4 lưu ý với giáo viên Mĩ thuật khi triển khai chương trình mới

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

ThS Trần Thị Vân (Khoa Sư phạm Mĩ thuật, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) chia sẻ trong tham luận tại hội thảo “Bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”: Chương trình môn mỹ thuật phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng hình thành và phát triển năng lực học sinh đáp ứng yêu cầu của thực tiễn giáo dục.

Chương trình thể hiện rõ việc dịch chuyển mục tiêu từ định hướng nội dung/ kiến thức sang mục tiêu hình thành phẩm chất và phát triển năng lực; được xây dựng với cấu trúc mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và đánh giá kết quả học tập học sinh.

Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là xây dựng lại từ đầu mà trên cơ sở kế thừa chương trình hiện hành để thiết kế chương trình phù hợp, tập trung vào những điểm mới phù hợp với bối cảnh xã hội và giáo dục hiện đại.

Những điểm mới trong chương trình về mục tiêu, đối tượng, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và đánh giá là một trong những cơ sở để các trường sư phạm đổi mới chương trình đào tạo; đồng thời, cũng đặt ra những yêu cầu mới về bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực nghề cho giáo viên mỹ thuật ở các trường phổ thông hiện nay.

Theo ThS Trần Thị Vân, mỗi đổi mới của chương trình đều nảy sinh những khó khăn đối với giáo viên. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, chương trình được chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phẩm chất và năng lực học sinh thì khó khăn của giáo viên là phải chuyển từ phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng cung cấp kiến thức, kĩ năng cho học sinh, sang việc tổ chức cho học sinh tự khám phá thông qua tổ chức các hoạt động học tập để học sinh vận dụng kiến thức, giải quyết những vấn đề có ý nghĩa trong nhận thức và đời sống.

Rào cản lớn nhất đối với giáo viên trong chuyển đổi này là nhiều giáo viên đang có thói quen truyền đạt một chiều và thiếu năng lực thiết kế các hoạt động sáng tạo thẩm mỹ cho học sinh. Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá hiện nay đang theo hướng tiếp cận nội dung đã ảnh hưởng đến quyết tâm đổi mới của giáo viên.

Thứ hai, chương trình mỹ thuật hiện hành (5/2006) từ chỗ chưa phân cấp chuyển sang chương trình mở, có sự phân cấp. Với quan điểm là giáo dục dựa vào nhà trường, đổi mới này đòi hỏi giáo viên mỹ thuật phải có năng lực phát triển chương trình nhà trường.

Tuy vậy, nhiều giáo viên mỹ thuật phổ thông hiện nay không quan tâm đến nghiên cứu, phân tích chương trình trước khi thiết kế bài học mà chủ yếu dựa vào thông tin trong sách giáo khoa; thậm chí có giáo viên không bao giờ đọc chương trình, cứ mở SGK dạy. Điều này đã hạn chế sự phát triển năng lực nghề của chính bản thân giáo viên.

Thứ ba, chương trình mỹ thuật phổ thông 2018 với mục tiêu chủ yếu là tập trung phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh cho nên giáo dục tích hợp trở thành một phương thức cơ bản bởi vì năng lực là khả năng kết nối kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực để giải quyết các vấn đề nhận thức và thực tiễn.

Trong khi đó, giáo viên mỹ thuật hiện nay còn khá lúng túng về tổ chức dạy học tích hợp, bởi lâu nay vẫn quen với cách dạy học theo từng đơn vị nội dung/ bài học rời rạc.

Thứ tư, chương trình mới chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 là từ lớp 1 đến lớp 9 (giáo dục cơ bản) với mục tiêu giáo dục kiến thức mỹ thuật phổ thông, cơ bản cần cho mọi người; giai đoạn 2 là từ lớp 10 đến lớp 12 được gọi là giai đoạn giáo dục phân hóa, định hướng nghề nghiệp với mục tiêu học sinh sẽ được chuẩn bị những tri thức gắn với lĩnh vực ngành nghề mỹ thuật.

Đổi mới này nảy sinh khó khăn cho giáo viên là ở giai đoạn 1, giáo viên phải có nền tri thức rộng, nhưng đến giai đoạn 2 thì giáo viên lại phải có tri thức sâu về chuyên ngành. Như vậy cả hai thái cực rộng và sâu ấy giáo viên mỹ thuật phải được bồi dưỡng mới đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

Thực tế cho thấy, dù được đào tạo ở các trường sư phạm theo chương trình chung nhưng mức độ thành công của các giáo viên là không giống nhau; năng lực nghề nghiệp của các giáo viên cũng phân hoá khác nhau bởi qua quá trình công tác.

Một bộ phận giáo viên thực hiện công việc dạy học theo kinh nghiệm, thói quen hoặc vì yêu cầu của nhà quản lý trực tiếp chứ chưa thực sự vì nhu cầu tự đánh giá cải tiến hay vì học sinh.

Điều này không những làm hạn chế dần sự đổi mới, sáng tạo của mỗi giáo viên mà còn là yếu tố trở ngại cho việc đổi mới giáo dục nói chung, nhất là trong giai đoạn hiện nay lại càng cần sự đổi mới, sáng tạo của mỗi giáo viên, không chỉ trong tư duy mà còn cả trong thực tế dạy học.

ThS Trần Thị Vân cho rằng, việc đào tạo lại qua tập huấn, bồi dưỡng có vai trò rất quan trọng giúp các giáo viên từng bước hoàn thiện và phát triển năng lực chuyên môn của mình.

Đây là công tác rất cần thiết và cần sự thống nhất từ nội dung, cách thức tập huấn cũng như sự phối hợp, hỗ trợ và thống nhất trong đánh giá của các cấp quản lý.

Hơn nữa, khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng thường xuyên của mỗi giáo viên cũng sẽ giúp họ có khả năng tự hoàn hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn dạy học luôn cần sự đổi mới, sáng tạo hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ