Phong trào Đông Du được xem là sự nghiệp chói sáng nhất của cụ Phan Bội Châu, đã thể hiện một tư duy canh tân cứu nước ngang tầm với của thời đại, tạo nên sức sống và niềm tin của nhân dân cả nước sau thất bại của phong trào Cần Vương. Sau khi bị thực dân Pháp đưa về quản thúc ở Huế, cụ vẫn tích cực hoạt động yêu nước, hăng hái vận động nhân dân đấu tranh và đã để lại cho hậu thế một di sản quý giá về bản lĩnh, trí tuệ, trước tác.
Chủ đề của Hội thảo tuy không mới và tương đối rộng, nhưng điểm mới của Hội thảo lần này chính là hướng nghiên cứu tập trung vào khoảng thời gian 15 năm cụ Phan Bội Châu sinh sống và làm việc tại Huế (từ năm 1925 – 1940), đánh giá về chuyển biến tư tưởng yêu nước của cụ và bổ sung thêm nhiều tư liệu mới, góp phần làm sáng tỏ sự nghiệp đấu tranh yêu nước của cụ Phan.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu sử học |
Trong số 12 tác giả có tham luận tại hội thảo, có 5 tác giả nghiên cứu về chủ đề tư tưởng Phan Bội Châu, 4 tác giả viết về thời kỳ cụ ở Huế.
Ngoài ra còn có các tham luận nghiên cứu về ảnh hưởng của cụ Phan đối với phong trào yêu nước ở Hà Tĩnh và quan hệ Việt – Nhật nhìn từ Phan Bội Châu và phong trào Đông Du.
Tiếp cận tư tưởng yêu nước và sự nghiệp của cụ Phan thông qua hội thảo đã mang đến những nhận thức mới về một nhà yêu nước canh tân toàn diện, trong sáng và trọn vẹn cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng tại ngôi nhà bên dốc Bến Ngự cách đây 75 năm làm mỗi chúng ta ai cũng tự hào, cảm phục và bùi ngùi thương tiếc.