16.000 thầy cô giáo Hưng Yên họp trực tuyến về phòng chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Chiều nay 6/4, Sở GD&ĐT Hưng Yên tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt các nội dung chỉ đạo về phòng chống bạo lực học đường.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Ông Nguyễn Văn Phê- Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), lãnh đạo Sở GD&ĐT Hưng Yên cùng hơn 16 nghìn thầy cô giáo từ gần 600 điểm cầu trực tuyến trong toàn tỉnh.

Hội nghị được tổ chức theo sự chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Phóng trong buổi làm việc cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ hôm 31/3 về việc nữ sinh lớp 9A, trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi) bị 5 bạn cùng lớp lột đồ, đánh hội đồng ngay tại phòng học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên chủ trì hội nghị
Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên chủ trì hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Phê- Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Sở GD&ĐT tổ chức cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của toàn thể ngành GD, toàn bộ giáo viên trong tỉnh để quán triệt các nội dung về bạo lực học đường.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Chia sẻ rất buồn trước sự việc xảy ra tại Trường THCS Phù Ủng, ông Nguyễn Văn Phê nói: "Cách đây đúng bốn tháng, chúng tôi đã tổ chức hội nghị trực tuyến về bạo lực học đường với sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục.

Và hôm nay, một lần nữa hội nghị được tổ chức. Tại hội nghị hôm nay, Sở sẽ chuyển đến thầy cô thông điệp về phòng chống bạo lực học đường, phương hướng để tạo môi trường học tập lành mạnh, an toàn trên toàn tỉnh".

Ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) đánh giá hội nghị có ý nghĩa quan trọng, nhằm đưa ra những giải pháp trong nhà trường, hệ thống giáo dục và cả bên ngoài, từ đó khắc phục những tồn tại trong môi trường giáo dục.

Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội nghị
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội nghị

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng quán triệt trong các nhà trường tăng cường triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn, Đội, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng văn hóa học đường, trường học an toàn.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ GD&ĐT về ban hành Chương trình hành động Phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021, Công văn số 5812/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 21/12/2019 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường... Không để các vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra trong thời gian tới.

Vào chiều ngày 22/3, 5 học sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng đã lột đồ, đánh bạn ngay tại lớp học và quay video lại. Gia đình đã nộp đơn đến công an xã và huyện đề nghị làm rõ sự việc sau khi nhận thấy nhà trường có dấu hiệu che giấu. Sáng 30/3, UBND huyện Ân Thi đình chỉ công tác điều hành chung của Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong để tập trung xử lý sự việc. Sáng 31/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên xuống trường làm việc. Ông Nguyễn Văn Phóng- Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, đã yêu cầu huyện Ân Thi "xem xét làm quy trình cách chức đối với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách Đội; xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Giáo viên chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn vì không nắm được tâm tư của học sinh".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.