Đó là câu chuyện đặc biệt của ông Nguyễn Ngọc Đáp (72 tuổi) và bà Trần Thị Hồng (69 tuổi), trú ở xã Hương Phong (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên- Huế).
30 năm giữ rừng
Được một người thân giới thiệu về đôi vợ chồng già, vượt một quãng đường gần 20 km từ thành phố Huế, men theo nhiều con đường ngập bùn lầy lội, đầy cát và hiểm trở, chúng tôi mới đến được nơi hai ông bà ở. Mọi thứ ở đây dường như bị cô lập khiến nó trở nên huyền bí đến lạ lùng.
Rú Chá là rừng ngập mặn nguyên sinh tồn tại đã gần 100 năm, đang được phục hồi và bảo vệ với diện tích gần 5 ha, thuộc xã Hương Phong, thị xã Hương Trà.
Con đường dẫn vào Rú Chá
Đến nơi, trước mắt chúng tôi liền hiện ra một ngôi nhà biệt lập giữa núi rừng Rú Chá. Cũng dể hiểu vì đó là ngôi nhà duy nhất nơi đây. Thấy có người đến, hai vợ chồng già không ngần ngại mời vào nhà với nụ cười hiền hậu và thân mật.
Nhìn đôi vợ chồng già với mái tóc đã bạc, cơ thể đã gầy gò ốm yếu, đi đứng lại chậm chạp, chúng tôi dường như cảm nhận rõ những vất vả và thiếu thốn nhiều thứ của cả hai người nơi rừng núi xa xôi và hẻo lánh này.
Đã 30 năm lăn lộn mưu sinh trên Rú Chá, hai ông bà dường như đã thuộc lòng từng loài chim, cá, cây cối… ở nơi đây. Mùa nào cây ra hoa, mùa nào đàn cò bay về đậu, cả hai đều biết cả. Không hàng xóm láng giềng, không điện, không nước sạch… nhưng hai vợ chồng vẫn sống khỏe, lạc quan và yêu đời.
Kể về hành trình vì sao đến nơi đây sinh sống, ông Đáp cho biết, mấy chục năm trước, ông bà cũng như những người khác gặp rất nhiều khó khăn giữa miền đất phá Tam Giang.
Dần dần người dân chuyển đến những nơi xa hơn như Cồn Tè, Rú Chá để làm ăn. Cồn Tè rộng lớn và thoáng đãng nên nhiều người tập trung về nơi này.
Còn Rú Chá ngày ấy nước ngập và còn hoang dại, âm u nên nhiều người còn sợ sệt và ngại ngần. Tuy nhiên vợ chồng ông Đáp không ngần ngại vào đó ở và đánh bắt cá.
Lúc đầu, vì còn hoang sơ nên mỗi ngày, tuy vất vả nhưng thu nhập của đôi vợ chồng lại kha khá. Tuy nhiên, về sau, nhiều người chú ý đến Rú Chá hơn và họ cũng vào đó để đánh bắt tôm cá, nên thu nhập của hai vợ chồng giảm nhiều. Cũng từ đó, Rú Chá bị khai thác, đốn củi… làm cho diện tích bị thu hẹp và trở nên hoang tàn hơn.
Khó khăn nhiều nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm không “vào bờ” mà vẫn sống ngoài ngôi nhà nhỏ tự dựng lên, quyết tâm ở lại giữ rừng.
Nghe chính quyền có chính sách về việc cần phải bảo vệ rừng rú để đảm bảo rừng phòng hộ, vợ chồng ông Đáp không hề băn khoăn, lên xã xin nhận ngay công việc mà nhiều người cho là ngớ ngẩn.
Cuộc sống an nhàn
Ngôi nhà tạm bợ trên đảo của vợ chồng ông Đáp
Dưới bàn tay đóng góp cần mẫn của vợ chồng già, rừng Rú Chá ngày càng phủ một màu xanh ngát. Vợ chồng ông Đáp xin xã ít đất để nuôi tôm nuôi tép, thấy vợ chồng ông Đáp có công lớn với rừng Rú Chá, nên xã đã đồng ý.
Cái ăn cái mặc được giải quyết, thời gian còn lại 2 vợ chồng lão chăm nom cho Rú Chá. Lâu lâu ông bà mới trở về làng, đó thường là những ngày Tết hoặc những ngày có kị giỗ. Trong ngôi nhà đơn sơ, tài sản trong tổ ấm của ông bà chẳng có gì giá trị ngoài một cái ti vi cũ, một cái đài nhỏ.
‘‘Ở trong quê buồn và chán lắm. Sống ngoài này không khí trong lành, thoải mái hơn. Ở đây thỉnh thoảng có nhiều người, nhất là các em học sinh và khách nước ngoài về nghiên cứu cũng như tham quan nên chẳng có gì để mà buồn cả...’’ - Ông Đáp tâm sự.
Vào mùa mưa, con đường dẫn vào nhà hai ông bà bị ngập và hư hỏng. Những ai muốn ghé thăm nhà ông bà thì phải đi ghe. Ngoài việc chăm nom cho Rú Chá, ông bà còn đào hồ nuôi tôm, cá và chăn thả thêm ít gà vịt kiếm thêm thu nhập.
Giữa trưa nắng, hai ông bà ngỏ ý mời chúng tôi ở lại để dùng cơm. Bữa cơm đạm bạc nơi núi rừng với cá, tôm và rau; cùng những lời trò chuyện, tiếng cười vui vẻ của hai ông bà mang đến cho chúng tôi những niềm vui mới lạ ở nơi hoang sơ này.
Cuộc sống dù vô cùng khó khăn nhưng hai ông bà vẫn luôn yêu thương nhau và ngày ngày dành nhiều tâm sức để giữ gìn Rú Chá như chính ngôi nhà của mình vậy.
Rời Rú Chá lúc xế chiều, chúng tôi hẹn ngày gặp lại hai ông bà. Phía xa xa nhìn lại, vẫn thấy bạt ngàn cây cối và ngôi nhà nhỏ không thể lẫn vào đâu của đôi vợ chồng già. Chúng tôi thầm chúc ông bà có nhiều sức khỏe để tiếp tục sống vui, sống khỏe và chăm nom, bảo vệ vùng đất yên bình này.