Chỉnh sửa để duy trì 'sân chơi' khoa học kỹ thuật nhiều ý nghĩa

GD&TĐ - Với nhiều tác động tích cực đến phát triển năng lực học sinh sau 10 năm triển khai, một số giáo viên, nhà trường, địa phương cho rằng, Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cần tiếp tục được tổ chức và phát triển trong những năm tiếp theo.

Học sinh phổ thông thích thú với giờ thực hành các môn khoa học kỹ thuật. Ảnh minh họa
Học sinh phổ thông thích thú với giờ thực hành các môn khoa học kỹ thuật. Ảnh minh họa

Thúc đẩy đổi mới dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục

Với kinh nghiệm 7 năm hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, trong đó có 6 lần giành giải Nhất cấp tỉnh, 4 năm giành giải quốc gia, thầy Hoàng Châu Thiện, giáo viên dạy Hóa học, Trường THPT chuyên Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), khẳng định: Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia trong những năm qua thu hút nhiều học sinh tham gia. Đây là sân chơi bổ ích cho các em có đam mê nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ thực tiễn có thể thấy, học sinh phổ thông khi tham gia cuộc thi này không chỉ được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một đề tài cụ thể; mà các em đã phát triển tốt tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, thuyết trình, phản biện và kỹ năng làm việc nhóm… Ngoài ra, nghiên cứu khoa học là bậc cao hơn của giáo dục STEM, phù hợp với lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, cũng như mục tiêu lớn hơn của Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học là góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

“Mong Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học được tiếp tục và phát triển trong những năm tiếp theo” - thầy Hoàng Châu Thiện nêu quan điểm và lý giải: Hiện, Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế vẫn diễn ra và ngày càng có quy mô lớn hơn với hàng nghìn dự án, hàng nghìn học sinh đến từ nhiều quốc gia, khu vực tham gia. Đoàn học sinh Việt Nam đã tham dự trong nhiều năm và đạt được những kết quả tốt.

Điều đó chứng minh Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật của chúng ta đang đi đúng hướng. Quan trọng hơn là, cuộc thi đã tạo điều kiện cho học sinh có sân chơi tốt, phù hợp với định hướng giáo dục toàn diện và phát triển năng lực học sinh. Ngoài ra, qua theo dõi các em đã tham gia cuộc thi, đa số đều phát triển tốt khi là sinh viên, luôn chủ động tích cực tham gia vào các hoạt động chung, cũng như nghiên cứu khoa học.

Thầy Hoàng Châu Thiện, giáo viên Trường THPT chuyên Tuyên Quang hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Thầy Hoàng Châu Thiện, giáo viên Trường THPT chuyên Tuyên Quang hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, đánh giá: Việc triển khai nghiên cứu khoa học và tổ chức Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh tại Tiền Giang diễn ra thành công. Cuộc thi tạo được niềm say mê khoa học trong học sinh, góp phần vào công tác đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tạo động lực cho giáo viên, học sinh tích cực học tập, nghiên cứu và chuẩn bị tâm thế cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc cuộc thi các cấp đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn, như hạn chế về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh; kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của một số đề tài không nhiều… nhưng với những tác động tích cực rõ ràng mà cuộc thi mang lại, ông Nguyễn Phương Toàn cho biết, Sở GD&ĐT Tiền Giang đề nghị cần tiếp tục duy trì cuộc thi này.

Đánh giá hiệu quả, tác động để điều chỉnh phù hợp

Mới đây, Bộ GD&ĐT có công văn về việc tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả, tác động của Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trong 10 năm qua. Đánh giá cao hoạt động này, thầy Hoàng Châu Thiện cho rằng: Cuộc thi, kỳ thi nào cũng vậy, không thể hoàn hảo tối ưu ngay. Vậy luôn cần sự phản biện, đánh giá rút kinh nghiệm, chỉnh sửa, thay đổi hàng năm cho phù hợp, từ đó mang lại lợi ích tốt nhất cho học sinh.

“Là giáo viên đã tham gia hướng dẫn học sinh tham cuộc thi nhiều năm, tôi mong các nhà quản lý, nhà khoa học, giáo viên và học sinh có đóng góp ý kiến xây dựng, để Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được hoàn thiện nhất có thể; vì đây là hoạt động có ích cho các em và phù hợp với hội nhập phát triển của thế giới” - thầy Hoàng Châu Thiện chia sẻ.

Đưa góp ý theo quan điểm cá nhân, thầy Hoàng Châu Thiện đề cập đến xây dựng chi tiết tiêu chí chấm thi, ý tưởng và tính ứng dụng thực tiễn của đề tài, dự án. Đồng thời, tăng dự án, đề tài tham gia Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học của các đơn vị lên so với hiện nay (hiện là 2 dự án cho mỗi đơn vị), để học sinh có cơ hội được tham gia hơn.

Ở góc độ quản lý ở cơ sở giáo dục, cô Ngô Mai Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT TP Lai Châu (tỉnh Lai Châu), đề nghị tiếp tục tổ chức cuộc thi, hình thức có thể trực tiếp hoặc trực tuyến; thời gian tổ chức vào tháng 1 hằng năm. Cô Ngô Mai Phúc cũng mong tăng cơ cấu và giá trị giải thưởng, tạo động lực cho học sinh tham gia cuộc thi. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn nơi thí sinh dự thi đối với dự án có chất lượng.

Nêu kiến nghị, đề xuất, ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, cũng đồng tình với việc cần tăng số lượng giải thưởng, cũng như giá trị khen thưởng nhằm tạo động lực cho học sinh tham gia cuộc thi tốt hơn. Trong khi đó, cô Trần Thị Thanh Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường PT Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) thì mong muốn thay đổi hình thức tổ chức để hiệu quả cuộc thi thiết thực hơn và thu hút được đông đảo học sinh tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ