Ghi danh không phải là 'bảo bối' để bảo tồn di sản

GD&TĐ - Năm 2019, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19 bùng phát nên ngày 3/9 vừa qua - lễ đón nhận bằng ghi danh di sản mới được tổ chức tại Tuyên Quang. Đây là dịp tôn vinh di sản Then, ghi nhận công lao đóng góp của cộng đồng và nghệ nhân tích cực tham gia vào việc bảo tồn. Đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.

Then vừa là một loại hình văn nghệ dân gian, vừa là một biểu hiện của tín ngưỡng dân gian. Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Nội dung các khúc hát toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi làng bản, quê hương...

Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tuy nhiên, nghệ thuật hát Then từng trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc rơi vào quên lãng. Từng có thời gian ở hầu hết các tỉnh có Then, nghệ nhân biết hát Then, đánh đàn tính (từ 30 tuổi trở xuống) có tỉ lệ rất thấp - chỉ chiếm khoảng 5 - 7%, có những tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn không có nghệ nhân nào.

Ở một số địa phương như Hà Giang có đến 40%, Lạng Sơn 24%, Cao Bằng 25% nghệ nhân hát Then trên 70 tuổi. Trong khi đó việc truyền dạy các làn điệu Then ở những vùng này lại không có chính sách khuyến khích và quy định rõ ràng.

Phải mất hàng chục năm ròng, ngành văn hoá tổ chức sưu tầm, thống kê các làn điệu Then, đội ngũ nghệ nhân, chế tác đàn tính và thành lập các câu lạc bộ ở các thôn bản có dân tộc Tày, Nùng, Thái sinh sống. Hầu hết các tỉnh đã mở lớp và mời các nghệ nhân truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ.

Một số tỉnh như Lạng Sơn còn mời các biên đạo, đạo diễn, nghệ sĩ sáng tác dàn dựng các chương trình: Mùa hoa lê, Xứ lạng quê em, Ai lên xứ Lạng... để tham gia các hội diễn Then. Nghệ thuật hát Then từ đó được khơi dậy sức sống, đủ điều kiện ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có thể thấy rằng, khôi phục nghệ thuật hát Then thực sự là một hành trình ngoạn mục. Từ một di sản tưởng chừng sẽ mất lại được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – là sự kiện chưa từng có tiền lệ, và chính xác đó là hành trình “lội ngược dòng”.

Trong nền văn hoá Việt Nam, còn khá nhiều nét văn hoá đặc sắc để có thể quảng bá với thế giới. Tiếc rằng, vốn tư liệu ít ỏi hoặc nghệ nhân trong lĩnh vực đó không còn thiết tha với việc bảo tồn và phát huy giá trị.

Được ghi danh dù là điều tự hào, nhưng không phải là bảo bối để bảo tồn di sản. Được ghi danh, nghĩa là gắn với trách nhiệm truyền thừa và quảng bá ra thế giới. Nếu như thế giới chưa biết tới nghệ thuật hát Then, chưa biết đến những bản sắc của nghệ thuật này – thì có nghĩa, chúng ta mới chỉ thành công ở việc ghi danh một di sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.