"Đẳng cấp" của sự khác biệt
Sở hữu một khuôn mặt không giống người bình thường, Hoàng Thanh Tùng (22 tuổi, Q.3, TP. Hồ Chí Minh) lúc nào cũng ưỡn ngực ngạo nghễ nói về triết lý sống của bản thân.
Tùng sinh ra trong gia đình giàu sang, có tính hướng ngoại rất cao khi cha mẹ thường xuyên đi làm ăn ở nước ngoài. Học hết cấp 2 ở Việt Nam, Tùng được cho sang Canada du học và hưởng đầy đủ sự sung túc.
Một chiếc lưỡi xẻ được trang điểm bằng hạt bi kim loại. |
Hoàn thành xong chương trình đại học, Tùng về nước để chuẩn bị kế thừa khối tài sản kếch xù của cha mẹ. Tuy nhiên, Tùng không mặn mà với bạc vàng, của cải mà chỉ thích ăn chơi, chạy theo trào lưu và phong cách dị biệt.
Tùng cho biết, anh từng đi khắp thế giới, tới cả những bộ lạc hoang sơ ở Châu Phi, Châu Mỹ nên vốn kiến thức xã hội rất phong phú. Tùng thấy con người và cuộc sống hiện tại quá tẻ nhạt.
Khi một người chưa bao giờ phải lo đến tiền thì thú chơi hẳn không dừng lại ở chuyện du lịch, mua sắm. Tùng thuộc hàng "cậu ấm" nhưng lại cực kỳ đơn giản, không thích trang sức và ăn chơi theo kiểu "đốt" tiền như một số công tử khác.
Để làm cho bản thân khác biệt, đầu tiên Tùng đục mũi để xỏ khuyên. Cậu bay sang Singapore làm thủ thuật. Hai lỗ khuyên mũi to bằng đầu đũa, Tùng đeo hai chiếc nanh hổ mua từ Châu Phi. Theo triết lý của Tùng, thì nanh hổ tượng trưng cho chúa tể sơn lâm, sự mạnh mẽ, hung dữ và khả năng lãnh đạo muôn người.
Ở Việt Nam, mỗi khi ra đường Tùng đeo lủng lẳng hai miếng xương trắng toát trên mũi, nhiều người nhìn cậu bằng ánh mắt lạ lẫm xen lẫn định kiến. Về nhà, cha mẹ cũng chẳng ưa gì vẻ đẹp lạ lùng ấy của con trai.
Sự khác biệt của bản thân khiến Tùng rất thích thú, mặc cho thiên hạ nhòm ngó, Tùng chỉ quan tâm và sống cho bản thân mình mà thôi.
Nhóm bạn chơi thân với Tùng cũng đua nhau đục mũi đeo khuyên. Đứa thì đeo nanh lợn, đứa đeo vòng vàng, có đứa lại đeo hẳn một điếu thuốc làm bằng kim loại kéo lệch hẳn một bên mũi.
Chỉ được một năm, thú chơi khuyên mũi đã lỗi thời, Tùng lại đi nước ngoài phẫu thuật xẻ lưỡi làm đôi rồi đính hạt bi vào. Đây được xem là thú chơi thời thượng của giới trẻ thế giới.
Ở Việt Nam, "gu" thời trang xẻ lưỡi còn rất hiếm, có lẽ Tùng là người đầu tiên sở hữu loại hình này.
Thực hiện những ca phẫu thuật làm đẹp đau đớn nhưng vẫn làm. |
Ra đường, Tùng vô cùng hãnh diện với vẻ khác người của mình. Tùng cười cợt, ra vẻ già dặn: "Để có được phong cách mới mẻ như thế này không hề nhẹ nhàng chút nào. Ngày đầu xỏ khuyên là sưng lưỡi, đến cháo còn không húp được. Ngày thứ hai lưỡi sưng quá to chặn đường hô hấp gây khó thở nhưng sang ngày thứ 3 thì đơn giản, dễ chịu hơn".
Tổng cộng hai bên cánh lưỡi đã xẻ của Tùng gắn 6 hạt bi kim loại màu vàng và màu trắng đục.
Người yêu của Tùng là tiểu thư trong gia đình khuê các ở TP. Hải Phòng có biệt danh là Ngọc "đá" (tức ngọc trong đá). Ngọc bằng tuổi với Tùng, cả hai quen nhau từ thời còn là du học sinh.
Cha mẹ Ngọc định hướng để con phát triển sự nghiệp ở nước ngoài luôn nhưng vì tình yêu mà cô nàng buông bỏ tất cả theo Tùng du hí khắp nơi.
Ngọc "đá" có "gu" thẩm mỹ tương đồng với Tùng, thích sự khác biệt và lạc loài nên cả hai dường như trời sinh ra chỉ dành cho nhau mà thôi. Ngọc có thừa tiền để "đập nát mặt" đi rồi chỉnh lại cho giống hoa hậu nhưng cô nàng không làm điều đó.
Chiếc tai bị nong thành lỗ tròn khổng lồ. |
Trên khuôn mặt của mình, Ngọc chỉ làm một món duy nhất là xẻ lưỡi và đeo một chiếc khuyên có hình con dao lam sáng loáng. Mỗi lần cô nàng le lưỡi ra, ánh hào quang của vật trang sức sắc lẹm này lại lóe lên như muốn cắt đứt ánh mắt của bất cứ ai. Giải thích về ý nghĩa của của chiếc dao lam gắn trên lưỡi, Ngọc "đá" hất giọng đầy trịch thượng: "Nó làm cho cuộc đời lúc nào cũng sắc, cứa đứt mọi giả dối".
Đây chính là thông điệp tình yêu mà Ngọc muốn gửi gắm cho Tùng. Ngoài xẻ lưỡi, Ngọc "đá" còn "chỉn chu" đeo trang sức cho vùng… kín" của mình theo phong cách có một không hai. Tất cả công việc phẫu thuật, gắn vật dụng trang điểm Ngọc đều làm ở nước ngoài.
Ngọc quả quyết, ở Việt Nam chưa có dân chơi nào làm được những việc đó. Bạn bè thắc mắc hỏi Ngọc đeo trang sức cho "vùng kín" thì còn gì là thẩm mỹ bởi vì "chỗ đó" không ai nhìn thấy cả. Ngọc xua tay phân bua: "Đó mới là sự khác biệt".
"Cải tạo" bản thân
Để được đẹp theo ý mình, các "cậu ấm, cô chiêu" phải gồng mình lên chịu đựng biến chứng. Ngọc "đá" chia sẻ, làm phẫu thuật ở nước ngoài thành công nhưng khi về Việt Nam cô bị nhiễm trùng "vùng kín" phải quay lại nước ngoài xử lý.
Riêng bộ lưỡi, cô phải kiêng ăn hải sản, không được ăn thịt cá nấu với nước mắm mà chỉ ăn cháo, canh rau và uống sữa. Lưỡi là nơi tiếp nhận thức ăn và rất dễ xây xước. Chỉ cần một đốm đỏ sung huyết ở lưỡi có thể bị nhiễm trùng các mũi khoan tại vị trí đeo khuyên.
Xẻ lưỡi có cách thức gần giống như nong tai. Đầu tiên phải bấm khuyên lưỡi, sau đó dần dần nới rộng cái lỗ ra, rồi buộc chỉ nha khoa hoặc chỉ câu vào phần thịt còn dính lại, cuối cùng cắt đứt chỗ đó bằng dao mổ hoặc dao cạo, thế là xong. Nhưng ở Việt Nam, một số thanh niên ít tiền nhưng học đòi đã dùng dao xẻ đôi lưỡi chứ không bấm khuyên.
Khi chảy nhiều máu quá thì dùng kim loại nung đỏ gí vào để cầm máu, đau đến trào máu họng nhưng vẫn phải cố chịu đựng. Vừa nghe kể, Ngọc "đá" lắc đầu nhảy dựng lên phán: "Đó là cách chơi thiếu chuyên nghiệp. Vết sẹo do bị gí kim loại sẽ không thể nào đẹp bằng cách nới khuyên lưỡi cho đến gần đứt, nhìn nó rất thô và xấu".
Vài năm trở lại đây, ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội xuất hiện kiểu làm đẹp bằng cách nong tai, xẻ lưỡi, đục mũi khá rầm rộ. Dân chơi chủ yếu là nam thanh nữ tú mê truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản do hâm mộ mà làm theo. Họ gọi đây là hình thức "cải tạo bản thân". Một số người không hài lòng với những bộ phận cơ thể tạo hóa ban tặng mà tìm cách sửa, làm biến đổi nó.
Tú Linh (25 tuổi) kinh doanh quần áo tại chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh) vừa mới "chỉnh trang" lại khuôn mặt của mình để chuẩn bị đi du lịch nước ngoài. Linh hào hứng khoe đôi khuyên mũi trị giá 30 triệu đồng bằng vàng cùng bộ "ấm chén" bằng inox hai bên tai có giá 25 triệu nữa.
Đục mũi trở thành trào lưu làm đẹp kinh dị của giới trẻ ngày nay. |
Chưa hết, cô còn đầu tư một vòng kim loại bằng bạc căng môi hết hơn chục triệu. Khi diện bộ trang sức lên, khuôn mặt của cô nàng hoàn toàn khác. Linh rất hài lòng với hình hài này vì nó sẽ phù hợp khi cô sánh bước qua nhiều nước trên thế giới cùng bạn trai.
Từ ngày "lột mặt" theo trào lưu ma quái này, Linh bán hàng rất chạy, khách của cô chủ yếu là người nước ngoài rất thích thú kiểu cách trang điểm của Linh. Do đeo trang sức nặng nên hai lỗ mũi của Linh nở to, lúc nào cũng đỏ ửng. Hai bờ môi như miếng thịt bò, mỗi khi cười thì loe ra chạm vào bộ ấm chén đeo trên tai.
Người thì bảo Linh lập dị, kẻ thì thấy cô điên khùng nhưng trong con mắt của bạn trai và rất nhiều người bạn cùng lứa, Linh được tuyên dương là nhân vật có xu hướng "cải tạo" bản thân tốt nhất. "Quan trọng là thấy vui và hạnh phúc với vẻ đẹp của chính mình, làm sao mà chiều lòng được cả thiên hạ", Linh bày tỏ quan điểm.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cố gắng cắt nghĩa để có thể hiểu được một phần nào đó cái "gu" thời trang của các "cậu ấm, cô chiêu" thời nay nhưng chúng tôi không tài nào hiểu nổi. Chúng tôi tìm gặp Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Thương, chuyên gia tâm lý có nhiều năm làm công tác giáo dục học đường nhằm phân tích, mổ xẻ trào lưu quái dị này.
Tiến sĩ Thương tâm sự, ở Việt Nam, bà đã từng gặp rất nhiều bạn trẻ có nhận thức sống lệch lạc, ăn chơi không đúng cách và đua đòi làm đẹp theo xu hướng lai căng chẳng giống ai. Một khi nhận thức sai lầm sẽ kéo theo những hành động thiếu chuẩn mực và dẫn tới hệ lụy khôn lường cho tương lai.
Nguyên nhân có thể do bạn trẻ được tung ra ngoài quá sớm, xa vòng tay cha mẹ, xa rời bản sắc văn hóa thuần túy của quê hương. Họ được đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều phong tục tập quán khác nhau nhưng không biết chọn lọc giá trị cốt lõi. Sự nuông chiều phóng túng của người lớn đã vô tình làm hại con em của họ.