Gian nan hành trình tìm chữ cho hai con được giáo dục hòa nhập

GD&TĐ - Hoàng Quân, Hoàng Bách khi sinh ra có cân nặng tốt và khỏe mạnh, song đều là những đứa trẻ nhận thức chậm, khả năng ngôn ngữ kém. Bố mẹ các em không hề giấu giếm bệnh của con. Họ sẵn sàng đối mặt với sự thật, tìm mọi cách giúp các con hòa nhập, để con được đi học cùng bạn bè. Ngày khai giảng lại đến, đem lại cho gia đình nhỏ ấy những niềm hy vọng mới. 

Gian nan hành trình tìm chữ cho hai con được giáo dục hòa nhập

Chậm ngôn ngữ và nhận thức

Sáng nay, chị Trần Thị Lệ Thu gọi Bách và Quân dậy sớm, ăn sáng tại nhà, hướng dẫn con tự mặc đồng phục. Đúng 7giờ 20 phút ba mẹ con đã có mặt ở Trường Tiểu học Dịch Vọng B, Cầu Giấy, Hà Nội để dự khai giảng. Hoàng Bách đến cổng trường, chạy ùa vào sân, xếp hàng cùng các bạn. Chị Thu dắt Quân vào lớp và trao cho cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Hiền.

Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương, nữ sinh Trần Thị Lệ Thu (sinh năm 1980), quê Bắc Giang, trụ lại Hà Nội. Thu làm việc cho một Công ty vận tải hàng không quốc tế. Thu kết hôn muộn. Chồng là người Hưng Yên, hơn 3 tuổi,  kinh doanh cửa hàng điện thoại. . 

Khi Thu có bầu, gia đình hai bên đều rất vui. Trước khi sinh con vài tháng, hai vợ chồng Thu đã dành dụm tiền, mua căn hộ chung cư 60m2, gần đường Trần Đăng Ninh. Hạnh phúc hơn khi con trai đầu lòng của cặp vợ chồng trẻ ấy chào đời năm 2009, có cân nặng hơn 4 kg. Họ đặt tên con là Hoàng Bách.

Nuôi Bách rất dễ. Con khỏe mạnh nhưng hơn một tuổi chưa biết nói. Gia đình lo lắng, cho con đi khám, bác sĩ cũng không kết luận gì. Mãi đến năm hai tuổi Hoàng Bách mới biết nói, nhưng nói rất nhiều và nhanh, nói như khướu. Khi con 3 tuổi rưỡi, các cô giáo cho rằng “con có vấn đề gì đó, hơi khó hòa nhập với các bạn”. Bản thân em thấy con không có gì đặc biệt cả, hơi tự ái và khó chịu. Tuy nhiên, khi đưa con đi khám, bác sĩ kết luận Bách chậm ngôn ngữ, chậm tư duy và nhận thức, chị Thu đã tâm sự như vậy.

Ngày 28/12/2012 chị Trần Thị Lệ Thu sinh Hoàng Quân, cân nặng 3,9 kg. Từ kinh nghiệm nuôi Hoàng Bách, gia đình chị Thu để ý hơn, lo lắng hơn đến Quân. Quân dược 18 tuổi, đi học lớp nhà trẻ tư.

Nhưng đến 20 tháng, Quân chưa biết nói. Cho con đi khám ở Trung tâm Can thiệp sớm, Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương, cô giáo kiểm tra khả năng tương tác của con, đưa ra kết luận giống như Hoàng Bách: Chậm nhận thức và ngôn ngữ, tương tác kém, và đưa ra lời khuyên, khuyên cho con can thiệp sớm để  có cơ hội hòa nhập tốt hơn. Tin sét đánh ngang tai một lần nữa, khiến Thu òa khóc tức tưởi bởi nuôi một mình Hoàng Bách đã vất vả rồi, giờ lại thêm Quân.

Gian nan hành trình hòa nhập

Quân thích thú với là cờ Tổ quốc trên tay

Quân thích thú với là cờ Tổ quốc trên tay

Sau khi sinh Hoàng Bách, Hoàng Quân, chị Thu sinh lần thứ 3. Cô con gái út hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Thu kể: “Em đọc tài liệu thấy Bách và Quân bệnh là do hai vợ chồng kết hợp với nhau tạo ra lỗi gene. Nhà em rơi vào trường hợp con trai, gia đình khác lại ảnh hưởng tới con gái. Em chấp nhận số phận vì thấy con mình vẫn khỏe mạnh bình thường, may mắn hơn nhiều trẻ khác. Chỉ có điều nuôi dạy con sẽ vất vả hơn thôi”.

Để có ngày cả hai con đều đi học, với đôi vợ chồng chị Thu, là cả một hành trình gian nan, vất vả, cả công sức và tiền của, đối mặt với thực tế. Trong câu chuyện kể của người mẹ trẻ về hành trình tìm chữ cho con, thỉnh thoảng chị Thu mắt lại ngân ngấn lệ.

Năm Bách 4 tuổi, vợ chồng chị Thu chuyển con sang học ở trường công. Nhưng ở đây các cô giáo cũng nhận xét con hơi khó gần bạn. Cho con đi khám ở trung tâm, bác sĩ nhận xét, Bách hơi đặc biệt một chút. Nói con tự kỷ thì không phải nhưng dạng tăng động, giảm chú ý. Thấy vậy, vợ chồng chị Thu quyết định đưa con đi can thiệp sớm.

Cuộc hành trình nuôi và giúp Hoàng Bách được can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập dẫu vất vả, nhưng may mắn là con đi học đúng tuổi. Giờ đây Bách hoàn toàn đi học cùng các bạn lớp 4 bình thường. tuy có chậm hơn.

Còn với Quân, từ lúc mới 20 tháng tuổi đã được đi giáo dục can thiệp sớm nhưng sau  một năm học chưa mang lại hiệu quả. Con nói không đúng thứ tự từ sắp xếp trong câu. Chị Thu lại tìm kiếmqua mạng và người thân, được giới thiệu một cô giáo kèm riêng cho Quân nhưng cũng không hiệu quả. Cho đến khi gặp cô giáo Phạm Thu Quỳnh, Quân tiến bộ hơn, nhưng cô rất nghiêm khắc trong giáo dục, thậm chí có lúc khiến chị Thu “xót con”, gắn bó với Quân suốt mấy năm qua. Cô vừa rèn, vừa dạy con học, rèn thêm kỹ năng sống.  

Để cho Quân có khả năng hòa nhập tốt vào lớp 1 năm học này, vợ chồng chị Thu đã tìm mọi giải pháp can thiệp sớm. Ở nhà, 3-4 buổi/tuần Quân có giáo viên chuyên biệt kèm cặp; Một tuần có 5 buổi đến Trung tâm can thiệp sớm, mỗi buổi chỉ kéo dài một giờ. Ngoài ra, Quân được học Toán tư duy A+ 2 buổi/1 tuần, hai tháng tham gia học tiền lớp 1. Đến giờ con biết đọc, làm Toán cộng trừ trong phạm vi 10.

Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu tiền cũng dốc hết cho con học hành. Tính ra, tiền học của Quân mỗi tháng hơn 10 triệu, của Bách cũng gần 10 triệu đồng. Nhưng với vợ chồng chị Thu như vậy vẫn chưa đủ. Họ vẫn muốn, vào năm học mới, thuê cô giáo chuyên biệt đến trường học cùng Quân, giúp con có thời gian làm quen dần với cô giáo và các bạn, để bớt đi sự nhút nhát.

Hành trình theo con chữ của con còn rất dài. Nhưng với nghị lực và lòng quyết tâm, vợ chồng chị Thu sẽ vượt qua thử thách, giúp các con hòa nhập tốt hơn trong ngày mai không xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.