1.600 lao động Trung Quốc "lao tử" mỗi ngày

Trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới nhưng vấn nạn làm việc quá sức đang đặt ra thách thức cho chính quyền Bắc Kinh.

1.600 lao động Trung Quốc "lao tử" mỗi ngày
1.600 lao động Trung Quốc "lao tử" mỗi ngày ảnh 1
Giới trẻ Trung Quốc tại hội chợ tìm việc. Dân số đông cũng khiến tìm việc làm và giữ việc làm là một thách thức - Ảnh: AFP

Theo tờ Thanh Niên Nhật Báo, tại Trung Quốc tình trạng làm việc quá sức đang trở nên hết sức nhức nhối: mỗi năm có khoảng 600.000 người chết vì các triệu chứng liên quan đến làm việc quá sức.

Trên mạng xã hội Weibo đang tràn ngập những lời than phiền về cuộc sống căng thẳng, về những cái chết trong khi làm việc. Họ lo lắng bởi nạn nhân có khi chỉ là các nhân viên trẻ mới 24, 25 tuổi.

 “Làm thêm giờ để làm gì khi cuối cùng lại chết vì làm việc?” - một người bình luận trên Weibo nói khi kể chuyện ông sếp luôn yêu cầu nhân viên làm thêm giờ.

"Khác với hệ thống công ty của Mỹ, ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản - các nước theo tư tưởng Khổng giáo - luôn tin vào sự cống hiến hết mình"

JEFF Kingston (Đại học Temple)

Các nhân viên văn phòng thường có lương cao gấp đôi so với lao động chân tay, nhưng để đổi lại họ thường phải làm thêm giờ sau tám tiếng làm việc thông thường. Tân Hoa xã thuật câu chuyện cô nhân viên kiểm toán Angela Pan, 25 tuổi, ở Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) tại Thượng Hải, thường xuyên kể trên blog về chuyện phải làm việc các ngày cuối tuần dù cô rất muốn nghỉ vì đang bệnh. 

Một nhân viên khác của PwC ở Bắc Kinh khẳng định các nhân viên thường được giao việc mà họ “sẽ không thể hoàn thành nếu không làm thêm giờ”. Angela Pan qua đời năm 2011 vì bị viêm não. Hơn 30.000 bình luận về trường hợp của cô trên Weibo đều khẳng định cô chết vì làm quá sức.

Báo chí Trung Quốc còn kể chuyện một nam nhân viên 24 tuổi của Công ty Ogilvy làm việc trong phòng công nghệ tại Bắc Kinh. Anh này chết hồi tháng 5 vừa qua trong hoàn cảnh đáng sợ: anh khóc rống rồi đột ngột ngã quỵ ra ngay ngày đầu tiên trở lại nơi làm việc sau khi vừa nghỉ bệnh dài ngày.

Một trường hợp khác đang gây xao động trên báo chí Trung Quốc là ông Li Jianhua, viên chức của Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc. 

Ông này chết ở tuổi 48 khi làm việc đến tận sáng để hoàn tất một báo cáo. Các nhân viên cùng phòng với ông Li thường làm đến nửa đêm hoặc thậm chí làm muộn hơn trong thời gian dài.

“Trung Quốc vẫn là nền kinh tế đang lên và mọi người vẫn tin vào tinh thần làm việc hết sức” - Bloomberg trích lời Jeff Kingston, giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á tại ĐH Temple ở Tokyo. “Họ chưa đạt đến tâm lý của người giàu để chất vấn những thông lệ (làm việc quá sức) hay giá trị như Nhật Bản”.

Ở Trung Quốc, những cái chết vì làm quá sức được gọi là “quá lao tử”. Tình trạng này chỉ bắt đầu sau khi nhà nước mở cửa, các công ty cắt giảm các chế độ để cạnh tranh trong môi trường mới.

“Chúng tôi thấy làm quá giờ quá nhiều đã trở thành vấn đề ở Trung Quốc - Tim De Meyer, giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Trung Quốc, nhận định - Nó trở thành các bệnh về thể trạng và thần kinh đáng quan ngại”.

Ông Yang Heqing, thuộc ĐH Kinh tế và thương mại ở Bắc Kinh, cho rằng chuyện cân bằng công việc - cuộc sống thường ít được quan tâm ở Trung Quốc khi xã hội mặc định theo quan niệm đặt cộng đồng trước cá nhân. 

Tại một số khu vực ở Bắc Kinh, khi điều tra ông Yang phát hiện hơn 60% công nhân phàn nàn về chuyện phải làm thêm vượt quá mức 2 giờ/ngày như pháp luật quy định. Tuy nhiên ông Yang nghi ngờ về con số 600.000 người chết vì quá sức, ông cho rằng có thể còn các nguyên nhân khác nữa.

Theo ông Yang, ở Trung Quốc vẫn có niềm tin là “vì sự phát triển của đất nước, của nền kinh tế thì nên quên đi bản thân mình”. Nhưng ông cũng cảnh báo: “Xin đừng quên làm việc quá sức cũng làm tổn hại tới đất nước và gia đình”.

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.