4 lần đấu giá “Thiếu nữ chải đầu” vẫn nhầm tác giả!

GD&TĐ - Mấy ngày qua, cộng đồng yêu mỹ thuật Đông Dương dậy sóng vì một bức tranh, sau 10 năm với bốn lần đấu giá nhưng vẫn sai tên họa sĩ.

“Hai thiếu nữ chải tóc dài” (1932) của Phùng Văn Cừ đấu giá năm 2020 tại nhà Boisgirard Antonini - cũng nhầm tên tác giả thành “Phung Van Cun”.
“Hai thiếu nữ chải tóc dài” (1932) của Phùng Văn Cừ đấu giá năm 2020 tại nhà Boisgirard Antonini - cũng nhầm tên tác giả thành “Phung Van Cun”.

Giám tuyển nghệ thuật Ace Lê cho biết, trong phiên đấu sắp tới ngày 14/3 của nhà Aguttes (Pháp), bức tranh được chọn mặt gửi vàng để lên bìa cuốn catalogue được ghi là “Thiếu nữ chải đầu” (1932) của danh họa Trần Bình Lộc - cựu thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, với mức giá kỳ vọng 80.000 – 120.000 EUR.

Chuyên gia tiếng Trung dịch chữ Nôm

Tuy nhiên, chỉ cần nhìn thoáng qua chữ ký tiếng Việt, giám tuyển Ace Lê và giới nghiên cứu mỹ thuật dễ dàng nhận thấy không phải là chữ ký của họa sĩ Trần Bình Lộc, mà là của một họa sĩ khác có tên Trần Tấn Lộc.

Giới mỹ thuật cho rằng, đây là một lỗi hệ thống quan trọng và đặt ra câu hỏi về khả năng nghiên cứu, cùng động cơ của các nhà đấu giá phương Tây khi làm việc với tranh Việt.

Qua những trao đổi với nhóm đồng nghiệp của giám tuyển Ace Lê, nhà đấu giá Aguttes đã rất tự tin khẳng định “Thiếu nữ chải đầu” (1932) là của Trần Bình Lộc bởi một số lý do.

Thứ nhất, nhà Aguttes dựa theo chữ ký tranh và công bố thẩm định của 4 nhà đấu giá trước đó: Lô đấu ngày 9/12/2020 tại nhà Thierry de Maigret gõ búa 3.091 EUR, lô đấu ngày 3/11/2020 tại nhà Asium gõ búa 1.310 EUR, lô đấu ngày 24/1/2017 tại nhà Lynda Trouvé, lô đấu ngày 4/10/2010 theo thông tin Mutual Art.

“Qua quan sát mắt thường, ta có thể thấy cả 4 lô đấu này đều có chữ ký “Tr Tan Loc”, không thể nhầm sang Trần Bình Lộc được. Hơn nữa, bức tranh đấu năm 2010 có lai lịch vẽ năm 1929. Nếu là của Trần Bình Lộc (1914 - 1941) thật, thì lẽ nào cụ vẽ bức này lúc 15 tuổi, trước khi vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương? Như vậy đây là một lỗi hệ thống trải dài suốt 1 thập kỷ của toàn bộ các nhà đấu giá kể trên”, giám tuyển Ace Lê cho hay.

Thứ hai, nhà Aguttes dựa vào một video của Art Online Gallery, có đăng một số bức tranh trong các lô đã đấu kể trên. Tuy nhiên, đây không nên được coi là nguồn tin cậy, vì nó chỉ đơn thuần tổng hợp các kết quả đấu giá, không có công tác thẩm tra lại. Đó là lỗi chồng lỗi.

Cũng theo ông Ace Lê, nhà Aguttes đã thông qua chuyên gia tiếng Trung trong đội ngũ của mình để đọc chữ ký họa sĩ và dòng lạc khoản, để đưa đến kết luận “Cô gái chải đầu” là của Trần Bình Lộc. Và đây là lỗi quan trọng nhất, bởi chữ viết trên tác phẩm là chữ Nôm, trong khi các chuyên gia tiếng Trung chỉ đọc được chữ Hán.

Theo sự tư vấn của dịch giả Hán - Nôm Châu Hải Đường, lạc khoản chữ Nôm trên bức “Cô gái chải đầu” là “Trần Tấn Lộc họa”, biên thêm tựa đề “Người con gái chải đầu”. Chữ đỏ viết theo lối triện là “Văn Thái”, tức họa quán Văn Thái của cụ ở Hà Nội.

“Thiếu nữ chải đầu” (1932) của danh họa Trần Tấn Lộc được nhà đấu giá quốc tế ghi là Trần Bình Lộc".

Thiếu nữ chải đầu” (1932) của danh họa Trần Tấn Lộc được nhà đấu giá quốc tế ghi là Trần Bình Lộc".

Họa sĩ Trần Tấn Lộc là ai?

“Cộng đồng nghiên cứu luôn muốn đóng góp mang tính xây dựng, nhằm củng cố lại thị trường mỹ thuật đã vướng quá nhiều nghi vấn về tính chân thực. Hi vọng các nhà đấu giá quốc tế sẽ cầu thị, trả lại tên cho họa sĩ Trần Tấn Lộc" - Giám tuyển Ace Lê.

Để cho chắc chắn, giám tuyển Ace Lê và giới nghiên cứu mỹ thuật so sánh thêm một tác phẩm với chủ đề tương tự. “Hai thiếu nữ chải tóc dài” (1932) của Phùng Văn Cừ đấu ngày 18/12/2020 tại nhà Boisgirard Antonini - ở đây nhà đấu giá cũng viết nhầm tên tác giả thành “Phung Van Cun”.

Cũng theo dịch giả Châu Hải Đường, lạc khoản ở bức này đề “Phùng Văn Cừ họa”, với dòng thơ “Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi” (Thông vươn giữa tuyết mùa đông, ngàn cành như ngọc) và dấu triện cũng mang danh chương “Hà Nội Văn Thái”.

Với phong cách thư pháp của lạc khoản hai bức giống nhau, giới nghiên cứu cho rằng cả hai bức đều được bán bởi họa quán Văn Thái. Đó là đơn vị biên các lời bạt vào tranh năm 1932, và ghi chú tên họa sĩ lên đó. Đây là một phát hiện rất quan trọng.

Như vậy để kết luận, tranh được một loạt nhà đấu giá quốc tế cho là của Trần Bình Lộc suốt 10 năm qua, thực chất là của họa sĩ Trần Tấn Lộc.

Vậy họa sĩ Trần Tấn Lộc là ai? Rất ít người biết tới, và nhà nghiên cứu Kevin Vương đã phải rất dày công lần ra được manh mối về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Trần Tấn Lộc.

Ông sinh năm 1906 và mất năm 1968, quê ở làng Lủ (Kim Văn - Đại Kim – Hoàng Mai - Hà Nội). Sinh thời, họa sĩ Trần Tấn Lộc sống ở số 29 - 31 phố Hàng Dầu và là một họa sĩ có tiếng ở đất Hà thành.

Sau 4 năm đào tạo, ông tốt nghiệp Trường Bách nghệ Hà Nội (khoa Trang trí). Ông từng mở nhà hàng Mỹ thuật Văn Thái (Au Régal des Yeux), mở phòng vẽ Tấn Lộc chuyên vẽ quảng cáo và có tiếng khắp cõi Đông Dương.

Trần Tấn Lộc cũng làm việc cho hãng chiếu bóng “Indochine film” và từng đóng phim: Người cha kén rể, Huyền thoại Bà Đế, Tu phu mất giá...

Khi hòa bình lập lại năm 1954, ông được coi là cánh chim đầu đàn của ngành vẽ quảng cáo tại Công ty Mỹ thuật Hà Nội. Ông từng vẽ tờ bạc Đông Dương và tham gia vẽ Quốc huy Việt Nam.

“Từ những thông tin này, tra cứu lại một loạt các bức tranh được bán trước đây với cùng chữ kí được cho là của họa sĩ Trần Bình Lộc, ta nhận thấy ngay những bức tranh đó phải thuộc về họa sĩ Trần Tấn Lộc”, nhà nghiên cứu Kevin Vương khẳng định.

Trước những biến động không có lợi đối với nghệ thuật Đông Dương, giám tuyển Ace Lê cho biết thay mặt cho cộng đồng nghiên cứu và công chúng nghệ thuật Đông Dương - đề nghị các nhà đấu giá quốc tế đính chính lại tranh, nhằm trả lại công bằng cho họa sĩ Trần Tấn Lộc.

Đồng thời, về mặt lâu dài, các nhà đấu giá nên tìm đến tư vấn chuyên môn của chuyên gia văn hóa, lịch sử mỹ thuật người Việt, nhất là những trường hợp liên quan đến chữ Nôm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.