10 sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2022

GD&TĐ - Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa công bố 10 sự kiện văn hoá tiêu biểu năm 2022.

10 sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2022

1. Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị.

Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025).

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các bộ, ngành, địa phương và đoàn thể đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng bước đưa Văn hóa vào đời sống.

2. Quốc hội Thông qua Luật Điện ảnh năm 2022

Ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh năm 2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009 sau 13 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.

Luật Điện ảnh năm 2022 được ban hành đã khắc phục được các hạn chế về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, khắc phục bất cập về một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung.

Luật Điện ảnh năm 2022 bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh - được các nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu… đánh giá cao.

3. Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022

Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội hóa XV đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 6 chương 56 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Dự án Luật có nhiều điểm mới tích cực: Lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, phòng ngừa chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng, thiết lập được quy trình báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình, xử lý tin báo, xử lý hành vi bạo lực.

Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng chống bạo lực gia đình, xã hội hóa phòng chống bạo lực gia đình; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống bạo lực gia đình.

4. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh

Ngày 29/11, phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat (Vương quốc Ma-rốc), di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Quyết nghị ghi danh của UNESCO đối với di sản này góp phần vào việc lưu giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

5. “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu” được ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 26/11, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO thông qua 2 hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) gồm 78 tư liệu bia tạc trên vách đá (trong đó có 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm), nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, tao nhân mặc khách.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay, gồm 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng, 19 tờ văn bằng và 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943.

Với giá trị nguyên gốc, độc bản, các văn bản có nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan… đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách, vì vậy nhiều thông tin có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam như “Đại Việt sử ký tục biên”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, cũng như qua các sách khảo cứu của Phan Huy Chú, Bùi Dương Lịch.

6. Đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo”

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), được vua Bảo Đại khi thoái vị, chọn cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại để bàn giao cho chính quyền cách mạng vào ngày 30/8/1945.

Ngoài giá trị lịch sử, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” còn là di sản văn hóa quan trọng, là biểu trưng quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử Việt Nam.

7. Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI

Đây là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng trong năm 2022 với sự tham dự của các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng trong nước và thế giới.

Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI diễn ra từ ngày 8 - 12/11/2022 tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 800 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 123 bộ phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc của các nước Anh, Mỹ, Phần Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Hungary, Thụy Sĩ, Argentina, Mexico…

Liên hoan Phim đã vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo, khuyến khích những tài năng mới của điện ảnh.

8. Tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31

Việt Nam đã hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 trong một thời gian ngắn, trên tinh thần triệt để tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo sự trọng thị, chu đáo, phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế.

Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công, đứng thứ nhất toàn đoàn, với tổng số 446 huy chương các loại, phá nhiều kỷ lục của Đại hội ở các môn Bơi, Điền kinh, Xe đạp, Cử tạ, đặc biệt đã bảo vệ thành công HCV SEA Games của môn Bóng đá nam và HCV SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ.

9. Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023

Ngoài việc bảo vệ thành công tấm HCV tại SEA Games 31, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam còn gây được tiếng vang khi lần đầu tiên trong lịch sử giành tấm vé chính thức tham dự Vòng chung kết World Cup 2023.

Tại Vòng chung kết Cúp bóng đá nữ châu Á (Asian Cup) 2022 - vòng loại World Cup nữ 2023 diễn ra từ ngày 20/1 đến 6/2/2022 tại Ấn Độ, tuyển nữ Việt Nam nằm ở bảng C với Nhật Bản, Hàn Quốc và Myanmar.

Thầy trò HLV Mai Đức Chung lọt vào tứ kết với tư cách một trong hai đội xếp hạng ba có thành tích tốt nhất. Dù không vượt qua Trung Quốc ở tứ kết nhưng khi đến vòng play-off, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã xuất sắc đánh bại kình địch Thái Lan 2-0, đặc biệt là thắng lợi kịch tính 2-1 trước Đài Bắc Trung Hoa ở trận đấu quyết định đã giúp tuyển nữ Việt Nam chính thức đoạt vé dự World Cup nữ 2023 diễn ra tại Australia và New Zealand.

10. Việt Nam mở cửa, du lịch nội địa phục hồi đạt trên 100 triệu lượt khách năm 2022

Ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước Covid-19, không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào với khách nội địa.

Với việc mở cửa này, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới đánh giá là 1 trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới.

Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, trong đó miễn visa cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ; khôi phục lại quy trình và thủ tục xuất nhập cảnh như trước dịch Covid-19; áp dụng visa điện tử cho 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mở cửa du lịch và không có rào cản hạn chế du khách.

Điều này cho thấy du lịch Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tốt và đảm bảo các dịch vụ du lịch phục vụ du khách, đặc biệt khi nhu cầu của du khách có những sự thay đổi sau dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.