5 bước giúp tổ chức thành công học trải nghiệm sáng tạo

GD&TĐ - Cô Mai Thị Tuyết Nhung - Trường THPT C Nghĩa Hưng (Nam Định) - chia sẻ các bước tổ chức học tập trải nghiệm sáng tạo môn Địa lý. Các bước này cũng có thể áp dụng hiệu quả với nhiều môn học khác.

5 bước giúp tổ chức thành công học trải nghiệm sáng tạo

Xác định nội dung của hoạt động nhận thức

Để đạt được mục tiêu dạy học đề ra, tích cực hóa các hoạt động nhận thức của học sinh (HS), giáo viên (GV) cần thiết kế được nội dung bài học dễ hiểu nhằm thông qua hoạt động nhận thức học sinh có thể lĩnh hội tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, phát triển tư duy và năng lực cần thiết ở người học.

Các bài học sẽ được giáo viên thiết kế thành các hoạt động nhận thức với nội dung cô đọng. Đặc biệt cần xác định được kiến thức trọng tâm của bài. Nhằm phù hợp với mục tiêu đã đề ra làm sao để qua mỗi bài học Địa lí học sinh không chỉ học được kiến thức trọng tâm mà môn học đề ra, mà các em còn rèn luyện được kĩ năng, kĩ xảo Địa lí, hình thành được thái độ hành vi thông qua bài học.

Không phải nội dung nào trong chương trình Địa lí lớp 10 – THPT cũng thích hợp với việc tổ chức học tập trải nghiệm. Theo quan điểm của người nghiên cứu, những nội dung kiến thức mang tính hàn lâm, lí thuyết là những nội dung không thực sự phù hợp với học tập trải nghiệm.

Nội dung kiến thức phù hợp với học tập trải nghiệm thường là những nội dung gắn với thực tiễn của HS, dễ dàng cho GV xây dựng những tình huống thực tiễn hoặc những tình huống mô phỏng gần giống với thực tiễn cho phép HS trải nghiệm trong các tình huống đó để tự rút ra kiến thức mới.

Tìm hiểu thực trạng, thông tin, địa điểm

Trước hết, GV phải tìm hiểu về thực trạng HS dưới góc độ: HS đã tiếp cận với phương pháp học tập trải nghiệm chưa? HS có hứng thú với cách học này không? Làm thế nào để HS sẵn sàng cho cách tiếp cận cách thức học mới này?

Học tập trải nghiệm khác với phương pháp học tập thông thường và với phương pháp học tập truyền thống trước đây. Phương pháp này không bó buộc trong không gian lớp học mà có thể linh động bên ngoài lớp học với các hình thức tổ chức đa dạng.

Tuy nhiên, trong trường hợp GV muốn tiến hành dạy học trải nghiệm ở môi trường ngoài lớp học, GV cần kiểm tra kĩ các địa điểm dự kiến tổ chức hoạt động học tập cho HS bằng cách trả lời câu hỏi:

Địa điểm đó có chứa đựng những tình huống phù hợp với nội dung và mục tiêu của hoạt động trải nghiệm hay không? HS có thể tiếp cận những địa điểm đó một cách dễ dàng hay không?

Cần phải thực hiện những biện pháp nào (xin giấy phép, đăng kí..) để HS có thể tiếp cận những địa điểm đó? Địa điểm đó có chứa những yếu tố có thể tác động tiêu cực tới HS không? GV phải thực hiện những biện pháp gì để hoạt động học tập trải nghiệm của HS diễn ra suôn sẻ?

Xác định mục tiêu và sản phẩm đầu ra của hoạt động trải nghiệm

Về mục tiêu, quá trình học tập trải nghiệm sáng tạo, GV luôn phải xác định rõ những gì GV cần biết, hiểu, có thể làm được sau khi hoàn thành một bài học. Xác định mục tiêu bài học giúp GV đảm bảo hướng đi đúng cho HS tập trung vào những kiến thức và kĩ năng cơ bản, cần thiết.

Làm sao các bài học là những hoạt động học tập để học sinh có thể phát huy năng lực tự học, tìm tòi, khám phá sáng tạo và còn bổ sung cho mình những kĩ năng mềm cần thiết. Điều này đảm bảo rằng GV, HS, hoạt động đánh giá, nội dung dạy học và kế hoạch dạy học được liên kết chặt chẽ trong quá trình dạy học.

Trong đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, có hai điểm cần chú ý:

Theo lí luận dạy học Địa lí thì có 3 nhóm nhiệm vụ cần phải đạt được trong mỗi bài học đó là mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ - hành vi. Cụ thể như sau:

Nhóm mục tiêu về kiến thức: Theo B.Bloom , trong lĩnh vực nhận thức có 6 mức độ từ đơn giản đến phức tạp: Nhận biết; thông hiểu; phân tích; áp dụng; tổng hợp.

Nhóm mục tiêu tâm - vận động: Nhóm mục tiêu này đề cập tới mức độ thành thạo của các kĩ năng như: Bắt trước; thao tác; hành động chuẩn xác; hành động phối hợp; hành động tự nhiên.

Nhóm mục tiêu cảm xúc: Nhóm mục tiêu này nói tới cảm giác, thái độ, giá trị.

Trong lĩnh vực này được phân biệt thành 5 mức độ khác nhau: Tiếp cận; đáp ứng; định giá; tổ chức; biểu thị tính cách riêng.

Ngoài ra bên cạnh việc xác định mục tiêu thông thường GV cần xác định được trong bài học GV sẽ định hướng cho HS phát triển năng lực gì để trong quá trình hoạt động GV có thể đưa HS đi đúng hướng. Bởi với xu hướng dạy học hiện đại thì mỗi bài học cần nhằm mục tiêu phát triển năng lực ở người học.

Xác định các phương pháp dạy học trải nghiệm

Sau khi xác định được mục tiêu, nội dung bài học GV cần xác định cách thức tổ chức nên tiến hành như thế nào để đạt hiệu quả cao, nói cách khác đó chính là bước xác định phương pháp, phương tiện dạy học để học sinh đạt được kiến thức trọng tâm, và hình thành kĩ năng, kĩ xảo.

Khi lựa chọn phương pháp dạy học thường bắt đầu từ việc xác định đặc điểm, khả năng thực hiện của mỗi phương pháp.

Có thể kể đến một số phương pháp như: Phương pháp dạy học dự án; phương pháp tình huống; phương pháp học tập phục vụ cộng đồng; phương pháp tham quan thực địa; phương pháp điều tra, khảo sát địa phương; phương pháp đóng vai; phương pháp dạy học sử dụng các phương tiện trực quan (bản đồ, lược đồ; tranh ảnh; biểu đồ và số liệu thống kê; phim).

Tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm

Mô hình học tập này gồm có 5 bước cụ thể:

Bước 1 - Kinh nghiệm có sẵn: Kinh nghiệm có sẵn ở đây có thể được hiểu đó là kết quả của quá trình sau khi học sinh được đọc tài liệu, xem video, hay từ thực tế cuộc sống, qua một số bài học được tích lũy từ trước... được học sinh xâu kết, gợi nhớ lại biến nó thành nguyên liệu học tập. Đây là bước khởi đầu trong quá trình học tập.

Bước 2 - Trải nghiệm cụ thể: Thông qua kinh nghiệm sẵn có người học trải nghiệm cụ thể. Học sinh sẽ là người tự định hướng cho chặng đường học tập của mình. Qua trải nghiệm cụ thể học sinh sẽ được tham gia sâu hơn và phát triển trong quá trình học tập.

Bước 3 - Phản hồi: Phân tích đánh giá nó dưới hình thức chiêm nghiệm lại để học sinh tự đúc rút xem vấn đề đó có đúng với suy nghĩ của các em hay đúng với lí thuyết mà các em được đọc hay không

Bước 4 - Kinh nghiệm mới: Trên cơ sở học sinh thực hiện 3 bước trên học sinh tiến hành khái niệm hóa những kinh nghiệm đã nhận được. Để từ đó tìm ra cho mình khái niệm mới. Quá trình này biến kiến thức trở nên có hệ thống và lưu giữu, khắc sâu trong bộ nhớ.

Nhờ có bước này mà kinh nghiệm được nâng cấp phát triển lên một tầm cao mới, hữu ích hơn. Bước này được xem như là giai đoạn kiểm chứng kết luận của mình có đúng hay không.

Bước 5 - Áp dụng giải quyết vấn đề thực tế: Sau giai đoạn khái niệm khoa học sinh đã đưa ra được một kết luận được đúc rút từ thực tiễn với những luận cứ, suy nghĩ chặt chẽ. Nhờ kết luận đó học sinh có thể đưa nó vào thực tiễn để kiểm nghiệm. Đây là bước hết sức quan trọng trong việc hình thành tri thức thực sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ