12 năm dìu dắt con đi tìm chữ

GD&TĐ - Bị khuyết tật vận động từ lúc lọt lòng, khiến việc đi lại của Liên gặp muôn vàn khó nhọc...

Lê Thị Liên và mẹ.
Lê Thị Liên và mẹ.

Song bằng nghị lực, ý chí cùng tình yêu của gia đình, nữ sinh xứ Thanh đã nỗ lực cố gắng, vượt qua mặc cảm để giành tấm giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Không chấp nhận bỏ cuộc

Lê Thị Liên (18 tuổi) ở thôn Trung Tây, xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) tập tễnh men theo bức tường từ trong phòng ra ghế ngồi. Dù khoảng cách chỉ vỏn vẹn dăm bước chân, song cũng đủ khiến khuôn mặt của Liên thấm đẫm mồ hôi. Gạt vội giọt mồ hôi chảy trên gương mặt, Liên bảo: “Bây giờ, việc đi lại với em bớt khó nhọc hơn nhiều rồi chứ trước đây gian truân lắm, hễ đi được vài bước liền ngã quỵ, nhiều lần đầu gối đập mạnh xuống sàn nhà tứa máu”.

Từ lúc lọt lòng, Liên không may mắn bị khuyết tật vận động. Đôi bàn chân của cô bé Liên co quắp không chịu nghe theo sự điều khiển của trí não khiến việc đi lại gặp muôn vàn khó khăn. “Lúc sinh bé Liên, tôi bị vỡ ối sớm khi thai mới 7 tháng, người thân tức tốc đưa ra trạm y tế xã. Thời khắc sinh con ra bao nhiêu là phấp phỏng chờ mong. Vậy mà giây phút đầu tiên trông thấy con, tôi như rụng rời vì da dẻ con bé trắng bợt, tay chân thì co quắp hết lại”, chị Trịnh Thị Thảo (mẹ của Liên) nghẹn ngào nhớ lại.

Được các y, bác sĩ dốc lòng cứu chữa, sự sống đã ở lại. Hai mẹ con tức tốc được chuyển từ trạm y tế xã nhà lên Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Khi sinh mạng hai mẹ con tạm thời bình an, chị Thảo mới điện báo vào đơn vị cho chồng, lúc đó anh đang là bộ đội làm nhiệm vụ ngoài quần đảo Trường Sa.

Vì sinh non nên Liên được hỗ trợ chăm sóc trong lồng kính. Sau một tháng, bác sĩ mới cho xuất viện về nhà. Người mẹ dốc lòng chăm chút cho con gái nhưng đến gần 2 tuổi, thấy Liên vẫn chẳng háo hức tập đi, chậm hơn nhiều đứa trẻ khác, chị Liên vội vàng đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra. Nghe bác sĩ chẩn đoán con bị bại não thể co cứng, chị choáng váng, rụng rời tay chân.

Dù nghịch cảnh éo le, chị Thảo vẫn không nguôi hy vọng có phép màu xảy ra. Quyết tâm cải thiện sức khỏe cho con, người mẹ sưu tầm hàng trăm đĩa nhạc cổ điển cho con nghe mỗi ngày. Với lợi thế là giáo viên tiểu học, nắm bắt được phương pháp sư phạm, mọi thời gian rảnh chị đều dành cho cô con gái.

“Tranh thủ 3 tháng hè, tôi kiên trì dạy con cầm bút trước khi vào lớp 1. Do tay phải của cháu co cứng không thể mở nên buộc lòng tôi phải dạy con cầm bút bằng tay trái... Nghĩ và nói thì dễ, nhưng để làm được thật quá khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc”, người mẹ trải lòng.

Thương con, chị Thảo xin Ban giám hiệu cho mình dạy lớp 1 để tiện bề chăm sóc. Sau một năm kèm cặp, chị Thảo mừng đến rơi lệ khi bé Liên có thể đọc thông, viết thạo 29 chữ cái và các con số bằng tay trái. “Tôi không ngờ, con có thể thích nghi nhanh đến vậy!”, chị Thảo xúc động.

Mặc dù đã cầm được cây bút, nhưng Liên vẫn không thể tự mình bước đi do bàn chân co quắp. Thương con, vợ chồng chị Thảo đều đặn dìu dắt con đến lớp suốt 12 năm như vậy. Thời gian nghỉ hè, anh chị tranh thủ đưa con lên TP Thanh Hóa tập luyện vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

“Đến nay, con bé đã trải qua 5 lần phẫu thuật tay, chân. Thế nhưng, việc đi lại vẫn rất khó khăn và cực kỳ khó nhọc. Nếu không có người dìu hoặc điểm tựa, con chỉ đi được dăm bước xiêu vẹo”, người mẹ buồn bã cho biết.

Bị khuyết tật vận động khiến Lê Thị Liên đi lại rất khó khăn. Suốt 12 năm qua em được bố mẹ dìu đi tìm chữ.

Bị khuyết tật vận động khiến Lê Thị Liên đi lại rất khó khăn. Suốt 12 năm qua em được bố mẹ dìu đi tìm chữ.

Niềm hạnh phúc vỡ òa

Tuổi thơ của Liên đã trải qua những tháng ngày cực khổ như vậy. Suốt thời tiểu học, ngày ngày cô bé ước ao được chạy nhảy, vui đùa như đám bạn trong xóm. “Nhìn đám bạn chơi đùa, em từng thèm khát đến phát khóc”, nữ sinh bùi ngùi bộc bạch.

Không cam chịu số phận, Liên cũng tập bước đi, nhưng đôi chân thì chẳng chịu nghe lời. Tự ti với đôi chân tật nguyền, nhưng chính gia đình và bạn bè đã giúp nữ sinh từng bước vượt qua. “Hôm nào, hễ chưa thấy người nhà đến đón, các bạn liền dắt em về nhà. Đến giờ, em có hẳn một nhóm bạn chơi thân với nhau”, Liên khoe.

Tốt nghiệp THCS, Liên theo cha ra Hà Nội xin học tại Trung tâm GDNN - GDTX quận Long Biên. Còn mẹ Thảo vẫn ở quê chăm sóc bà nội và cậu em út đang học THCS. Sau một năm học tập xa nhà, Liên được gia đình xin về Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Vượt qua những mặc cảm, tự ti về cơ thể, trong nhiều năm liên tục, Liên đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nữ sinh xứ Thanh còn đoạt giải Khuyến khích môn Toán tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12. Được đặc cách thi tốt nghiệp nhưng Liên vẫn đăng ký dự thi các môn xét tuyển đại học và giành được 23,15 điểm (cả điểm ưu tiên).

Mức điểm này giúp Liên trúng tuyển vào Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ngày nhận thông báo, nữ sinh bất ngờ đến vỡ òa vui sướng. Bởi Liên không nghĩ trường đại học có thể chấp nhận một tân sinh viên khuyết tật như mình. Nữ sinh xứ Thanh đã nhập học được 2 tuần. Thời gian này, Liên đang ở cùng bác ruột để thuận tiện cho việc đi lại ở trường đại học. Nữ sinh cũng được bố mẹ sắm cho chiếc xe điện 3 bánh để dễ dàng hơn trong việc di chuyển.

Theo cô Trần Thị Nga - giáo viên chủ nhiệm những năm THPT, Liên là học sinh đặc biệt của lớp 12C2. Bị khuyết tật vận động từ lúc lọt lòng khiến cuộc sống của em gặp nhiều thiệt thòi song em luôn lấy điều đó làm động lực để cố gắng. Với thầy cô và các bạn, Liên là tấm gương của sự vượt khó vươn lên.

“Liên là học sinh chăm ngoan, giàu nghị lực. Ngay cả khi không thể chơi đùa, em lại lấy sách vở làm niềm vui. Biết hoàn cảnh của em, nhà trường luôn tạo điều kiện cho em học tập tại tầng 1 để thuận tiện di chuyển. Các bạn trong lớp cũng sẵn sàng hỗ trợ Liên khi cần”, cô Nga chia sẻ.

“Em chọn ngành này vì yêu thích màu áo blouse trắng, muốn tìm hiểu về bệnh tình của mình và chăm sóc những người thân yêu. Đặc biệt, em muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn như mình”, Liên tâm niệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.