Những ngày gần đây, YouTuber này bị tẩy chay dữ dội bởi dư luận cho rằng cô đã đăng tải một số video phản cảm, ảnh hưởng tiêu cực, làm lệch lạc suy nghĩ của trẻ nhỏ.
“Nổi” không kém nghệ sĩ?
Thơ Nguyễn tên thật là Nguyễn Hồng Thơ, sinh năm 1992, quê Bình Dương. Cô tốt nghiệp trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.
Thơ Nguyễn bắt đầu hoạt động trên YouTube từ năm 2016, thay vì lựa chọn làm video hướng đến giới trẻ thì cô lại chọn đối tượng là thiếu nhi.
Video đầu tiên của cô đã hấp dẫn không ít fan nhí yêu thích và chia sẻ. Ban đầu, loạt video của Thơ Nguyễn được nhận định là mới, lạ, đề tài phong phú: Hướng dẫn dạy nấu ăn, review đồ chơi, vượt qua những thử thách vui nhộn,...
Có thời điểm, Thơ Nguyễn được biết đến là thần tượng của các em nhỏ. Hiện tại, cô sở hữu một trong những kênh YouTube hàng đầu Việt Nam với lượng người theo dõi không hề thua kém nghệ sĩ nào.
Ngoài phát triển kênh YouTube của mình, Thơ Nguyễn còn đầu tư sản xuất các video ngắn trên nền tảng TikTok. Hiện tại, kênh TikTok của cô cũng đã sở hữu hơn 900.000 người theo dõi.
Thơ Nguyễn dưới góc nhìn của chuyên gia và phụ huynh
Nổi tiếng luôn đi kèm tai tiếng, Thơ Nguyễn cũng không ngoại lệ. Cô từng bị phản đối vì video hướng dẫn trẻ thực hành những trò "nghịch dại" rất nguy hiểm và có phần quái đản, như video “Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ", bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung, đun bia, nước ngọt trên bếp…
Đáng nói, trong video hướng dẫn các em nhỏ chế tạo bồn tắm bằng thạch, Thơ Nguyễn hướng dẫn trẻ đổ các loại bột, thạch vào bồn tắm tạo nên màu sắc sặc sỡ, đủ mùi và nhảy vào… tắm.
Không chỉ bị đánh giá là "bày trò quái lạ", cô còn khiến các phụ huynh phản ứng vì trong video này, cô cho biết mình bị chuột rút, cất tiếng kêu rên nghe khá nhạy cảm với một nội dung dành cho trẻ nhỏ.
Mới đây nhất, Thơ Nguyễn lại tiếp tục đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng khi đăng tải loạt video liên quan đến việc nuôi búp bê. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Thơ Nguyễn đang ngầm nhắc đến, thậm chí là truyền bá việc nuôi Kumanthong (loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người).
Giới chuyên gia nhận định, không chỉ video gần đây, các clip khác của Thơ Nguyễn đều nhảm nhí, hú hét, kỳ quái, để thu hút trẻ nhỏ vốn tò mò và ngây thơ, không có nội dung mang ý nghĩa nhân văn, hay giúp các em nhỏ khám phá cuộc sống, những clip của Thơ Nguyễn chỉ "đục khoét tâm hồn, méo mó nhận thức của trẻ nhỏ".
Một chuyên gia tâm lý cho biết, những nội dung đi ngược với giá trị văn hóa, nhân văn, thẩm mỹ sẽ khiến đứa trẻ hình dung về thế giới hoàn toàn lệch lạc. Trẻ chưa có tư duy phản biện, dễ bị định hướng nên sẽ tin ngay những gì mình xem và làm theo để thể hiện bản thân. Ngoài ra, những hình ảnh ghê rợn cũng có thể khiến đứa trẻ bị ám ảnh, thậm chí bị sang chấn tâm lý.
Hiện tại, trên các diễn đàn, phụ huynh đồng loạt bày tỏ sự giận dữ khi con họ hâm mộ Thơ Nguyễn. Họ chia sẻ rằng, thần tượng của tụi trẻ ăn nói thô tục, vô duyên, vô văn hoá, nhảm nhí. Nếu đồng loạt phụ huynh báo cáo sai phạm (report) với YouTube, chủ nhân của kênh Thơ Nguyễn có thể bị khoá kênh. Tuy nhiên, đây có phải là giải pháp lâu dài?
Thực tế, trong thời đại 4.0, trẻ em không thể tuyệt giao với các thiết bị công nghệ. Để bảo vệ trẻ, tốt nhất người lớn cần giảng giải những điều tốt, xấu và theo dõi sát sao những nội dung trẻ xem hàng ngày. Các bậc cha mẹ cần có sự lựa chọn, thay vì để các con tự ý tiếp cận. Nói cách khác, cha mẹ nên biết con mình làm gì, chơi gì trên mạng.
Bảo vệ trẻ trước những video “rác”
Phụ huynh có thể kích hoạt Chế độ hạn chế của YouTube, tức là ít nhiều, quyền kiểm soát của phụ huynh trên trang web này có thể lọc ra “nội dung bị phản đối”. Chỉ cần cuộn xuống cuối trang YouTube và bật nó lên qua menu thả xuống. Trên thiết bị di động, hãy truy cập cài đặt tài khoản của bạn và bật Chế độ hạn chế.
Khi trẻ đeo tai nghe, bạn không thể nghe lén những gì chúng đang xem và phản ứng nếu bạn nghe thấy tiếng chửi thề, bạo lực hoặc điều gì đó không thể chấp nhận được. Để kiểm soát được điều này, bạn có thể để tai nghe trong tầm tai mình nhằm theo dõi mọi thứ ngoài giới hạn. Mặc dù nhiều tai nghe dành cho trẻ em có bộ giới hạn âm lượng được tích hợp sẵn, nhưng nhiều tai nghe thì không.
Cách tốt nhất để đảm bảo rằng con bạn không gặp phải nội dung không phù hợp là xem cùng chúng. Hãy ở gần con nhất có thể khi chúng đang sử dụng máy tính bảng và kiểm tra những gì chúng đang xem.
Ngoài ra, phụ huynh có thể tạo một kênh riêng từ tài khoản YouTube cho con. Tuy nhiên, trước khi bàn giao, bạn cần phải truy cập, dọn dẹp nội dung mặc định và sắp xếp cho phù hợp với sở thích của mình. Xem qua và xóa các danh mục bạn không muốn, chặn hoàn toàn các kênh cụ thể hoặc thiết lập đăng ký cho các kênh mà bạn tin tưởng.
Sau khi hoàn tất, bạn có thể chỉ cần dạy con mình tuân thủ các đăng ký và danh mục mà bạn đã thiết lập. Hãy nhớ kiểm tra lịch sử xem của con bạn thường xuyên và lọc ra bất cứ điều gì bạn không muốn con xem.