Ngôi cổ tự có hai bảo vật quốc gia

GD&TĐ - Chùa Trà Phương ở xã Thụy Hương (Kiến Thụy - Hải Phòng) được xây dựng từ thời Lý, nhưng lại có mối liên hệ đặc biệt với nhà Mạc.

Chùa Trà Phương nằm trên đất thôn Trà Phương – quê hương Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
Chùa Trà Phương nằm trên đất thôn Trà Phương – quê hương Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.

Thế kỷ 16, chùa được nhà Mạc trùng tu lấy tên là Thiên Phúc tự. Với mối liên hệ đó, hiện nay chùa còn gìn giữ được nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật thời Lý và thời Mạc. Đặc biệt trong số các di vật, có tượng Mạc Đăng Dung và phù điêu Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được công nhận là bảo vật quốc gia.

Mạc Đăng Dung đi tu?

Tượng vua Mạc Đăng Dung. Ảnh: Hiếu Trần.

Tượng vua Mạc Đăng Dung. Ảnh: Hiếu Trần.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, bức tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung ở chùa Trà Phương có chất liệu bằng đá vôi cao 63cm, ngang 37cm. Tượng có khuôn mặt bầu, mắt to tròn, mũi phổng, miệng mím, tai to, cằm nhọn. Tượng đội mũ trụ đứng, đỉnh bằng, mặc áo bào.

Trên áo có chạm hình rồng trong thế cuộn tròn, mặt rồng nhìn chính diện. Hình rồng được chạm mang đặc trưng rồng thời Mạc với các dấu ấn như: Mặt dạng râu, sừng đơn cong cong, mắt tròn lồi, miệng râu, tai thú. Bức tượng thể hiện nhà vua khi đã là một phật tử, có phần luống tuổi, vạt áo thể hiện hoa mãn khai, tay bắt quyết và để hở bàn chân phải.

PGS.TS Trần Lâm Biền cho hay: Về bố cục, tượng không được cân xứng mà rõ ràng sự mộc mạc lại được nổi bật. Mặt tượng có nét chân dung, không thể hiện quý tướng. Tuy nhiên, tượng vẫn mang những biểu tượng dành cho một vị hoàng đế như đai ngọc và giữa ngực áo vẫn có bổ tử chạm rồng.

Hình tượng rồng khá thống nhất về ý thức tạo hình so với tượng, nghĩa là thể hiện sự mộc mạc. Bên cạnh đó, viền vai áo là hoa văn xoắn dấu hỏi, cổ áo có vân lá bao lấy nửa bông cúc mãn khai. Những chi tiết này đơn giản song được chạm khá lớn nếu so với tượng.

Bên cạnh các đặc điểm khác lạ về tạo hình nhà vua, các nhà nghiên cứu cũng chú ý đến trang phục của bức tượng, với chi tiết tượng đội mũ trụ đứng, đỉnh bằng. Phần ngạch mũ có trang trí các vạch ngắn và hạt tròn chạy quanh mép mũ. Chính giữa ngạch mũ trang trí biểu tượng con chim với hai cánh xòe, đuôi cong, đầu chúc xuống dưới.

Hồ sơ di sản cũng cho biết thông tin, tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung được chọn công nhận bảo vật nhờ hình thức độc đáo. Tượng tạo tác từ đá nguyên khối, chạm trổ, trang trí hoa văn với các đường nét to khỏe, dứt khoát trên mũ, vạt áo, đai áo... Bên cạnh đó, họa tiết rồng lột tả được phong cách đặc trưng của rồng thời Mạc. 

Bất ngờ phù điêu Hoàng Thái hậu

Phù điêu Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Ảnh: Hiếu Trần.

Phù điêu Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Ảnh: Hiếu Trần.

Bảo vật quốc gia thứ 2 trong cổ tự Trà Phương là bức phù điêu Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Cho đến nay, ở thôn Trà Phương vẫn lưu truyền câu ca “Cổ Trai đế vương - Trà Phương công chúa” để nói về vua và hoàng hậu nhà Mạc.

Theo truyền tụng, tại làng Trà Phương có thiếu nữ Vũ Thị Ngọc Toàn nổi danh khắp vùng vì vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Sau này, bà trở thành chính phi của Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Khi ở ngôi mẫu nghi thiên hạ, bà là một nhân vật đặc biệt trong suốt 65 năm trị vì của nhà Mạc ở Thăng Long.

Nguồn sử liệu điền dã và bia thời Mạc ca tụng Hoàng Thái hậu “là bậc thánh mẫu của thánh triều, chính vị Đông trào, hóa thành nam quốc, sánh đức thánh thiện Đồ Sơn (nhà Hạ)”. Dân vùng Kiến Thụy, An Lão nay còn truyền dải đất ven đầm từ trang Tiên Cầm đến Kỳ Sơn - tục gọi là giải yếm bà Chúa, là ruộng thái hậu ban cho dân sở tại.

Riêng về việc bà đứng hưng công xây mới, sửa chữa chùa chiền, cầu quán, chợ búa còn khá nhiều. Số tiền, ruộng bà cúng cho các nhà chùa không lớn, nơi ít nhất là 10 quan tiền, nơi nhiều nhất là 5 mẫu ruộng trị giá 120 lạng bạc.

Bức phù điêu Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Bia hưng công tu tạo chùa khắc năm 1562 đời vua Mạc Mậu Hợp cho biết, bà Vũ Thị Ngọc Toàn đã cùng 25 thân vương, công chúa, quận công nhà Mạc đóng góp công của xây dựng lại chùa Trà Phương. Để ghi nhớ công lao của bà, dân làng đã thuê thợ về tạc phù điêu thờ ở chùa và tồn tại cho đến tận ngày nay.

Phù điêu có chất liệu đá, cao 75cm, rộng 55cm, dày 17cm, có niên đại năm 1552. Tác phẩm thể hiện bà với thế ngồi thiền trong một ô khám hình lá đề. Ô khám này nằm trong một tấm đá có hình bia ký, diềm xung quanh trang trí hoa dây, dưới là bệ hoa sen.

Phía trên sát với đầu ô khám có hình Mặt trời, phía trong là một hình hoa có 16 cánh giống hoa cúc trên cúc áo tượng vua Mạc Đăng Dung. Phía ngoài ô khám là các tia lửa xen kẽ đối xứng nhau.

Các nhà nghiên cứu phát hiện khi đối chiếu Mặt trời ở lăng vua Khải Định (triều Nguyễn) với Mặt trời ở bức phù điêu (thời Mạc) thấy rất giống nhau trong lối thể hiện Mặt trời - hoa cúc. Với phát hiện này, giới nghiên cứu khẳng định tư tưởng trong nghệ thuật cung đình thời phong kiến đã được định hình từ trước triều Mạc và xuyên suốt đến triều Nguyễn.

Trang phục của bà được diễn tả thật đơn giản, bên ngoài khoác một chiếc áo dài, rộng, phía trong là yếm, cổ đeo một chiếc vòng có mặt tòn ten trông như những cánh hoa.

Ngày nay, chùa Trà Phương thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngắm 2 bảo vật quốc gia. Từ đó có thể thấy được giá trị nghệ thuật điêu khắc từ xa xưa, cũng như giá trị lịch sử thời nhà Mạc đối với nghệ thuật – văn hóa tín ngưỡng dân gian.

Trà Phương cổ tự được xây trên một gò đất, xung quanh cây cối rậm rạp, cách xa xóm làng nên còn được gọi là chùa Bà Đanh. Thế kỷ 16, chùa được nhà Mạc trùng tu quy mô lớn. Năm 2017, chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là bảo vật quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ