12 đội tranh tài Chung kết Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài

GD&TĐ - 12 đội thi bước vào vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023.

Tiết mục dự thi của sinh viên Campuchia đến từ Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: Mạnh Tùng
Tiết mục dự thi của sinh viên Campuchia đến từ Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: Mạnh Tùng

Sáng 1/12, vòng chung kết Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023 diễn ra tại Đại học Quốc gia TPHCM.

Dự cuộc thi vòng chung kết có ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Với chủ đề "Việt Nam trong tôi", các lưu học sinh nước ngoài dự thi chia sẻ bằng tiếng Việt những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam; tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với đất nước các lưu học sinh.

Dạy và học tiếng Việt được đặc biệt chú trọng

Phát biểu khai mạc cuộc thi chung kết, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi dẫn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Lời Bác dạy năm xưa đến nay vẫn có giá trị, ý nghĩa sâu sắc.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc vòng chung kết cuộc thi. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc vòng chung kết cuộc thi. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo Thứ trưởng, trong xu thế hội nhập và phát triển, tiếng Việt là cầu nối quan trọng gắn kết quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế. Vì vậy, việc dạy và học tiếng Việt luôn được Bộ GD&ĐT đặc biệt chú trọng, cải thiện, nâng cao chất lượng trong những năm qua.

Cuộc thi được Bộ GD&ĐT tổ chức nhằm tạo điều kiện cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam được giao lưu, thi đua học tập, tạo động lực cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt, đồng thời góp phần quảng bá giáo dục, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Theo Thứ trưởng, hiện có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại trên 160 cơ sở đào tạo.

Trong 5 năm gần đây (2016-2022), Việt Nam tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình, hằng năm có 4.000-6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam.

"Bộ GD&ĐT Việt Nam luôn xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng giảng dạy, học tập của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt. Việc nâng cao năng lực tiếng Việt luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc", Thứ trưởng cho biết.

Các sinh viên tham gia các tiết mục văn nghệ tại cuộc thi. Ảnh: Mạnh Tùng

Các sinh viên tham gia các tiết mục văn nghệ tại cuộc thi. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, việc dạy và học tiếng Việt không chỉ là việc giảng dạy ngôn ngữ, trang bị công cụ tiếp thu kiến thức. Đây còn là việc quảng bá văn hóa, lan tỏa bản sắc dân tộc và nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa cho lưu học sinh đang học tại Việt Nam nói riêng, người nước ngoài và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam nói chung.

12 đội tranh tài vòng chung kết

Được phát động vào tháng 8/2023, cuộc thi đã trải qua vòng thi sơ khảo sôi nổi tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam với hơn 600 lưu học sinh từ 15 quốc gia, học tập tại 63 cơ sở đào tạo.

Vòng chung kết có 12 đội tham dự đến từ Australia, Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc.

Các đội thi đến từ các các cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Hữu Nghị 80; Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Y khoa Vinh; Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM; Trường Đại học Sư phạm TPHCM; Trường Đại học Cửu Long; Trường Đại học Kiên Giang.

Sinh viên chuẩn bị cho các tiết mục. Ảnh: Mạnh Tùng

Sinh viên chuẩn bị cho các tiết mục. Ảnh: Mạnh Tùng

Là trường được Bộ GD&ĐT chọn làm đơn vị tổ chức vòng chung kết, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM có số lượng sinh viên quốc tế đông nhất phía Nam. Mỗi năm, trường đón hơn 1.000 sinh viên đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có lịch sử 25 năm đào tạo Việt Nam học và giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

"Cuộc thi giúp tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước trên thế giới; tạo sân chơi, giúp tăng cường nâng cao trình độ tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài, đồng thời góp phần quảng bá giáo dục, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế", bà Ngô Thị Phương Lan nói.

Tiết mục đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Ảnh: Mạnh Tùng

Tiết mục đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Ảnh: Mạnh Tùng

Mỗi đội có 7 phút trình bày bài thi là các bài thuyết trình, kể chuyện, diễn kịch, ngâm thơ, đọc ca dao và cả hát bằng tiếng Việt...

Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.