13 bí mật về nữ sinh giành học bổng 7 tỷ đồng vào Harvard

Dưới đây là những điều đặc biệt thú vị về Nguyễn Đình Tôn Nữ (18 tuổi, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam), người vừa giành suất học bổng trị giá 7 tỷ đồng vào Harvard.

13 bí mật về nữ sinh giành học bổng 7 tỷ đồng vào Harvard

1. Không được ủng hộ về cách học cho đến khi được nhận vào Harvard

"Cách để sang Mỹ học của em khác với cách mọi người vẫn thường hay làm là: Đến một trung tâm du học sớm, định hướng sớm trong cả 3 năm THPT là tôi sẽ sang Mỹ, tôi sẽ học bài thi này, bài thi kia; sẽ làm hoạt động ngoại khóa này, ngoại khóa kia trong khoảng ngần này thời gian. Em thì không làm như thế, em chỉ làm theo cái mình thích.

Rõ ràng từ năm em học lớp 10 có nhiều người nghĩ rằng chuyện em được nhận sang Mỹ học sẽ không xảy ra. Nhưng không, mọi chuyện cũng đã ổn thỏa và em đã vào Harvard.

Thực ra mọi chuyện em làm đều không tốt đẹp từ đầu đến cuối, không một cái gì em làm theo người khác cả và đương nhiên thất bại xảy ra rất là nhiều, song, em học được từ thất bại đó".

"Mẹ em lúc nào cũng gọi em là "đi học đi" còn em thì nói là "nhưng mà con đang học" và lúc đó chắc chắn là em đang đọc một cái gì đó không liên quan đến việc học ở trường.

Dần dần thì bố mẹ em cũng hiểu ra việc đó, thực ra là hơi khó để em được chấp nhận điều em đang làm cho đến khi em được nhận vào Harvard".

2. Học giỏi tiếng Anh nhưng không thích tiếng Anh

"Tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ và em nghĩ mình trở nên quen với nó thôi chứ việc mình giành thời gian để học như là mục đích cuối cùng thì em nghĩ rất dở hơi.

Em chỉ thích học và đọc còn tiếng Anh là công cụ giúp em đạt được điều mình muốn. Những thứ em học và đọc được bằng tiếng Anh quan trọng hơn là việc em thích học về ngữ pháp hay từ vựng...".

3. Thường xuyên đi học muộn, làm cô giáo phải đau đầu

"Em không nghĩ là em giỏi, em chỉ giỏi tiếng Anh thôi. Ở trường các cô cũng hơi mệt vì em hay lầy bài tập và bạn bè cũng hay mệt vì em cứ bắt chúng nó phải giảng bài".

4. Từng suýt không đủ điểm môn Hóa

"Em chỉ học vào những lúc em thích chính vì thế hồi năm lớp 10, 11 em học rất dốt và lớp 12 em cũng có nhiều môn rất là lạch bạch. Nhưng có một vấn đề mà mọi người không nhìn ra rằng tất cả mọi điều mình làm đều là một phần của quá trình lớn lên.

Ok, bây giờ nếu như bạn không thích học xong bạn bị điểm kém, rồi bạn trượt cái này, cái kia. Tuy nhiên, đó không phải là một sự kiện xảy ra trong cuộc đời bạn và nó ở nguyên đấy. Những thất bại đó lẽ ra phải cho bạn động lực để mà tiến lên để làm những thứ khác.

Học kỳ 1 của lớp 11 em từng suýt không đủ điểm tổng kết Hóa. Sang học kỳ 1 của lớp 12 em đã dành 1 tháng học một môn mà em rất dốt để thi SAT (kỳ thi đầu vào ở Mỹ) và cuối cùng em được 800/800 điểm.

Đó là chuyện phải xảy ra khi mình gặp thất bại. Thế nên em nghĩ mọi người cứ làm việc mình thích đi bởi vì khi mình làm điều mình thích sẽ có động lực hơn rất là nhiều so với việc ép mình phải làm điều mình không thích để rồi nhận kết quả nửa vời".

5. Bị nhận xét là kiêu căng

"Ngoài cá tính và đặc biệt, mọi người còn nhận xét em là một người kiêu căng. Em nghĩ đó là cách mọi người cảm thấy về việc em luôn nói những thứ khác họ hay luôn luôn nói những thứ mà mình nghĩ thay vì là chờ người khác nói hộ mình". 

6. Đã tìm được "một nửa" cho mình

"Em định cho bạn ấy con mèo của em trước khi em sang Harvard và sau này bọn em sẽ thường xuyên gọi facetime cho nhau. Lúc rảnh rỗi, bọn em thường hay ngồi nghe nhạc với một người bạn nữa và tán thưởng cuộc đời".

7. Không quan trọng về ngoại hình

"Em không tâm đến ngoại hình của em lắm. Em cảm thấy chỉ cần mình đi ra đường và không ai phải quá chú ý là được. Với em, ngoại hình này phù hợp với học thức này rồi".

8. Chơi 3 loại đàn nhưng đàn nào chơi cũng tệ

"Em có 3 loại đàn là guitar, piano, melodica nhưng nhưng em chơi rất dở. Tất cả các bạn bè của em đều biết là như vậy. Có một hôm em ngồi đánh đàn guitar rồi vừa đọc thơ vừa hát suốt 1 tiếng liền. Rồi từ đó đến nay các bạn em không cho em động đến cây đàn guitar 1 lần nào nữa".

9. Nếu không vào Harvard sẽ học lâm nghiệp

"Trong lúc nộp đơn vào 16 trường đại học em thích ở Mỹ, em cũng đã nghĩ đến trường hợp không nơi nào nhận mình. Giải pháp em đưa ra sẽ là "gap year" (nghỉ khoảng 1 năm để đi đâu đó hoặc làm việc gì đó) rồi sẽ tiếp tục chinh phục các ngôi trường này. Nếu lần này vẫn không thành công, em sẽ "gap year" thêm 1 năm nữa.

Sau 2 năm mà vẫn không được ngôi trường nào nhận thì rõ ràng là em đã thất bại. Lúc này em sẽ bắt đầu chọn một ngôi trường trong nước để học và em sẽ chọn trường lâm nghiệp vì em rất thích rừng".

10. Bố mẹ không phải là số 1

"Cả bố mẹ và anh trai đều ảnh hưởng lên em rất là nhiều nhưng không ai là số 1. Ở mỗi thời điểm khác nhau trong cuộc đời em, mỗi người lại có sự ảnh hưởng khác nhau.

Hiện tại sự ảnh hưởng của gia đình lên em đã giảm đi rất nhiều nhưng những cái em học từ gia đình; cá tính của em; cách em thất bại hay thành công; tất cả điểm yếu và điểm mạnh của em hầu hết là được học từ gia đình. Nó đã được hình thành từ rất lâu rồi, từ khi em sinh ra và mãi đến bây giờ vẫn đang hình thành.

Tuy nhiên, để nói ai là người có ảnh hưởng với em nhất thì em không có câu trả lời tại vì cả bố mẹ và anh trai em mỗi người đều có một sự ảnh hưởng khác nhau".

11. Không có sức sống khi không được ra ngoài gặp gỡ mọi người

"Khi em ra ngoài và găp mọi người, em được sống trong năng lượng mà mọi người tỏa ra thì em cảm thấy mình cũng tràn đầy năng lượng. Khi em ở nhà, chẳng hạn như em nằm xem quá nhiều phim, thì em cảm thấy mình không muốn làm một cái gì cả, không làm được cái gì cả.

Vấn đề ở đây là em phải được ra ngoài gặp gỡ và nói chuyện với mọi người còn nếu không em rất là lười, em không có 1 tí năng lượng nào".

12. Sớm rèn luyện tính tự lập từ bé

"Từ trước đến giờ bố mẹ luôn luôn tôn trọng những quyết định của em, luôn luôn cho phép em được tự lập, làm những điều mà mình muốn.

Chẳng hạn như em thấy lạnh em muốn mua áo thì em bảo với mẹ là "mẹ ơi con muốn đi mua áo mới", mẹ em sẽ xem xét việc đó và cho em tự lựa chọn.

Đó là từ hồi em học lớp 5, lớp 6 xong rồi từ đó đến nay mỗi lần em muốn một cái gì, em sẽ nói với bố mẹ và bố mẹ sẽ cho phép em làm cái đó sau khi em đã đưa ra quan điểm của mình.

Em thấy sự tự do, tôn trọng là điều rất quan trọng trong mối quan hệ gia đình để con cái có thể thoát khỏi sự âu yếm của cha mẹ và đứng trên đôi chân của chính mình.

Năm lớp 10 mẹ em cho em tiền duy nhất một lần là 2 triệu đồng để em làm dự án Cộng hưởng. Sau lần đó em không xin thêm tiền bố mẹ lần nào nữa để làm các chương trình hay dự án, tất cả đều là do em tự đi ra ngoài làm kiếm chi phí".

13. Chắc chắn quay về cống hiến cho Việt Nam nước khi học xong

"Nước Mỹ có quá nhiều người, họ không cần thêm người sang để xây dựng đất nước họ nữa nhưng Việt Nam thì có. Em được nuôi dạy ở Việt Nam, em nhận được quá nhiều thứ từ đất nước này nên em không thể sang một đất nước khác để cống hiến cho họ.

Tất cả mọi thứ em có được từ trước đến nay là do bố mẹ em, gia đình em, cộng đồng em và đặc biệt là do ngôi trường em đang theo học bây giờ đem lại nên chắc chắn em sẽ quay lại để mà đóng góp cho những người mà đã cho em quá nhiều thứ như vậy".

Theo Baodatviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ