Thị trường tranh Việt sôi động vì Covid-19

GD&TĐ - Trong khi nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật “đóng băng” vì đại dịch Covid-19, thì thị trường tranh Việt lại sôi động khác thường với những cuộc đấu giá thu hút đông đảo giới sưu tập.

Hoạt động đấu giá tranh Việt ngày càng sôi động. Ảnh minh họa của Chọn đấu giá.
Hoạt động đấu giá tranh Việt ngày càng sôi động. Ảnh minh họa của Chọn đấu giá.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá có sức ảnh hưởng quá lớn tới hoạt động xã hội nói chung, và lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật nói riêng. Hàng loạt nhà hát, sân khấu đóng cửa, hàng ngàn nghệ sĩ thất nghiệp.

Tuy nhiên, riêng hội họa thì có vẻ ngược lại khi họ vẫn sáng tạo, vẫn đấu giá tranh và thu hút đông đảo giới sưu tập tham gia.

Giao dịch nhộn nhịp

Từ cuối tháng 4/2021, dịch Covid-19 bắt đầu quay trở lại và “càn quét” qua khắp các tỉnh thành. Hầu hết các triển lãm mỹ thuật phải tạm hoãn, hoặc chuyển sang trưng bày trực tuyến trên các nền tảng công nghệ số.

Trưng bày trực tuyến có vẻ kém thu hút người xem, tuy nhiên giới sưu tầm lại gần như không bỏ sót. Họ hướng đến những tên tuổi họa sĩ nổi tiếng, hoặc những họa sĩ trẻ có phong cách mới lạ để mua vào những bức tranh ưng ý.

Trong suốt hai tháng qua, trong khi nhiều hoạt động nghệ thuật bị tê liệt thì ở hai đầu đất nước, các sàn giao dịch đấu giá tranh trên mạng lại hoạt động cực kỳ sôi động. Các giao dịch mỹ thuật vẫn được chốt đều. Thậm chí, các phiên đấu giá được tổ chức còn dày đặc hơn khi chưa xuất hiện dịch Covid-19.

Đông A Gallery triển khai các phiên đấu giá tranh, sách vào tối Chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ ngày 16/5. Phiên đầu tiên đã diễn ra với tác phẩm “Phố” của họa sĩ Thành Chương. Phiên đấu giá tối 23/5 với tác phẩm “Châu chấu” của họa sĩ Tạ Huy Long.

Và đặc biệt hôm 30/5, đến lượt bộ minh họa ấn phẩm “Người kép già” của họa sĩ Thành Chương cũng đã được gõ búa thành công.

Vào tối 20/6, 7 tác phẩm của 5 họa sĩ: Hoàng Phong, Nguyễn Đức Huy, Phạm Hoàng Minh, Lê Thánh Thư, Tạ Huy Long cũng đã được đơn vị này tổ chức đấu giá. Tác phẩm được trả giá cao nhất là “Thuyền chiến cổ” của họa sĩ Tạ Huy Long với mức gõ búa 79 triệu đồng. Tổng giá trị giao dịch toàn phiên là 158,1 triệu đồng.

Không chỉ có Đông A Gallery, Indochine Art cũng ra mắt sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến. Thêm một sân chơi mà các họa sĩ có thể tham gia trưng bày, “rao bán” các tác phẩm nghệ thuật của mình một cách công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, giới nghệ thuật cũng chú ý tới sự xuất hiện của dự án “Cổng Trời” giữa bối cảnh công nghệ NFT đang khuynh đảo thế giới nghệ thuật.

NFT (hay Token không thể thay thế) ra đời từ năm 2017 nhưng mới được biết đến rộng rãi từ nửa năm nay. Thuật ngữ công nghệ này dùng để chỉ một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain, có chữ ký số của người sở hữu.

Dự án được kỳ vọng mở ra sân chơi mới cho những người sưu tập theo đuổi các tác phẩm chất lượng. Hiện nay trên trang Cổng Trời, tác phẩm “Góc riêng” của họa sĩ Lương Lưu Biên đang nhận được mức giá cao nhất - gần 1.000 USD. Sàn giao dịch sẽ thu phí 10% cho mỗi tác phẩm bán thành công để phục vụ công tác số hóa và chi trả cho giám tuyển.

Đấu giá ủng hộ chống Covid-19

Ngày 22/6, trao đổi với Báo GD&TĐ, đại diện Peony & Iris Art Gallery cho biết, bức tranh chân dung nhạc sĩ Trần Tiến đã được bán thành công với mức giá 55 triệu đồng. Nhà sưu tập Phùng Thị Thu Thủy, đại diện Peony & Iris Art Gallery, tiết lộ: “Chính nhạc sĩ Trần Tiến sẽ tự tay ghi tên nhà đấu giá thành công trên bức tranh này và trao tặng”.

Không chỉ ở sàn đấu giá mới sôi động các giao dịch mua bán, tại trang cá nhân của họa sĩ cũng đầy ắp thông tin đấu giá tranh. Đặc biệt, các họa sĩ đấu giá tranh của mình để ủng hộ kinh phí giúp các địa phương chống dịch Covid-19.

Họa sĩ Vũ Tuyên đã tổ chức phiên đấu giá tranh vẽ hoa sen, ủng hộ toàn bộ số tiền thu về cho quỹ vắc-xin Việt Nam. Mỗi bức tranh được đặt tên theo “Bát chính đạo” trong đạo Phật như Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính kiến, Chính tư duy, Chính niệm...

Peony & Iris Art Gallery (TPHCM) cũng tổ chức đấu giá bức tranh chân dung của nhạc sĩ Trần Tiến nhằm hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ. Tác phẩm này do họa sĩ Nguyễn Văn Đức vẽ, sử dụng chất liệu sơn dầu trên toan có kích thước 80 x 100cm, được sáng tác vào năm 2021, có mức giá khởi điểm 50 triệu đồng.

Hoạt động đấu giá tranh không chỉ được giới nghệ sĩ quan tâm, một số học sinh Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực tham gia, gom góp số tiền từ đấu giá để ủng hộ công tác phòng chống Covid-19.

Phạm Thiệu Bảo (sinh năm 2004) là du học sinh Trường Kent School ở bang Connecticut (Mỹ). Bảo về nước và thực hiện cách ly tại TPHCM.

Trên trang mạng xã hội cá nhân, Bảo thông tin: “Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, sau khi làm việc với gia đình và họa sĩ Bùi Văn Tuất, gia đình cháu ủng hộ bức “Mùa hoa cải” và họa sĩ ủng hộ 50% trị giá bức tranh “Cô bé tóc xù và chiếc vòng bạc”.

Hai bức tranh này cháu sẽ đem đấu giá và số tiền thu được sẽ được chuyển tới Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19”.

Tổng số tiền Bảo thu được từ hoạt động đấu giá là 43 triệu đồng. Bảo nói rằng, bản thân cảm thấy may mắn khi được nhiều người ủng hộ phiên đấu giá. Dù không đóng góp được nhiều bằng lần trước, nhưng vẫn thấy rất vui khi có khoản tiền để đóng góp cho quỹ.

Vào đợt dịch tháng 3 năm ngoái, Bảo “rao” đấu giá 4 bức tranh được tổng 55,5 triệu đồng. Số tiền này, Bảo đã nhờ mẹ chuyển đến tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương.

Chị Đặng Hồng Ngọc, mẹ em Bảo chia sẻ: “Thời điểm này đấu giá tranh khó khăn hơn trước, những bức tranh do Bảo bán cũng có giá thấp hơn nhiều so với giá thực tế. Tuy nhiên, gia đình rất vui vì buổi đấu giá thành công, được mọi người ủng hộ và con trai đã làm được việc tốt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.