Chuyên gia Nguyễn Quốc Hùng, MA |
Nội dung bổ sung mở đường cho việc phát triển một môn học, đảm bảo được chất lượng.
Luật Giáo dục quy định nội dung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước. Điều này từ trước đến nay chúng ta vẫn làm với mỗi bộ môn. Môn tiếng Anh cũng vậy, có một chương trình chung của cả nước, trong đó có chương trình cho Tiểu học, THCS và THPT.
Nhưng điều bổ sung mà chúng tôi tâm huyết là việc tổ chức thực hiện đảm bảo tính linh hoạt. Điều bổ sung này hết sức hợp lý.
Chúng ta hiểu rằng một chương trình phổ thông làm cho toàn quốc không thể tính đầy đủ và trọn vẹn đến mọi yếu tố đặc thù cho từng địa phương. Trong khi đó trên thực tế, các địa phương rất khác nhau về trình độ phát triển về kinh tế, giáo dục, mức độ tiếp cận với kiến thức thế giới; do đó, điều kiện để thực hiện chương trình cũng rất khác nhau, nếu áp dụng một cách cứng nhắc sẽ là một thách thức rất khó vượt qua cho nhiều nơi.
Nên khi Luật giáo dục quy định “… việc tổ chức thực hiện đảm bảo tính linh hoạt”, tôi cho rằng đây là nội dung mở đường cho việc phát triển một môn học một cách hợp lý, đảm bảo được chất lượng chúng ta đề ra.
Chủ trương đột phá: Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
Nội dung bổ sung Điều 29, mục 2 đề cập đến việc Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa, bên cạnh đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Tôi cho rằng điểm này là điểm chúng tôi mong mỏi từ rất nhiều năm.
Nếu chỉ có một quyển sách giáo khoa cho cả nước, và dùng lâu năm thì không hợp lý vì qua thời gian dài, với sự ra đời của nền công nghệ mới, nó sẽ không đáp ứng được sự phát triển.
Giáo trình đòi hỏi tính hiện đại rất lớn. Cũng vì thế ngay một nhà xuất bản khi đưa một giáo trình vào một thị trường nào đó họ cũng luôn luôn quan tâm đến việc đổi mới giáo trình hoặc thay thế.
Ví dụ Nhà xuất bản Oxford (OUP) sau khi đưa Let"s Go vào Việt Nam, trong khoảng 15 năm họ đã có tới 4 phiên bản, nhưng rồi sau đó lại thay bằng Family and Friends và được thị trường hoan nghênh ngay. Nhà xuất bản NGL đưa Our World vào Việt Nam và chỉ sau 3 năm hiện diện, họ đã thay bằng Explore Our World, cập nhật ngay được những quan điểm dạy ngoại ngữ mới nhất.
Luật mới cho phép một chương trình và nhiều sách giáo khoa là điều rất hợp lý, khuyến khích được năng lực, tài năng của các cá nhân. Trong từng giai đoạn lịch sử sẽ có những cá nhân xuất sắc đóng góp được những bộ sách hay trên cơ sở của chương trình quốc gia.
Nếu ta hoan nghênh và cho phép các tổ chức trong và ngoài nước biên soạn sách giáo khoa cho học sinh Việt Nam thì tăng cường tính cạnh tranh và người được hưởng lợi chính là học sinh, sinh viên và sau nữa sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các cơ sở đào tạo chọn lựa được giáo trình hay và thích hợp với địa phương mình, và nhờ thế chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao.
Nội dung bổ sung hợp lý: Phải có Hội đồng thầm định Quốc gia thẩm định sách giáo khoa
Hỗ trợ việc mở rộng khả năng biên soạn sách giáo khoa, dự thảo Luật giáo dục đã bổ sung một điểm hết sức hợp lý: mọi sách giáo khoa trước khi đưa vào sử dụng phải được Hội đồng Quốc gia thẩm định.
Thực tế cho thấy ngoài các trường phổ thông công lập, hầu hết các trường tư, trung tâm ngoại ngữ đều dùng sách giáo khoa do các nhà xuất bản nước ngoài biên soạn. Gần đây sách giáo khoa của nước ngoài đổ vào rất nhiều, nhưng công tác thẩm định không triệt để.
Chúng ta cần có một hệ thống thẩm định quốc gia để đảm bảo tính thích hợp về nhiều mặt: chính trị cũng như văn hóa, và những tiêu chí khác nữa, theo 44 tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh do Bộ GD&ĐT mới chính thức ban hành năm 2015.
Tôi xin lấy ví dụ, một cuốn sách giáo khoa không đáp ứng tiêu chí về khối lượng ngữ liệu, chẳng hạn khối lượng từ vựng, ngữ pháp, bài tập lớn quá, trong khi đó quy định giờ dạy lại nhỏ (4 tiết/tuần), mà không được điều chỉnh, thì người thầy khi đó sẽ phải hoàn thành giáo án bằng cách dạy "lướt ván" qua tất cả các bài tập, học theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, chất lượng không thể đảm bảo.
Bên cạnh đó, đa số sách giáo khoa của nước ngoài được soạn cho toàn thế giới với nền tảng dành cho học sinh châu Âu, không có những yếu tố Việt Nam ở trong đó để hỗ trợ học sinh Việt Nam vượt qua khó khăn trong quá trình học tiếng Anh. Điều bổ sung Điều 29.3, (HĐQG) hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông giúp nhiều đơn vị chọn lựa đúng hướng.
Quy định bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp để tiếp cận, đưa được những cái mới vào trong lớp học
Trong điều 44, mục 13, 1c về giáo dục thường xuyên có đề cập đến nội dung giáo dục thường xuyên được thể hiện … trong chương trìnhbồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho người thầy. Chúng ta đều biết chất lượng của giáo dục thường xuyên chưa đạt được chất lượng của giáo dục chính quy, trong đó có chất lượng của người thầy.
Chất lượng của người thầy gồm có hai bình diện: Một là chất lượng về chuyên môn tiếng Anh và thứ hai là chất lượng về nghề nghiệp (khả năng nắm vững phương pháp và các kỹ thuật giảng dạy trên lớp). Kỹ thuật giảng dạy của giáo viên chưa phong phú và hiện đại. Môn giáo học pháp trong một số trường đại học cũng chưa phong phú và cập nhật thường xuyên. Còn những khóa học nâng cao tay nghề để dắt tay chỉ việc, để cho người thầy đứng trên lớp tự tin thực hiện bài tập một cách hiện đại thì còn ít.
Chính bởi vậy, việc bổ sung vào Luật Giáo dục để có một chính sách nào đó để thường xuyên bồi dưỡng về năng lực nghề nghiệp cho người thầy đặc biệt cần thiết, nhất là về mặt giáo học pháp Tiếng Anh, khi vào thế kỷ 21 có sự thay đổi rất lớn về một số khái niệm, từ đó dẫn tới thay đổi rất nhiều về kỹ năng giảng dạy - kỹ thuật đứng lớp.
Nói chung những người thầy của chúng ta trong nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay chưa bắt kịp nhịp đập của thế giới mà vẫn giảng dạy theo phương pháp truyền thống. Quy định bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp để tiếp cận được với những cái mới, đưa được những cái mới vào trong lớp học là điều chúng tôi ao ước từ lâu.