Bút Tháp cổ tự và chuyện kể về 4 bảo vật quốc gia: Kỳ 4: Sách đồng “ẩn thân” gần 400 năm trong tháp cổ

GD&TĐ - Dù chưa được công nhận là bảo vật quốc gia, nhưng cuốn sách đồng nặng 30kg xứng đáng là báu vật chùa Bút Tháp.

Chùa Bút Tháp không chỉ là cổ tích danh lam mà còn ẩn chứa nhiều bí mật lịch sử.
Chùa Bút Tháp không chỉ là cổ tích danh lam mà còn ẩn chứa nhiều bí mật lịch sử.

Sửa tháp “lộ” báu vật

Nhà nghiên cứu Phạm Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, nằm trong quần thể cổ tích danh lam chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ (Thuận Thành – Bắc Ninh), tháp Tôn Đức được xây dựng sau khi sư Minh Hành viên tịch vào tháng 3/1659. Một năm sau, vào ngày Rằm tháng 11, được sắc chỉ của vua Lê ban ra và Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, đạo hiệu là Pháp Tính đã hưng công tạo dựng ngọn tháp để an táng xá lị cho vị trụ trì.

Tháp Tôn Đức gồm 5 tầng, các tầng trên có hình chữ Phật. Tầng dưới cùng là hệ thống các bài văn trong giai đoạn về sau khi trùng tu thiền tự, được các đệ tử khắc thêm.

Tầng thứ ba là bài văn ghi lại xuất thân và hành trạng của của sư Minh Hành. Theo đó, vị thiền sư này họ Hà, người phủ Kiến Xương (Giang Tây - Trung Quốc). Ông theo thầy mình là Chuyết Công, vị Tổ khai sáng dòng Lâm tế Đại Việt.

Năm 1644, Chuyết Công viên tịch, Minh Hành kế đăng trụ trì. Đệ tử của Minh Hành có Chân Trụ sau là trụ trì chùa Hoa Yên (Quảng Ninh) cũng lập một tháp đá thờ vọng thầy.

“Tháp Tôn Đức ngay chân chùa Hoa Yên đến nay vẫn còn, trên tháp có khắc bài văn nội dung giống với bài văn khắc trên tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp”, ông Tuấn cho biết.

Tháp đá Tôn Đức - nơi phát hiện 2 cuốn sách đồng.

Tháp đá Tôn Đức - nơi phát hiện 2 cuốn sách đồng.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ đánh giá: “Tháp Tôn Đức tuy không cao, đẹp, tỉ mỉ như tháp Báo Nghiêm, nhưng ý nghĩa lịch sử và giá trị mỹ thuật cũng đáng để nghiên cứu nhằm soi tỏ những bí mật thuở xưa”.

Qua thời gian, phần đỉnh tháp bị cây dại xâm lấn, ăn mòn mạch vữa khiến chóp tháp bị nghiêng có nguy cơ đổ sập. Nhà chùa phải phát tâm công đức, trùng tu lại, và sự xuất hiện của 2 cuốn sách đồng tại ngôi linh tích đã hé mở thêm nhiều bí mật về kinh pháp lẫn thời cuộc.

Ông Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Trong khi tiến hành trùng tu tòa tháp đá cổ nằm phía sau nhà tăng, sư trụ trì và họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã bất ngờ phát hiện hai cuốn sách bằng đồng khắc chữ Hán rất đẹp. Lập tức, ngành chức năng đã lập biên bản và mời các chuyên gia về di tích, cổ vật đến để tham vấn”.

Sách được phát hiện nằm ở lưng chừng tháp, độ sâu khoảng 1m tính từ trên xuống. Lúc tìm thấy, sách được bọc trong vài lần giấy dó, sau gần 400 năm, những lớp giấy dó đã kết lại thành một hợp chất cứng và dày chừng 2 - 3cm bao quanh phía ngoài.

Bên cạnh hai cuốn sách đồng, còn tìm thấy hai hiện vật có hình dáng giống như chiếc trâm cài đầu của phụ nữ. Theo đoán định của các nhà chuyên môn, đây là vật người xưa dùng để mở sách, chứ không dùng tay sờ vào sách.

Các chuyên gia đã đưa ra những biện pháp bảo vệ, đồng thời tiến hành nghiên cứu xác định giá trị lịch sử của những cuốn sách độc đáo này. Theo ông Nga, mỗi cuốn sách có kích thước 14,4cm x 24,5cm khắc chìm chữ Hán rất đẹp và rõ nét ở cả hai mặt. Hai cuốn sách đồng gồm tổng 56 trang và nặng hơn 30kg.

Tùy táng sư Minh Hành

Sách đồng “Cầu Không từ ký” ở Hà Nam.

Sách đồng “Cầu Không từ ký” ở Hà Nam.

Đây là hai quyển sách đồng đóng quyển, mỗi quyển đóng lại bằng 3 khuyên tròn. Các chuyên gia nhận định, hai quyển sách ghi nhiều thần chú ngữ trong nhiều bản kinh, nhằm cầu vãng siêu trong tương quan Thiền – Tịnh – Mật của Phật giáo Lâm tế Đại Việt thế kỷ 17.

Có điều lạ, trong khi cuốn sách đồng 23 trang ghi rõ ràng tên sách “Đại phương quảng hoa nghiêm kinh Hải hội Phật”. Đồng thời cũng ghi rõ niên đại năm Vĩnh Thọ thứ 3/1660 và người dâng cúng là “Đệ tử chính cung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, đạo hiệu Pháp Tính”, thì cuốn sách thứ 2 với 33 trang lại như một thách đố đối với giới nghiên cứu. Cả cuốn sách không có lấy một dòng nào về tên, niên đại cũng như người cung tiến.

Hầu hết các nhà nghiên cứu khi tiếp cận bản sách trong tháp Tôn Đức đều bất ngờ bởi những nét chữ dù được khắc cách đây gần 400 năm nhưng còn tươi mới. Lý giải về điều này, TS Lê Viết Nga cho biết khi xem xét toàn bộ bản sách, không tìm thấy dấu hiệu của việc sách đã qua sử dụng. Đây chính là đồ tùy táng - là vật đem theo người chết khi trở về cõi vĩnh hằng. Vì thế khi vừa khắc xong, sách được đưa ngay vào lòng tháp.

Ông Nga cho biết thêm, trước sức ép phải hoàn thành việc phục chế 2 cuốn kinh cổ trong thời gian 60 ngày, các chuyên gia đã tìm khắp làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) và phố Hàng Đồng (Hà Nội) để mua nguyên liệu. May mắn là tìm được duy nhất một cửa hàng ở Hà Nội có bán lá đồng dày 1mm đáp ứng được yêu cầu.

Tìm mua được nguyên liệu đã khó, việc phục chế còn khó hơn nhiều lần. Như việc làm cũ những lá đồng tương ứng như những trang sách cổ, cho đến tìm người khắc chữ. Để có được “màu thời gian” như cuốn sách cổ, các chuyên gia đã phải dùng nước chè cộng thêm một số thủ pháp dân gian của các nghệ nhân làng đúc đồng để tạo màu, tuyệt nhiên không sử dụng đến muối và hóa chất để tránh bị ăn mòn.

“Sau khi phục dựng lại bản sao của cuốn kinh cổ hoàn tất, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã trả lại bản gốc cho nhà chùa. Đồng thời, cũng giao cho Ban quản lý di tích tỉnh kết hợp với địa phương và nhà chùa bàn bạc tìm biện pháp an toàn nhất để lưu giữ 2 cuốn sách quý này”, ông Nga cho hay. 

Cận cảnh những nét khắc rõ ràng trong sách đồng chùa Bút Tháp.

Cận cảnh những nét khắc rõ ràng trong sách đồng chùa Bút Tháp.

Sách đồng cổ nhất Việt Nam

Nhà nghiên cứu Phạm Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chia sẻ: Tuy hai cuốn sách đồng cổ đã được trả về an tọa trong tháp, nhưng các vấn đề liên quan đến văn bản nội dung vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi.

Cuốn thứ nhất có 23 trang có bìa ghi tên “Đại phương Quảng Phật hoa nghiêm kinh Hải hội Phật”. Thực ra đây được cho như tên của sách nhưng bản chất câu này là một lời chú niệm trong hành trì khi tụng kinh “Đại phương Quảng Phật hoa nghiêm kinh”.

“Cũng giống như nhiều văn bia, kinh sách Phật giáo trong cùng giai đoạn Lê Trung Hưng, văn bản sách đồng mở đầu dùng bốn câu: “Hoàng đồ củng cố/ Đế tạo hà xương/ Phật nhật tăng huy/ Pháp luân thường chuyển” để ca ngợi đất nước, đạo của vua rồi mới đến Phật pháp”, ông Tuấn cho biết.

Phần tiếp theo của sách là ghi chép cho người được an táng trong tháp là thiền sư Minh Hành, cùng các chú ngữ dùng trong hành trì Mật giáo. Cuốn sách này được các nhà nghiên cứu xác định có niên đại khắc đời Vĩnh Bảo (1660).

Trong vườn bảo tháp chùa Bút Tháp còn ẩn chứa nhiều bí mật chưa được khám phá.

Trong vườn bảo tháp chùa Bút Tháp còn ẩn chứa nhiều bí mật chưa được khám phá.

Quyển thứ hai có 33 trang đủ các phẩm chương. Từ đầu đến cuối sách theo đúng cách đọc cổ từ phải sang trái. Mở đầu sách là các bài tán tụng dâng hương và bài nguyện mở kinh. Tiếp theo là dòng chữ ghi rõ: “Kim cương bát nhã ba la mật kinh” được dịch bởi Diêu Tần tam tạng pháp sư.

Cuốn này từ đầu sách đã ghi rõ người khắc là Chân Khả. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu dù rất dụng công nhưng cho đến nay chưa có đủ tư liệu về hành trạng của người này.

“Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, sách đồng đã tạo thành một dòng chảy văn hóa khá phổ biến trong dân gian. Nhưng sách đồng cổ trên đất nước ta có lẽ không còn nhiều, thậm chí là rất hiếm. Việc phát hiện 2 cuốn sách đồng tại chùa Bút Tháp đã góp thêm báu vật không chỉ cho kho tàng di vật đồ sộ của Phật giáo, mà còn rất ý nghĩa đối với tư liệu văn hóa lịch sử quốc gia”, TS Lê Viết Nga cho hay.

Ở nước ta, việc tìm thấy sách đồng không phải là hiếm. Các nhà khảo cổ từng tìm được một số cuốn sách đồng như “Cầu Không từ ký” ở Cầu Không (Hà Nam); sách đồng ở Đông Lao (Hoài Đức - Hà Nội); 4 cuốn sách đồng thư triều Nguyễn ở Quảng Nam và cuốn sách đồng làng Mai Phúc xã Ngọc Thụy (Gia Lâm - Hà Nội). Tuy nhiên, so với các bản sách đã từng phát hiện trước đây, 2 cuốn sách ở chùa Bút Tháp có niên đại sớm hơn cả.

Theo TS Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh: Nội dung của 2 bản sách đồng cổ này không có gì đặc biệt, chỉ là bản kinh vẫn thường được tụng trong chùa. Tuy nhiên, nếu xét theo những tiêu chí về lịch sử, niên đại và tính độc bản thì hai cuốn sách này hội đủ yếu tố để trở thành bảo vật quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.