Giải pháp đối phó với khủng hoảng
Khoảng 100 tỉ USD của gói giải ngân mới này được dùng để hỗ trợ cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó các nước có thu nhập thấp sẽ nhận được khoảng 18 tỉ USD. Kế hoạch này sẽ được trình ngay lên Hội đồng Thống đốc để đưa ra quyết định cuối cùng. |
Nền kinh tế toàn cầu đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhưng sự ổn định vẫn chưa đồng đều và tốc độ hồi phục vẫn còn chậm. Các điều kiện tài chính đã có sự cải thiện hơn mong đợi, chủ yếu nhờ can thiệp công khai. Các số liệu gần đây cho thấy tốc độ suy giảm kinh tế đã chậm lại mặc dù mức độ thay đổi ở các khu vực là khác nhau.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2009 - 2010 hiện được dự đoán cao hơn 0,5% so với mức dự đoán trong bản báo cáo về Tổng quan kinh tế thế giới tháng 4/2009, và có thể sẽ đạt 2,5% vào năm 2010.
Mặc dù có những dấu hiệu khả quan nhưng cuộc suy thoái toàn cầu vẫn chưa chấm dứt, và tốc độ phục hồi vẫn được xem là còn chậm vì hệ thống tài chính vẫn suy yếu, sự hỗ trợ từ các chính sách công sẽ phải giảm dần, và các hộ gia đình tại các nước phải chịu nhiều ảnh hưởng của việc tăng giá tài sản cần phải tái xây dựng các khoản tiết kiệm.
IMF tăng vốn lên gấp 3 lần
Logo IMF |
Đối phó với cuộc khủng hoảng, IMF đã tăng cường hoạt động cho vay đối với các nước thành viên và tích cực bổ sung các nguồn vốn của mình. Cùng với việc phân bổ Quyền Rút Vốn Đặc Biệt (SDR), IMF đang trong quá trình huy động thêm nguồn vốn để cho vay theo yêu cầu của Nhóm G-20, đó là phải tăng nguồn vốn này lên gấp 3 lần, đạt mục tiêu 750 tỷ USDđể đáp ứng các hoạt động cho vay của Quỹ.
Tới nay, Quỹ đã ký kết các thoả thuận vay mới với Nhật Bản, Canada và Na Uy, giúp Quỹ huy động thêm hơn 100 tỷ USD. Bên cạnh đó, Quỹ đã hoàn thành khung pháp lý mới cho việc phát hành trái phiếu cho các thành viên của mình, nhờ đó Quỹ có thể gia tăng nguồn vốn như mục tiêu đề ra. Các thoả thuận nêu trên cùng với một số cam kết khác với các thành viên giúp IMF huy động được hơn 400 tỷ USD, các cam kết, thoả thuận này dự kiến được thực hiện theo khuôn khổ Các Hiệp định Vay Mới (New Arrangements to Borrow – NAB), giúp IMF có được vị thế mạnh hơn bao giờ hết trong việc trợ giúp các thành viên của mình đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại và trong tương lai, khi cần thiết.
Việc phân bổ SDR sẽ được thực hiện cho các thành viên của IMF và tỷ lệ rút vốn được tính trên quota hiện tại của các thành viên trong Quỹ (trong đó, quota được bố trí cân đối với vị thế kinh tế của quốc gia trong tổng thể nền kinh tế thế giới). Hoạt động này sẽ làm tăng quyền rút vốn của mỗi quốc gia lên khoảng 74% quota, tăng tổng khối lượng phân bổ Quyền Rút Vốn của tất cả các thành viên trong Quỹ lên tới 283 tỷ USD, so với 33 tỷ USD ( tương đương 21,4 tỷ SDR).
Ngoài ra, Quyền Rút Vốn phân bổ cho các thành viên sẽ được tính dựa trên tài sản dự trữ của họ, đóng vai trò là nguồn phòng vệ thanh khoản giá rẻ để hỗ trợ cho các nước thu nhập thấp và các thị trường mới nổi.
Một vài thành viên có thể bán một phần hoặc toàn bộ Quyền Rút Vốn được phân bổ của mình cho các thành viên khác để chuyển đổi sang đồng tiền mạnh, để sử dụng vào các mục đích khác, chẳng hạn như để đáp ứng nhu cầu cân bằng cán cân thanh toán; trong khi đó, các thành viên khác có thể lựa chọn mua thêm Quyền Rút Vốn (SDRs) như là công cụ nhằm phân bổ lại dự trữ của mình. Triển khai thực hiện Kế hoạch phân bổ SDR, Ban Điều hành IMF cũng phải nhấn mạnh rằng Kế hoạch phân bổ này không nên làm yếu đi mục đích của các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, và cũng không nên thay thế cho Chương trình hỗ trợ của IMF hoặc làm trì hoãn việc điều chỉnh các chính sách cần thiết.
Quang Anh (tổng hợp)