152 thí sinh thi tài tại Lễ hội Áo dài trẻ em thành phố Vĩnh Yên

GD&TĐ - 152 thí sinh đến từ 12 trường Tiểu học đã có buổi tranh tài tại Lễ hội Áo dài trẻ em thành phố Vĩnh Yên lần thứ I diễn ra vào ngày 10/5.

152 thí sinh tham dự Lễ hội Áo dài trẻ em thành phố Vĩnh Yên.
152 thí sinh tham dự Lễ hội Áo dài trẻ em thành phố Vĩnh Yên.

Dự và chỉ đạo lễ hội có đại diện lãnh đạo Thành ủy Vĩnh Yên, lãnh đạo một số Phòng, Ban của UBND thành phố; bà Nguyễn Thị Kim Chung – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vĩnh Yên cùng đông đảo phụ huynh học sinh và đại diện 44 trường từ MN đến THCS trên địa bàn thành phố.

Lễ hội Áo dài trẻ em thành phố Vĩnh Yên lần thứ I, năm 2023 với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam” được Phòng GD&ĐT Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lần đầu tiên nhằm khơi dậy niềm yêu thích, tự hào với tà áo dài dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đưa phong trào Lễ hội Áo dài trẻ em lần thứ I năm 2023 trở thành một hoạt động thường xuyên trong nhà trường, nhằm phát triển toàn diện cho học sinh và là hoạt động thi đua giữa các khối lớp trong năm. Qua đó, tuyển chọn học sinh tham dự “Lễ hội Áo dài trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ I, năm 2023”.

Thí sinh tham gia tranh tài tại lễ hội là học sinh các trường Tiểu học trên địa bàn thành phố có khả năng trình diễn catwalk, có năng khiếu nghệ thuật, thời trang và yêu thích Áo dài.

Màn trình diễn của thí sinh Trần Tuệ Mẫn lớp 3 Trường TH Liên Minh

Màn trình diễn của thí sinh Trần Tuệ Mẫn lớp 3 Trường TH Liên Minh

Về thể lệ thi, học sinh tự lựa chọn những bộ trang phục áo dài để trình diễn tập thể, cặp đôi theo sự bố trí của Ban tổ chức. Theo đó, các thí sinh được chia làm 2 Bảng để tranh tài. Trong đó, Bảng A gồm học sinh thuộc Khối lớp 1, 2, 3. Bảng B là học sinh thuộc Khối lớp 4,5. Thí sinh của 2 trường trong cùng 1 Bảng sẽ đồng thời trình diễn trên sân khấu với nền nhạc có sẵn. Ban tổ chức chấm điểm theo thang điểm 100 (40 điểm trang phục và 60 điểm trình diễn).

Các thí sinh tự tin trên sân khấu

Các thí sinh tự tin trên sân khấu

Tại phần tranh tài, 152 thí sinh đã phô diễn những tà áo dài độc đáo với sự đa dạng về mẫu mã và màu sắc. Bên cạnh đó, các thí sinh cũng có màn catwalk đầy tự tin trên sân khấu khiến hội trường hết sức náo nhiệt.

Sự kiện không chỉ thu hút học sinh ở các nhà trường mà còn nhận được sự đánh giá tích cực từ phía phụ huynh học sinh. Chị Thu Hà là phụ huynh học sinh tham dự sự kiện chia sẻ: Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, giúp các con hiểu rõ hơn về trang phục truyền thống của dân tộc, đồng thời tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, hoạt động còn mang đến cho các con những trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc sống.

“Chúng tôi hy vọng rằng hoạt động này sẽ được tổ chức thường xuyên và lan tỏa rộng rãi hơn, giúp nhiều em thiếu nhi ở các địa phương khác có cơ hội được trải nghiệm và yêu thích trang phục áo dài truyền thống của dân tộc”, chị Hà chia sẻ thêm.

Ban tổ chức và lãnh đạo các nhà trường chụp ảnh cùng thí sinh dự thi

Ban tổ chức và lãnh đạo các nhà trường chụp ảnh cùng thí sinh dự thi

Kết thúc lễ hội, Ban tổ chức công bố danh sách 40 thí sinh bảng A và 40 thí sinh bảng B lọt vào vòng Tỏa sáng tham dự Lễ hội Áo dài trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ I, năm 2023. Đồng thời, tổng hợp kết quả để trao các giải Nhất, Nhì trong số 40 thí sinh ở 2 bảng này. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn quyết định trao 24 giải Ba và 13 giải Khuyến Khích tại Bảng A; 24 giải Ba và 11 giải Khuyến Khích tại Bảng B.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.