Mặc dù luật pháp Việt Nam cấm sử dụng người lao động dưới 15 tuổi, nhưng trong thực tế trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình ở cả nông thôn lẫn thành thị.
Trẻ em cần được bảo vệ khỏi lao động trẻ em hơn bao giờ hết, do những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Và năm 2021 là năm quốc tế xoá bỏ lao động trẻ em để hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Chiến dịch toàn cầu đối phó với nguy cơ lao động trẻ em tăng cao
Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2017, ước tính, toàn thế giới có khoảng 152 triệu lao động trẻ em(LĐTE) ở độ tuổi 5-17 làm việc trong các trang trại, cánh đồng, nhà máy, trên đường phố, thậm chí cả chiến trường, trong đó 73 triệu trẻ em phải làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các số liệu thống kê cho thấy LĐTE lại gia tăng cao. Theo ước tính của ILO, đại dịch Covid-19 đã làm cho từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã ước tính có hơn một triệu trẻ em từ 5- 17 tuổi tại Việt Nam có tham gia lao động, trong số đó hơn 50% đang làm những công việc nặng nhọc. Khi đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, những trẻ em này còn phải làm nhiều giờ hơn, trong điều kiện tồi tàn hơn.
Trong những năm vừa qua, công cuộc đấu tranh phòng chống LĐTE tại Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Theo khảo sát lao động trẻ em năm 2012 đến khảo sát năm 2018 thì tỷ lệ LĐTE đã giảm từ 9,6%/số trẻ em, xuống còn gần 5,4%/số trẻ em. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tương tự của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tỷ lệ chung trên toàn cầu. Thành công này có được một phần nhờ công cuộc giảm nghèo của Việt Nam.
Có được thành quả đó phải kể tới việc Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp, thực hiện nhiều chương trình, dự án dài hạn như: Chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em; dự án nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa lao động trẻ em (ENHANCE); tăng cường truyền thông về bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam cũng góp phần giảm số lao động trẻ em tại nước ta…
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức LĐTE tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ tham gia phòng ngừa LĐTE thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan như Bộ Luật lao động năm 2012; Luật trẻ em năm 2016.
Năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành thông tư quy định danh mục các công việc và nơi làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cấm sử dụng lao động là người chưa thanh niên, một công cụ quan trọng trong công tác phòng ngừa LĐTE.
Từ năm 2019 Việt Nam đang triển khai xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2019-2025 để thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7, theo đó, tập trung vào giải quyết vấn đề lao động trẻ em trên các lĩnh vực như phòng ngừa LĐTE trên lĩnh vực nông nghiệp, phòng ngừa LĐTE liên quan đến kinh tế và chuỗi cung ứng, phòng ngừa di cư buôn bán trẻ em vì mục đích bóc lột kinh tế, phòng ngừa LĐTE liên quan đến lĩnh vực giáo dục.
Trong năm qua, những tác động của đại dịch COVID-19 đến bảo vệ trẻ em và vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục lộ trình giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và 2030.
Hiện Cục Trẻ em cũng đang cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và một số tổ chức khác xây dựng một chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em là chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều ở trẻ em, bảo đảm thực hiện các Quyền của trẻ em.
Ngăn chặn và xoá bỏ lao động trẻ em
Tổ chức Lao động Quốc tế phối hợp với Liên minh đối tác toàn cầu 8.7, phát động Năm Quốc tế về Xóa bỏ Lao động Trẻ em, nhằm thúc đẩy công tác lập pháp và những hành động thực tiễn nhằm xóa bỏ lao động trẻ em trên toàn thế giới. Mục tiêu chính của Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em là nhằm kêu gọi các chính phủ triển khai những hành động cần thiết để thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 của Liên Hợp Quốc.
Mục tiêu 8.7 kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai các biện pháp lập tức và hiệu quả nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, chấm dứt nô lệ hiện đại và buôn bán người, nghiêm cấm và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất bao gồm cả việc tuyển mộ và sử dụng binh lính trẻ em và chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết: “Xã hội này không có chỗ cho lao động trẻ em tồn tại. Lao động trẻ em cướp đi tương lai của trẻ và đẩy gia đình vào cảnh đói nghèo. Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em là cơ hội để các chính phủ tăng cường hoạt động nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 thông qua những hành động cụ thể nhằm xóa bỏ lao động trẻ em.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, giờ đây, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đưa ra những cam kết của mình.”
Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em sẽ tạo tiền đề cho việc tổ chức Hội nghị Toàn cầu V về Lao động Trẻ em sẽ được tổ chức tại Nam Phi vào năm 2022. Trong hội nghị này, các bên liên quan sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những cam kết bổ sung hướng tới việc chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 và chấm dứt lao động cưỡng bức, buôn bán người và nô lệ hiện đại vào năm 2030.
Kể từ khi gia nhập ILO năm 1992, Việt Nam đã phê chuẩn 25 Công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai việc thực thi các công ước, trong đó bao gồm việc nội luật hóa các quy định của công ước trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019.
Nhằm thúc đẩy việc áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, đồng thời nâng cao quan hệ hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy việc nghiên cứu gia nhập và áp dụng phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) phối hợp Văn phòng ILO tại Việt Nam xây dựng Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Đến thời điểm này Việt nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó bao gồm 7/8 công ước cơ bản liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.
Với những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân trong ngăn chặn đại dịch, đồng thời triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động có nguy cơ bị mất việc, doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản, hộ nghèo và cận nghèo, Việt Nam sẽ là một trong số những quốc gia ít bị đại dịch Covid-19 tác động nhất đến những nỗ lực giảm thiểu LĐTE.
Trong năm 2020, dưới sự hỗ trợ của ILO Việt Nam đã tìm hiểu và đánh giá nhanh về tác động của Covid- 19 đối với lao động trẻ em. Từ đó cung cấp thông tin để xây dựng Kế hoạch hoạch Hành động Quốc gia về Phòng ngừa và Giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025.
Liên Hợp Quốc đã xem năm 2021 là năm Quốc tế Xóa bỏ Lao động Trẻ em, đồng thời cho rằng cần phải có hành động khẩn cấp để đạt được mục tiêu chấm dứt nạn sử dụng lao động trẻ em vào năm 2025. Vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm một chiều và đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể, có sự góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng trong nước và quốc tế.
Hãy cùng nỗ lực hành động, đặc biệt trong năm 2021 là năm quốc tế về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, để đại dịch COVID-19 không thể cản trở các quốc gia hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đặc biệt trong đó có mục tiêu về Quyền trẻ em.