Thiếu 100% giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật bậc THPT
Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) được triển khai dạy và học ở cả ba cấp: Tiểu học, THCS, THPT. Chia sẻ thông tin từ số liệu đánh giá của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: Ở tiểu học, số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật còn rất thiếu.
Trong tổng số 15.538 trường tiểu học trên toàn quốc, tổng số giáo viên Âm nhạc chỉ có 13.339 giáo viên (tỷ lệ giáo viên/trường chỉ đạt 0,85% - số giáo viên Âm nhạc thiếu là 2.199 giáo viên). Tổng số giáo viên Mĩ thuật tiểu học chỉ có 13.445 giáo viên (tỷ lệ giáo viên/trường đạt 0,86% - số giáo viên Mĩ thuật thiếu là 2.093 giáo viên).
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, toàn quốc hiện có 2.834 trường THPT. Nếu căn cứ vào tiêu chí mỗi trường THPT cần 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mĩ thuật, số lượng giáo viên cần có là 5.668 người. Như vậy, nguồn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông hiện nay rất lớn.
Theo dự báo của Bộ GD&ĐT về nhu cầu tuyển dụng giáo viên nghệ thuật bậc THCS đến năm 2022 khoảng 23.702 giáo viên. Nhu cầu tuyển dụng giáo viên nghệ thuật bậc THPT đến năm 2022 là 10.098 giáo viên.
Ở bậc THCS, số lượng giáo viên nghệ thuật về cơ bản là đủ. Theo đó, tổng số 10.939 trường THCS trên toàn quốc có 11.424 giáo viên Âm nhạc (tỷ lệ giáo viên/trường đạt 1,04%); và 11.178 giáo viên Mĩ thuật (tỷ lệ đạt 1,02%). Riêng đối với bậc THPT, theo lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông mới, khi môn Nghệ thuật được triển khai tại các trường, con số về đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật sẽ thiếu 100%.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng tìm hiểu trình độ đào tạo và năng lực nghệ thuật của giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật hiện nay và cho biết: Ở bậc THCS, đa số giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật đạt chuẩn trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm Âm nhạc/sư phạm Mĩ thuật hoặc tương đương trở lên.
Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) thì chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên ở cả tiểu học và THCS phải là đại học. Thực tế này cũng đặt ra bài toán đối với đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật trong việc nâng chuẩn, đạt chuẩn và cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.
Riêng ở bậc tiểu học, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, trình độ đào tạo của giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật không đồng đều. Có giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trung học sư phạm hoặc tương đương, có giáo viên đạt trình độ CĐ sư phạm, CĐ chuyên nghiệp, ĐH sư phạm, sau ĐH và vẫn còn một số ít giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ trung học sư phạm. Tổng số giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật tiểu học trên toàn quốc là 26.784 giáo viên; số giáo viên Âm nhạc là 13.339 người.
Ảnh minh họa/ INT |
Giải quyết bài toán mất cân đối giáo viên
Thực trạng đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở phổ thông cho thấy đang tồn tại nhiều bất cập: Số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật mất cân đối; giáo viên tiểu học vẫn còn thiếu cục bộ, THPT dự báo rất thiếu. Trình độ đào tạo của giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật đa số chưa đạt chuẩn, không đồng đều, năng lực nghệ thuật còn hạn chế. Một bộ phận tâm lý ngại đổi mới, hạn chế trong sử dụng công nghệ và kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong nhà trường…
“Những điều này cho thấy cần giải quyết sớm bài toán mất cân đối về giáo viên ở cấp tiểu học; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng để đáp ứng đủ số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cho THPT, đạt chuẩn cho bậc THCS và để từng bước chuẩn bị khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới” - PGS Đào Đăng Phượng cho hay.
Đi sâu vào hoạt động bồi dưỡng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng: Việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cần tập trung vào phương pháp dạy học, cách tiếp cận theo hướng phát triển năng lực nghệ thuật kết hợp với các năng lực cơ bản khác như: Ngoại ngữ, Tin học, phát triển chương trình, tổ chức các hoạt động học tập trong nhà trường.
Hoạt động này cũng cần chú trọng bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức thông qua kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm; kỹ năng kiềm chế cảm xúc; kỹ năng giải quyết xung đột và vấn đề giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự nhà giáo.