tương đối cá nhân ví dụ như nghề hipping người sử dụng, zip code và vị trí nơi thiết bị được sử dụng. Những thông tin này được gọi là “không cá nhân” bởi nó không tạo nên sự “liên hệ trực tiếp với một cá nhân cụ thể nào”
3. Thiết bị của bạn (và cả bạn) đang ở đâu
Bất cứ “dịch vụ” nào sử dụng vị trí điện thoại của bạn đều có thể thu thập dữ liệu về vị trí của bạn để “cung cấp và cải thiện các sản phẩm và dịch vụ”.
Bởi chúng ta hầu như luôn đem điện thoại bên mình nên các dịch vụ này dễ dàng hình dung ra được bức tranh về một ngày của của bạn. Kể cả những thông tin về việc tìm kiếm địa điểm (trên một ứng dụng nào đó) cũng được thu thập.
Tuy nhiên Apple tuyên bố, thông tin về địa điểm không được thu thập theo kiểu ràng buộc với người dùng cá nhân. Nó sẽ không đưa tên của bạn mà chỉ có thể kết hợp với những dữ liệu khác để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh về bạn.
Các thiết bị của Apple cũng có thể lần theo địa điểm nơi người sử dụng mua và dùng các ứng dụng. Chúng tôi không rõ vì sao điều này là cần thiết nhưng nếu một ứng dụng có thể sử dụng địa điểm của bạn, nó có thể gửi thông tin về nơi bạn dùng ứng dụng đến Apple và “các đối tác, những người được cho phép và các nhà phát triển bên thứ ba”.
4. Bạn đang đi với tốc độ thế nào
Bất cứ ứng dụng nào sử dụng dữ liệu về địa điểm đều có thể thu thập thông tin về tốc độ di chuyển của bạn. Điều này sẽ có ích cho những ứng dụng báo tin lưu lượng giao thông.
Từng có ít nhất một ứng dụng như vậy bị nhà chức trách “sờ đến”. Năm 2011, nhà phát triển ứng dụng điều hướng TomTom phải xin lỗi người sử dụng về việc công ty này đã bán các dữ liệu liên quan đến tốc độ di chuyển cho cảnh sát Hà Lan. Cảnh sát đã dùng chính những dữ liệu này để bẫy tốc độ người đi xe.
5. Tất cả tin nhắn iMessage bạn gửi
Để đảm bảo các iMessage được chuyển đến người nhận, Apple đã lưu chúng lại dưới dạng mã hóa trong một khoảng thời gian (chưa rõ là bao lâu). Giữ lại những thông tin này là một việc làm khá rủi ro bởi nó có thể trở thành mục tiêu của các hacker, kể cả thông tin có được mã hóa.
Tuy nhiên, Apple không lưu lại các dữ liệu trên Facetime bởi làm như vậy rất tốn bộ nhớ và tiền bạc.