Voi tinh xảo trên lá vàng
Trong 23 bảo vật quốc gia được công nhận (đợt 10, năm 2021), bộ sưu tập 18 lá vàng chạm khắc hình voi thu hút sự quan tâm rất lớn từ giới khảo cổ. 18 lá vàng được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Gò Thành, xã Tân Thuận Bình (Chợ Gạo), thuộc nền văn hóa Óc Eo, có niên đại khoảng thế kỷ 6 - 8. Những lá vàng được phát hiện ở đáy hố thờ sâu khoảng 2m trong những năm 1988 – 1990, đang lưu giữ tại Bảo tàng Tiền Giang.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang, cho biết: Trong năm 1988 - 1990 bảo tàng đã phối hợp với trung tâm khảo cổ xuống khai quật và phát hiện rất nhiều hiện vật gồm sành, gốm, đá… tại di chỉ khảo cổ Gò Thành. Đặc biệt, trong đó phát hiện được hơn 100 hiện vật bằng vàng.
Trong số hơn 100 hiện vật này, tỉnh Tiền Giang đã lựa chọn 18 hiện vật được chạm khắc hình voi vô cùng độc đáo để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
Cũng theo ông Thắng, mỗi lá vàng có kích thước cạnh từ 3 - 7cm, mỏng như một tờ giấy. Hoa văn hoạ tiết trên 18 lá vàng dát mỏng cho thấy độ tinh xảo trong kỹ thuật cắt tạo hình, chạm khắc của người nghệ nhân hàng nghìn năm trước.
Trước đó, tại Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các lá vàng tương tự. Tuy nhiên số lượng hiện vật không nhiều (nhiều nhất là 8 lá), và không được nguyên vẹn như ở Tiền Giang.
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, trên những lá vàng Gò Thành đều có hình voi biểu tượng cho sự may mắn, thịnh vượng, được bố trí ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và nhìn tập trung về một điểm trung tâm. Những con voi này tương ứng như các vị thần canh giữ phương ánh sáng theo văn hóa Ấn Độ.
Trong 18 lá vàng thì 14 lá được chạm khắc theo phong cách giản lược, mang tính biểu tượng. 4 lá vàng còn lại được tả thực tỉ mỉ đến từng chi tiết, tuân thủ chặt chẽ theo tỉ lệ giải phẫu học của loài voi.
Vòi voi vươn dài về một bên, đầu vòi tả thực phần mũi nhô ra mềm mại, mỏng và sinh động. Hai ngà cong, cân đối gập đều ôm lấy vòi. Mắt tròn to, có cung mắt nổi cao tạo hiệu ứng gờ ổ mắt và nếp nhăn quanh vành mắt. Đầu voi to, nổi cao hai gồ đặc thù ở hai bên khối sọ, trên trán có một cung tròn tạo hiệu ứng khối nổi.
Hai tai voi xòe to, vành tai rộng xếp nếp nhiều lần. Dáng voi mập mạp, bụng phình to, bốn chân thẳng đứng với đầu gối và ngón chân tả thực rõ nét. Phần lớn các lá vàng đều còn nguyên vẹn, một số lá bị rách hoặc hơi nhàu ở phần rìa.
18 lá vàng được công nhận bảo vật quốc gia. |
Sản phẩm văn hoá từ Ấn Độ
Tượng thần Vishnu (bảo vật quốc gia năm 2017) cũng được tìm thấy tại Gò Thành. |
Ngoài bộ sưu tập vàng lá, tại Gò Thành các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện một tượng thần Vishnu (được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017). Tượng tạo hình mỹ thuật với tư thế đứng, làm bằng chất liệu đá: Cao 59cm, ngang 25cm và nặng hơn 10kg. Tượng có 4 tay, hai tay phía trên bên trái cầm vỏ ốc, tay phải cầm bánh xe. Hai tay bên dưới cầm cây chùy dài. Vishnu là tác phẩm nổi tiếng, được nhiều nước trên thế giới mượn của Việt Nam để giới thiệu về văn hóa Óc Eo.
Các nhà khảo cổ phỏng đoán, Gò Thành từng là trung tâm kinh tế sầm uất. Những hiện vật mang đậm văn hóa ngoại nhập là sản phẩm của quá trình trao đổi, giao lưu giữa cư dân văn hóa Óc Eo bản địa và văn hóa Ấn Độ.
Theo nghiên cứu của Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến nay Óc Eo - Phù Nam đã được biết đến như một nền văn hóa bản địa phát triển ở phía Nam Việt Nam - trong những thế kỉ đầu Công nguyên.
Hàng vạn di vật phong phú thuộc mọi chất liệu trong các lĩnh vực đời sống đã được phát hiện. Điều đó chứng tỏ tài năng sáng tạo và sức sống mãnh liệt của cư dân Óc Eo xưa.
Theo các thư tịch cổ, nghệ thuật kim hoàn trong xã hội Óc Eo thuở ấy rất phát đạt. Người Phù Nam thích chạm trổ, đúc nhẫn, vòng vàng, chén đĩa bạc…
Ở Long An, nơi các di tích khảo cổ trên vùng Đồng Tháp Mười như Giồng Dung, Gò Đế, Gò Hàng, Gò Ô Chùa… các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật thể hiện có hoạt động sản xuất đồ kim hoàn tại chỗ như: Trang sức bằng kim loại chì, thiếc, nhiều hạt chuỗi bằng thủy tinh, đá quý nhiều màu sắc, một số đồng tiền bằng kim loại chì, thiếc và vô số những những hạt vàng nhỏ như trứng cá.
Bên cạnh đó là những viên đá thử vàng, những phế vật (hạt chuỗi, khuyên tai, vòng tay) không hoàn chỉnh, thủy tinh nguyên liệu, xỉ và bọt thủy tinh…
Ở Gò Xoài (Đức Hòa - Long An), các nhà khảo cổ phát hiện một số cánh sen vàng. Trong đó có hai lá vàng hình tròn được chạm thành hình bông sen mười hai cánh. Đầu cánh nhọn, nhụy nằm chính giữa, bề mặt được chạm nổi những hạt sen tròn.
Voi bảo vệ lãnh địa
Nhà trưng bày các hiện vật khai quật tại Gò Thành. |
Trong các đền thờ Ấn Độ giáo, bông sen đã mọc lên từ rốn của thần Vishnu tượng trưng cho Manị - Trái đất. Bông sen cũng tượng trưng cho nước và tạo vật. Nó còn thể hiện cho sự tự sinh.
Đó là lý do mà thần Brahma tọa trên một đài sen. Khi đức Phật đản sinh, ngài bước đi bảy bước và ngay lập tức, những bông sen nở rộ dưới chân ngài. Mỗi vị Phật là một “Svayambhũ” - tự hiện hữu.
Về ý nghĩa của các bông sen vàng và những cổ vật trong lòng di tích, G. Coedès - một học giả người Pháp cho rằng: “Việc chôn báu vật dưới nền ngôi đền hay dưới bàn thờ là một tục cổ xưa của Ấn Độ, vẫn được áp dụng ở một số nước khi lập Simas (trụ giới) đền, chùa”.
Những lá vàng mang hình voi xuất hiện trên 8 lá vàng hình chữ nhật (dài 2.9x3.3cm, rộng 2.6x3.0cm). Những hình voi này được chạm khắc ở nhiều tư thế đứng khác nhau. Trong đó, bốn hình trong tư thế nhìn ngang, đầu hướng về phía trước, ngà cong nhọn, vòi buông thẳng xuống dưới; có một hình còn có thêm nhiều chấm nổi nhỏ trên trán.
Ba hình voi khác trong tư thế nhìn ngang, đầu hướng về phía trước, ngà cong, vòi buông thõng rồi cong nhẹ lên. Trong đó, hai con voi có trang trí những chấm nhỏ nổi ở trán. Hình voi thứ tám thể hiện đầu quay ngang, ngà nhọn, vòi uốn cong lên đến miệng, trên trán có chấm nổi.
Nhìn chung, những hình voi đều được khắc họa khá hiện thực, dáng cân đối, trong tư thế vận động. Việc tìm thấy 8 lá vàng hình voi bố trí theo 8 hướng xung quanh những di vật vàng khác bên trong ô cát ở trung tâm kiến trúc Gò Xoài khiến giới khảo cổ liên tưởng đến biểu tượng của 8 vị thần “bảo vệ, canh giữ thế giới” trong Ấn Độ giáo.
Đồng thời, giới nghiên cứu cũng liên hệ 8 con voi giúp 8 vị thần bảo vệ lãnh địa của mình. Đó là voi Airavata của Indra bảo vệ hướng Đông, voi Sarvabhaura của Kubera - hướng Bắc, voi Vâmana của Yama - hướng Nam, voi Anjana của Varuna - hướng Tây, voi Pudarika của Agni - hướng Đông Nam, voi Kumuda của Surya - hướng Tây Nam, voi Pushpadanta của Vayu - hướng Tây Bắc, voi Supratica của Soma (hay Isanhi) - hướng Đông Bắc.
Bộ sưu tập lá vàng ở Long An không nguyên vẹn như ở Tiền Giang. |
Những bông sen vàng giống như ở Gò Xoài (1987) đã từng được phát hiện trước đó ở Đại Hữu (Quảng Bình, năm 1926), Pông Tyuc (hạ lưu sông Mê Nam, Thái Lan, năm 1927).
Bên cạnh những dụng cụ và nguyên liệu chế tác thể hiện yếu tố nội sinh trong kỹ thuật chế tác kim hoàn, những hiện vật vàng phát hiện dưới lòng đất Long An và Tiền Giang đều được chạm khắc bằng một nghệ thuật điêu luyện với những đường nét trang trí nhuần nhuyễn và tinh xảo, mang yếu tố ngoại sinh.
Như nhận xét của các nhà chuyên môn, những biểu hiện nghệ thuật ấy được hiểu rằng chúng mang yếu tố Ấn Độ, Trung Á, có thể cả với thế giới Địa Trung Hải, cùng những đặc thù bản địa mà dòng chảy văn hoá mang lại.