5 cha con cùng kể câu chuyện bằng sắc màu nhưng không hề bị trộn lẫn rồi cùng hội tụ một điểm nhìn đầy trìu mến, yêu thương, nâng niu để xây nên ngôi nhà nghệ thuật ấm áp, tươi vui… Đó là cha - họa sĩ Hoàng Định cùng các con: Minh Thủy, Chúc Anh, Khánh Linh và Khánh Nguyên với triển lãm “HOME” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Cha vẽ “Hà Nội Phố” từ… giấc mơ
“Tôi thích gọi tên triển lãm này là “Hoàng Định và các con vẽ” thú vị hơn vì lẽ: Khẳng định một gia đình có truyền thống hội họa đặc sắc. Phong cách thể hiện không trùng lặp mà mỗi thành viên có cá tính riêng biệt, lý lẽ biện minh lãng mạn riêng. Và quan trọng hơn là cả nhà vẽ rất đẹp, có chất lượng nghệ thuật qua từng tác phẩm. Công sức và thành quả của vợ chồng họa sĩ Hoàng Định thật ngưỡng mộ” - Kiến trúc sư, họa sĩ Hoàng Thanh Giao.
Trong 36 tác phẩm hội họa được giới thiệu đến công chúng của triển lãm “HOME”, họa sĩ Hoàng Định có 15 tác phẩm vẽ phố phường Hà Nội từ những... giấc mơ.
Bởi vậy, tất cả đều là những dòng chảy sắc màu huyền ảo, mơ màng có thể đưa người xem bước vào cõi mộng để rồi gặp gỡ những dáng hình tuy không thực sự rõ nét, thậm chí là những biến dạng, mờ nhòe song vẫn nhận ra nét bình dị rất đỗi thân quen, mến yêu.
Có thể kể đến một “Bình minh trên phố” loang nắng vàng hướng dương khắp không gian. Khi ngắm nhìn tác phẩm này, người xem có những giây phút ban đầu hân hoan ùa vào rồi theo chân nắng tìm gặp bóng dáng mái phố cổ, mái đình nâu trầm thấp thoáng.
Những người bán hàng rong có khi gánh gồng, có khi đang thong thả dắt xe đạp và cả chị lao công mải mê quét rác, anh xe ôm trả khách, đám trẻ nhỏ chơi bên sân đình... cũng hiển hiện trong nắng vàng.
Sắc vàng ấy còn chảy tràn trong “Phố đường tàu” để điểm xuyết trên đó là bóng dáng con tàu chầm chậm về ga, là người đàn ông thong thả mà cần mẫn dắt xe bán hàng dạo.
Những dãy nhà, dãy quán hàng hai bên được làm nhòe về đường nét nhưng vẫn có thể nhận ra để thấy một đời sống sinh hoạt khá yên bình... Riêng đường ray khá rõ nét như chỉ dẫn về một hành trình tươi đẹp...
Ở “Đường Cổ Ngư” là dòng chảy của vệt màu tím sẫm được lấy làm chủ đạo, không dễ thấy trực diện một con đường nhưng lại khiến người xem xao động sóng lòng cùng câu hát: “Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về” (ca khúc “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa”, thơ: Bùi Thanh Tuấn, nhạc sĩ: Trương Quý Hải).
“Phố hẹp” lại là dòng chảy của màu đỏ rực với những hình khối nhòa vào đó. Khi ấy, người xem không thể tìm gặp dáng xưa, hình cũ của những con phố Hà Nội thường hiển hiện trong tranh của các họa sĩ khác mà bắt gặp một dòng nội lực tuôn trào…
Khi chia sẻ về những tác phẩm này, họa sĩ Hoàng Định kể, thời gian qua ông thực hiện cùng một thử nghiệm với những hình ảnh trong mơ của mình trong cách nhìn trừu tượng.
Các thành phần được cắt ra và ghép lại với nhau một cách ngẫu nhiên theo các nhóm, theo tỷ lệ, vị trí mới rồi mã hóa chúng. Ông mong muốn những hình ảnh với cảm nhận nghệ thuật cá nhân được mô tả bất chấp lời giải thích và lý do.
Trong đó, là “Phố lên đèn” với một sự biến dạng của hình ảnh được thể hiện qua các nét vẽ tạo nên những ảo ảnh kỳ lạ và mơ màng. Rồi việc đặc tả những đốm sáng của ánh đèn mờ tỏ trong mỗi con phố khi trời nhập nhoạng tối, hay ánh sáng da cam rực màu lúc bình minh được mô tả sự chuyển động huyền diệu qua bút pháp trong “Phố bình minh”…
“Những gì còn lại trong tác phẩm là sự đọng lại, là sự tổng hòa của cái không có thực, của hình ảnh từ tiềm thức. Đem cái “mơ màng vô thức” đặt vào cái “hình thức hữu hình” của tác phẩm, dẫn đến sự cảm nhận về một hình thức trừu tượng siêu thực “Abstract Surreallian” trong tác phẩm, nghĩa là trừu tượng dựa trên hình ảnh mơ màng của giác quan chứ không dùng tham chiếu cụ thể với các hình dạng trong tự nhiên, mà phần lớn phụ thuộc vô thức để dẫn giải về vấn đề mà tác phẩm đề cập đến”, họa sĩ Hoàng Định chia sẻ.
Tác phẩm 'Phố bình yên' của họa sĩ Hoàng Định. Ảnh: Bình Thanh. |
Thưởng lãm “Hà Nội phố”, nhà văn Đặng Thân cho rằng đó là minh chứng rõ ràng về con đường “tân cổ điển” của Hoàng Định. Ở đó có trí tưởng tượng được xây dựng từ những cảnh phi logic và dường như không tồn tại, như khi xem “Phố lên đèn”, “Bình minh trên phố” hay “Phố bình yên” ông như được bước vào một thế giới mới đầy hồi hộp, “như mơ”.
Nhưng ở đó còn có cả sự mâu thuẫn đầy “quyền lực” được tạo ra từ năng lượng dồi dào, tri thức phong phú, “tư duy văn học” cùng những kinh nghiệm và trải nghiệm “đầy như núi”.
Đặc điểm này được thể hiện rõ nét ở tác phẩm “Phố hẹp”: “khiến người xem bị lung lay thói quen trong cách “mường tượng” ra Hà Nội quen thuộc bỗng thành ra như ở cõi khác...”. Ngoài ra còn là những tính điện ảnh như trong “Phố đường tàu”…
“Đây chính là con đường đã chọn của họa sĩ Hoàng Định: Tân cổ điển. Anh chưa bao giờ sa đà vào những thứ “đường dài” (tân biểu hiện, nghệ thuật đường phố, trình diễn, sắp đặt, công cộng…) nên tác phẩm của anh đến được với mọi đối tượng, bởi chúng đẹp và gần gũi”, nhà văn Đặng Thân bày tỏ.
Còn họa sĩ Đỗ Đức thì nhận ra cũng vẽ phố, nhưng Hoàng Định không sao chép hiện thực như thói quen mòn nhẵn một thời như nhiều người từng làm mà muốn thể hiện hiện thực theo quan niệm mới của mình về không gian đô thị.
Hoàng Định đã nhận ra điều này khi ánh sáng chảy tràn trên những bức tường vách phố. Ánh sáng tràn trên đường và trườn trên các vòm lá, với những sắc màu biến đổi theo cường độ từng thời điểm, tạo ra ấn tượng thị giác như những dòng chảy trong mơ.
“Ông đã thể hiện giấc mơ phố của mình khi vàng rực ban mai, lúc ấm nồng trong nắng chiều, nhạt dần và tím đậm trong buổi hoàng hôn. Những con phố trừu tượng với phong thái có lúc gần với tân ấn tượng, bỏ hết nét, chỉ còn những mảng màu ráp vào nhau, chồng lên nhau, xoắn vào nhau, bò tìm nhau như đám trẻ con đường phố đang nô đùa, quên thời gian, không gian chỉ còn niềm vui ồn ào quây lấy chúng.
Những bức phố khổ lớn hai ba mét vuông của ông thật đã cho cơn lốc màu tạo nên những giấc mơ phố đẹp làm sao”, họa sĩ Đỗ Đức bình luận.
Con ấp iu ký ức thân thương
“HOME” còn có 21 tác phẩm của 4 người con họa sĩ Hoàng Định: Minh Thủy, Chúc Anh, Khánh Linh và Khánh Nguyên. Cách “trình làng” này là bất ngờ lớn và cũng hiếm thấy đối với giới hội họa.
Đứng trước 6 tác phẩm nhỏ xinh của mình, cô con gái cả Minh Thủy say sưa thuyết trình về ý tưởng kết nối 3 bức tranh phong cảnh “Khoảng sân tuổi thơ”, “Bay cao”, “Cuộc phiêu lưu đầy màu sắc”.
Minh Thủy gọi đó là 3 bức chân dung ký ức trong hành trình lớn lên từ mái nhà che chở của ba mẹ đến thế giới thênh thang diệu kỳ, không phải của riêng cô mà của nhiều tâm hồn đồng điệu.
Bức chân dung ấy được bắt đầu từ khoảng sân rợp màu xanh của cây lá, có chú vịt đồ chơi ngơ ngác đến cánh diều vươn mình giữa mây trắng. Khi lớn thành các chàng trai, cô gái thì sẽ là những cuộc phiêu lưu của tuổi trẻ với biểu tượng quả khinh khí cầu bay tới những chân trời sắc màu…
3 tác phẩm còn lại là 3 chân dung với những biểu cảm của niềm vui trong “Hạnh phúc”, sự sáng trong trong “Đôi mắt em” và dễ thương trong “Ngon”, chỉ có thể bắt được khi người vẽ phải rất gần gũi, thân thiết với nhân vật.
Thực ra, Minh Thủy là người ngoại đạo với hội họa vì cô tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Việt Nam và Đại học Luật quốc tế, chưa từng vẽ bao giờ. Vậy mà tranh của cô vẫn có sức cuốn hút đặc biệt bởi cảm xúc được nảy nở từ những điều rất đỗi bình dị nhưng không kém phần lung linh.
“Tôi luôn bị thu hút bởi những điều đẹp đẽ dù bé nhỏ và bình dị bao quanh. Cảm hứng đôi lúc đến từ những đôi mắt ngập tràn cảm xúc, những lọn tóc bồng bềnh, những cặp má ửng hồng; đôi khi đến từ bầu trời xanh ngắt và hoàng hôn rực rỡ.
Tôi yêu những giây phút nghỉ ngơi, để ánh mắt và trí tưởng tượng của mình lơ lửng cùng những áng mây trôi lững lờ, để đôi chân của mình được chạm vào những ngọn cỏ bé nhỏ. Những giây phút đó thực sự không bao giờ phí phạm. Và tôi muốn tái hiện những điều đẹp đẽ đó qua những bức tranh…”, Minh Thủy nói.
Tác phẩm 'Ao bèo tây' của Hoàng Chúc Anh. Ảnh: Bình Thanh. |
Với Chúc Anh, cô con gái thứ 2, tốt nghiệp ngành illustration tại Canada, “HOME” là “Giàn hoa tigon” gắn với ký ức của ngôi nhà cô được sinh ra - ngôi nhà của ngoại có giàn hoa tigon thật nhiều hoa trên bức tường bên trái; là “Ao bèo tây” ở bên trái ngôi nhà thứ 2 - nơi gia đình cô ở lâu nhất - có đám chuồn chuồn bay thấp, bay cao, có đêm mùa hè lung linh cùng những con đom đóm đầy trời như dải Ngân Hà.
“HOME” còn là “Thung lũng hoa đào” - một điểm tựa để cô vượt qua thử thách trong 14 năm đón Tết xa nhà; là “Phiêu bạt trên biển” - một ký ức về tình yêu đại dương mà ba dạy, được bắt đầu từ những kỳ nghỉ hè ở quê của ba - Đồ Sơn, Hải Phòng.
Đó còn là ký ức về những câu chuyện nhỏ của mẹ luôn hướng các con đến việc chăm sóc cội rễ, dạy cô yêu rừng cây trong “Dưới ánh trăng rừng”; là bức tranh “Từ đằng bên hồ” được vẽ từ ngôi nhà của cô hôm nay được lồng trong “hạnh phúc biết bao nhiêu, khoảng trời riêng nho nhỏ xinh xinh của chính mình nằm gọn trong những ký ức và nỗi nhớ quê hương”.
Viết lá thư gửi tới ba Hoàng Định, cô con gái thứ 3 của ông - Khánh Linh - thổ lộ: “Chúng con đã có một tuổi thơ vô cùng tươi đẹp và ấm áp bên ba mẹ trong một ngôi nhà bốn tầng xinh xắn, sâu trong góc hẻm nho nhỏ.
Qua những ổ cửa sổ của ngôi nhà thân thương, gia đình mình đã chứng kiến từng sự thay đổi của khu phố xung quanh: Hàng xóm dần trở nên đông đúc, những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm trên các mảnh vườn trồng rau thơm nổi tiếng của làng Láng, các cô chú bán hàng rong qua lại hàng giờ, và nhớ nhất là quán bia hơi luôn ồn ào náo nhiệt, mỗi tối vang lên “1,2,3, Dzo!”.
Dù vậy, gia đình ta vẫn không chút bận tâm giữa những bộn bề đó mà dường như trong ngôi nhà ấy đối với ba chỉ có hội họa… Ngày đáng nhớ nhất của ba và con - ngày con làm người mẫu tranh với một bông hoa trong tay, để ba vẽ chân dung con. Đó là bức “Hoa bồ công anh””.
Tác phẩm 'Ba và bông lúa vàng' của Hoàng Nguyễn Khánh Linh. |
Tại “HOME”, ngoài “Hoa bồ công anh: Con gái của ba”, Khánh Linh còn có các tác phẩm: : “Ba và đồng lúa vàng”, “Về quê Đồ Sơn”, “Bể cá dưới lầu”, “Khu vườn gác mái nơi trú ẩn của ba”. Nét vẽ của thạc sĩ Marketting tại New York Universty - khá bay bổng và gần hơn cả với phong cách hội họa của cha mình.
Con trai út Khánh Nguyên đang du học tại Mỹ thì mang đến “HOME” 5 trạng thái: “Kinh ngạc”, “Tĩnh lặng”, “Phiêu lưu”, “Mơ màng”, “Hỗn loạn”. Nếu như “Kinh ngạc” gắn với kỷ niệm khó quên của những chuyến đi dã ngoại ở biển cùng gia đình thì “Phiêu lưu” là những điều Khánh Nguyên cảm nhận từ ký ức tung tăng trong công viên, vườn nhà “luôn chứa đựng bao điều huyền bí và cả những vẻ đẹp tiềm ẩn”.
Nhất là “Mơ màng” được vẽ từ ký ức hằng ngày, mỗi khi đi học tiếng Anh trở về nhà vào lúc đêm muộn là những giấc ngủ chập chờn trên xe. Trong lúc mắt nhắm mắt mở, Khánh Nguyên ngước nhìn lên bầu trời đêm Hà Nội chỉ thấy những vì sao ẩn hiện.
“Bất giác, tôi muốn đưa mắt tìm những vì sao lúc tỏ, lúc mờ trong màn đêm. Những đốm sao lấp lánh ấy thật là quý giá đối với tôi trong lúc này vì chúng khiến cho đêm đen trở nên kỳ diệu”, Khánh Nguyên ghi lại cảm xúc tuổi thơ.
5 cha con họa sĩ Hoàng Định đã cùng chụm lại ở “HOME”, mỗi người mỗi phong cách nhưng cùng gặp ở điểm nhìn tràn ngập niềm hạnh phúc được xây đắp từ tình yêu gia đình. Tình yêu ấy được vun đắp từ sự tài hoa của người cha và sự tảo tần của người mẹ cùng những tiếng cười vươn đến chân trời rộng mở của những đứa con…
Từ đó, cha và con cùng lan tỏa vào “HOME” không chỉ để mừng sinh nhật tuổi 70 của họa sĩ Hoàng Định mà còn có thể truyền đi sức mạnh của tổ ấm mà những đứa con được lớn lên với tuổi thơ đầy ắp yêu thương...