10 status ấn tượng trong tuần trên Facebook

"Vô duyên và nông cạn tạo nên tàn nhẫn", Hoàng My viết về những người chê bai nhan sắc hiện tại của Như Quỳnh.

10 status ấn tượng trong tuần trên Facebook

Status số 1

Rảnh rỗi sinh nông nổi.

Bố mẹ đầu tắt mặt tối làm lụng kiếm tiền tạo cho các con đời sống đầy đủ vật chất, nhưng lại không bỏ thời gian giáo dục các con giá trị đời sống và đạo đức làm người. 

Cái tuổi cần sự chú ý và quan tâm nhất từ bố mẹ là khoảng 12 - 21 tuổi, cái tuổi tò mò, tự nói với bản thân "Cái gì mình cũng biết", không cần đến bố mẹ và gia đình; cái tuổi thích chứng minh, thể hiện bản thân.

Nhiều bố mẹ không muốn con mình đi làm thêm sau giờ học hoặc trong kỳ nghỉ hè vì sợ con "khổ". Con lại có nhiều thời gian trên máy vi tính, smartphone, mạng, video game. Bố mẹ hãy bỏ thời gian tìm hiểu thêm về thế giới ảo mà các con mình đang ngộ nhận là thực tế đi, nếu không sẽ muộn.

Nếu chúng ta không biết gì về sinh hoạt và thế giới của các con thì chúng ta lấy gì để giáo dục chúng? Trẻ con sẽ không hiểu và không muốn hiểu những công việc thường ngày của bố mẹ. Nếu muốn nói chuyện và hiểu chúng thì chúng ta cần đầu tư thời gian tìm hiểu thế giới của chúng. 

Đây là lý do tại sao các cháu bị ảnh hưởng nhiều bởi bạn bè và những trang mạng xã hội, vì các cháu từ đó thấy rằng tìm được sự chia sẻ và cảm thông thay vì từ gia đình và bố mẹ. 

Dũng Taylor - Quản lý, chồng ca sĩ Thu Phương - lên tiếng về vụ hai thiếu nữ "thách đấu" ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM).

Status số 2

Một người chị gái xa quê lâu ngày về thăm nhà, vừa bước vào cửa, mấy thằng chíp hôi la toáng lên: "A, chị đã về! Mấy chục năm trời không gặp, trông chị già và xuống sắc hẳn!".

Vô duyên và nông cạn tạo nên tàn nhẫn. 

Hoàng My - Á hậu Việt Nam 2010 lên tiếng sau khi đọc thông tin về việc ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh lặng lẽ trở về Mỹ vì bị chê bai nhan sắc.

hoang-my-5498-1438965721.jpg

Á hậu Hoàng My.

Status số 3

Mình không hỏi, bạn không nói, sẽ tạo ra khoảng cách.
Mình hỏi rồi, bạn không trả lời, cuối cùng cũng rời xa.
Mình hỏi, bạn trả lời, sẽ là tôn trọng.
Mình muốn hỏi, bạn muốn nói, cả hai sẽ thấu hiểu nhau.
Mình chưa hỏi, bạn đã nói, đó chính là tín nhiệm.
Cho gì, nhận nấy. Ta tôn trọng người và người cũng sẽ tôn trọng ta. 

Dương Mỹ Linh - Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2006

Status số 4

Con gái...

Với ba, con là cả thế giới. Nhưng khi bước ra thế giới, con chỉ là một người bình thường. Hãy vui chơi, biết cố gắng và say mê với những điều con thích. Con sẽ trở thành người con muốn, khi con đủ lớn và đủ tài năng...

Ba yêu con! 

Thành Trung - MC truyền hình - giãi bày sau việc thẳng tay loại con gái khi ngồi ghế nóng một cuộc thi âm nhạc mà cô bé tham gia.

Status số 5

Tại quê huơng Thanh Hóa năm 1977, có một cô bé 4 tuổi tên Thanh đang sống yên bình cùng gia đình. Bỗng một ngày không bình yên, một cơn bão thật lớn ập tới, mang theo trận mưa gió, lũ lụt kinh hoàng. Nửa đêm thấy mưa gió quá to, bố mẹ chỉ kịp kéo các con chui ngay xuống gầm giường. Và đó là cách tốt nhất để không mất mạng trong cơn bão.

Cả đêm nằm dưới gầm giường, tới sáng thức dậy, nuớc ngập khắp nơi, căn nhà đã đổ hoàn toàn, nóc nhà bay. Rắn cạp nong, rắn nuớc... bơi xung quanh. Rất sợ!

Trong nhà chỉ còn sót lại đúng một nải chuối. Nải chuối bố chỉ dành cho các con ăn và chờ cứu trợ của mọi người. Những hình ảnh đó không bao giờ phai mờ trong tâm trí của một cô bé 4 tuổi.

Sau cơn bão định mệnh đó, cả gia đình chia làm hai, từ từ di tản vào Nam theo anh hai lúc đó đang làm lái xe. Và từ đó, Sài Gòn đón nhận một cô bé được thành danh là ca sĩ Phương Thanh của ngày hôm nay.

Sau một thời gian dài, cứ nơi đâu nghe tin bão lụt, Phương Thanh lại đi, nhưng đi trong tâm thế chia sẻ, tình nguyện, từ thiện. Đi không phải để được khen là người tốt hay làm PR.

Mỗi khi đọc được tin nơi đâu có bão lụt là tâm trí thôi thúc, không còn suy nghĩ được điều gì ngoài việc hãy đến ngay nơi ấy, muốn tận tay làm được điều gì đó khẩn thiết cho những người đang trong tâm bão. Ký ức tuổi thơ làm cho ta có thêm nghị lực. 

Phương Thanh - Ca sĩ

Status số 6

Lũ tràn về gieo cảnh tan nhà nát cửa ở nhiều tỉnh phía Bắc.
Một bé gái chết trên đường đi học về vì... đói.
Một tượng đài xây 1.400 tỷ đồng.
Và những kẻ vẫn miệt mài khoe tất tần tật cuộc sống vật chất cá nhân, từ quần áo, túi xách, nhà cao, xe đẹp... trong khi dân mình đang chìm đắm trong khổ cực, lầm than bởi lũ, bởi nghèo, bởi đói. 

Ngọc Thúy - Cựu người mẫu

ngoc-thuy-9274-1438965721.jpg

Cựu người mẫu Ngọc Thúy.

Status số 7

Nước rút, bắt đầu thấy các bạn nô nức đi cứu trợ từ thiện. Rất là tốt, hoan hô các bạn. Xin đóng góp với các bạn một số kinh nghiệm:

1) Bớt mỳ tôm đi. Các bạn toàn mua mỳ cho tiện, chứ thực ra ít khi tìm hiểu thực tế. Mỳ tôm chỉ hữu ích trong những tình cảnh ngặt nghèo, nước vây tứ phía, mưa trút trên đầu, không nhóm lửa nấu cơm được. 

Nhưng ngay cả thế thì chỉ 1 - 2 ngày là người ta tìm được cách khắc phục ngay. Và lúc ấy thì ai cũng thèm cơm. Cơm mang lại nhiều năng lượng hơn mỳ gói. Bạn có thể mua gạo đã chia vào túi nylon sẵn, 3-5 kg.

2) Dù đi cứu trợ thì cũng cần nhiều sức người, nhưng các bạn đi vừa phải thôi. Kéo nhau đi tầm vài chục người, ngồi kín mấy xe, chẳng còn chỗ chứa đồ cứu trợ. Đến nơi, lo ăn ở cho ngần ấy người cũng là một vấn đề. Mà thực ra cũng chẳng có nhiều việc cho các bạn làm, hoặc làm được.

3) Giải pháp để phân phát hợp lý đồ cứu trợ là liên hệ trước với UBND, thông báo tới từng cụm dân cư. Bà con sẽ ưu tiên những ai khó khăn nhất, thiệt hại nặng nhất đi nhận đồ. 

Cứ theo danh sách khu dân cư đưa lên mà phát. Chứ đến nơi, dỡ đồ xuống rồi phát búa xua, vừa hỗn loạn, vừa thiếu công bằng, không hiệu quả thực sự.

4) Nên chia làm 2 bàn, 1 bàn phát số thứ tự, 1 bàn phát đồ. Bà con qua lấy số rồi vòng qua lấy đồ. Ai đến trước nhận trước, không chen lấn xô đẩy.

5) Với vùng lũ, ưu tiên số 2 sau lương thực và nước sạch là thuốc men, quần áo, giống ( cây, con), sách vở, đồ dùng học tập. Nếu có nhiều tiền mặt, các bạn có thể mời các trưởng thôn, ban giám hiệu nhà trường lên ủy ban để trao. Như vậy, tiền sẽ được sử dụng để hỗ trợ bà con mua vật dụng, hoặc mua sách vở cho học sinh.

6) Nếu nhận đồ cứu trợ từ nhiều nguồn đóng góp, nhớ kiểm tra cẩn thận trước khi phân phát. Có nhiều người tống cả xu-chiêng (tất nhiên là cũ) vào túi đồ đem cho. Rồi quần áo cũ rách, đồ hộp quá hạn, đồ cũ hư hỏng không thể sử dụng được... Đó là sự xúc phạm với người nhận chứ chả hay ho gì.

Nói chung, các bạn nên đi cho biết. 

Phạm Gia Hiền - Độc giả chia sẻ

Status số 8

Đức của doanh nhân.

Hôm trước, đi Thái Lan, nghe cậu hướng dẫn viên chỉ tay lên một tòa nhà lớn ở Bangkok nói về ông chủ của tòa nhà đó, làm mình nghĩ ngợi khá nhiều. Cậu ta kể:

Năm 2007, ông chủ tập đoàn này - một doanh nhân lớn ngành giải khát của Thái - bị lâm vào tình trạng sắp phá sản, tồn tại lay lắt. Năm 2012, một trận lũ cực lớn xảy ra, ngập Bangkok, nước sạch rất khan hiếm. 

Khi đó, trong kho của tập đoàn ông này còn hàng triệu chai nước sạch... bình thường, mỗi chai chỉ 10 baht nhưng mọi người đều nghĩ, nếu ông ấy bán 100 baht thì người ta vẫn phải mua. 

Tuy nhiên, vị doanh nhân đó không bán, ông đem toàn bộ số nước trao cho nhà Vua Thái, khóc và đề nghị Vua tặng cho người dân Bangkok, nhờ đó, hàng triệu dân thủ đô có thêm nước sạch dùng.

Cơn lũ qua đi, Hoàng gia Thái kêu gọi dân cả nước ủng hộ, mua hàng cho vị doanh nhân kia. Vua nói: "Một doanh nhân có đức như vậy thì chúng ta không nên nhìn ông ấy phá sản". 

Nhờ lời nói này, vị doanh nhân Thái đó vượt qua khó khăn. Chỉ trong 3 năm qua, tập đoàn của ông ta phục hồi và trở lại là một trong 10 tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước.

Mình nghĩ nhiều về câu chuyện này. Tìm mãi trong trí nhớ, không thấy nhiều doanh nhân Việt Nam làm được những điều như vậy. Cũng có nhưng không thật ấn tượng để ghi tâm. 

Chúng ta dễ dàng nhớ ra các doanh nhân xả thải ra sông Đồng Nai, lấp sông, chôn hàng tấn hóa chất độc xuống đất, chặt phá rừng làm thủy điện, xả lũ gây chết người, thuê đầu gấu đánh dân khi cần mặt bằng... mà rất khó nhớ ra ai làm được việc nghĩa lớn.

Nhưng hôm nay, đọc công văn của ông Đào Hồng Tuyển xin trợ giúp người dân Quảng Ninh, nhớ lại trước đó, ông cho bán đấu giá chiếc xe siêu sang để lấy tiền hỗ trợ nạn dân trong đợt lũ vừa qua, tôi nghĩ rằng, doanh nhân Việt cũng có thể làm điều tương tự như vị doanh nhân Thái đó.

Doanh nhân lớn mới có điều kiện làm việc nghĩa lớn. - 

Mạnh Quân - Độc giả chia sẻ

Status số 9

Tối hôm bữa coi "Điều ước thứ 7", có chú xe ôm cực nhọc một mình nuôi cô cháu nội câm điếc bị ba mẹ bỏ rơi. Chương trình lén giấu xe cũ rồi dắt ra cho chú cái xe mới, chú nói: "Không, xe tui hổng phải cái này". 

Chị MC nói chương trình tặng, chú không lấy, kêu: "Tui chạy xe cũ quen rồi, xe này lạ, thấy kỳ cục". Chị MC nói cái này tặng chú, nghĩa là chú có hai cái xe. Chú vẫn không chịu lấy, kêu nhà không có chỗ để. Chị MC phải năn nỉ giãi bày một hồi, chú mới xuôi xuôi.

Chú ơi, con cảm ơn chú. Trong cuộc đời có quá nhiều người muốn lấy những thứ không thuộc về họ. Chú đã hồn nhiên sống khác. 

Nguyen Thien Ngan - Độc giả chia sẻ

Status số 10

Hãy đừng share những clip mà người quay là kẻ vô tâm!

Giờ ai cũng biết, kẻ nào quay được một cái clip hot nào đó thì được cộng đồng share và có ngay cảm giác nổi tiếng đầy hấp dẫn. Điều đó khiến nhiều người mê muội vào vai người quay phim mà quên đi trách nhiệm của một người can thiệp giúp đỡ. Chưa kể sự quay phim cổ vũ đó còn giúp cho hành vi của đối tượng trầm trọng hơn.

Mới đây có clip người mẹ đánh con gái mình không ngừng nghỉ trong gần một tiếng đồng hồ. Bà mẹ ấy sai, đương nhiên không cần bàn, nhưng kẻ vô tâm nhất chính là người quay clip các bạn ạ, đủ tâm để mà đứng chứng kiến và quay lại cảnh hành hạ một đứa trẻ gần một tiếng thì tôi cũng sợ bạn thật, đồ háo danh vô tâm độc ác!

Lâu rồi, ở nước ngoài có người cha quay được cảnh con gái mình bị cá sấu ăn thịt hay đại loại vậy. Chúng ta đừng để tình hình tệ hại đến mức đó. Người có lương tâm sẽ phải tìm cách hỗ trợ cứu giúp cho dù nhỏ nhoi nhất có thể trong khả năng của mình.

Nếu chúng ta share những clip như vậy là góp phần giúp những kẻ háo danh vô tâm đó ngày càng phát triển, chúng ta cũng góp phần lớn trong tội trạng đấy. 

Huỳnh Phước Sang - Bác sĩ

Theo ngoisao.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ