Yếu tố then chốt của giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Chủ động gắn kết với các bên liên quan đến giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đặc biệt gắn với doanh nghiệp là một trong những điều kiện thiết yếu nhằm bảo đảm chất lượng và tính hướng cầu của các hoạt động GDNN. Từ thực tiễn thí điểm và kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia đã đề ra những giải pháp để các bên tham gia đều được hưởng lợi.

Đào tạo tại doanh nghiệp là mô hình đang được triển khai thí điểm hiệu quả
Đào tạo tại doanh nghiệp là mô hình đang được triển khai thí điểm hiệu quả

Đào tạo tại doanh nghiệp

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, lao động kỹ thuật có tay nghề là yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Giáo dục nghề nghiệp hướng cầu đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này, trong đó quan hệ hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp sẽ bảo đảm cho các hoạt động GDNN hiệu quả và đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.

Nắm bắt yêu cầu này, từ năm 2015, Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đã thí điểm mô hình đào tạo phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong các nghề cơ điện tử, cơ khí - cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp và kỹ thuật viên xử lý nước thải tại hai trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề là Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA2) và Trường Cao đẳng kỹ nghệ II TP Hồ Chí Minh. Theo mô hình này, doanh nghiệp tham gia chặt chẽ trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, từ phát triển chương trình đến triển khai và đánh giá.

Ông Đinh Trường Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật và Sản xuất Công ty Ishisei Việt Nam, đối tác đào tạo của LILAMA2 cho biết: Mô hình thí điểm đã giúp cho sinh viên tốt nghiệp trường nghề có kiến thức, năng lực và thái độ phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung lao động kỹ thuật cho doanh nghiệp cũng như giảm thiểu chi phí đào tạo lại. Mô hình này cũng đã được thể chế hóa tại thông tư 29/2017/TT-LĐTBXH và được đưa vào dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật GDNN do Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo và trình Chính Phủ.

Lợi ích cho các bên

Đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường về lực lượng lao động trực tiếp có kỹ năng nghề, thái độ phù hợp với trình độ đào tạo, đây là tiêu chí quan trọng của hệ thống GDNN hiệu quả. TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Về nguyên lý, quan hệ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp là quan hệ tự thân vì lợi ích của cả hai bên, nhưng thực tế lại không chặt chẽ và chưa hiệu quả.

Bộ LĐ-TB&XH xác định gắn kết giữa GDNN với doanh nghiệp là giải pháp đột phá nâng cao chất lượng GDNN. Chính vì vậy, cần xem xét những chủ trương, chính sách của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để tìm giải pháp tháo gỡ cơ chế; tổ chức thực hiện; truyền thông: Thúc đẩy mối quan hệ GDNN và doanh nghiệp, thị trường lao động gắn bó chặt chẽ, các bên cùng được hưởng lợi.

Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước - Doanh Nghiệp - Nhà trường. TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN cho rằng: Cần phân định rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trong các hoạt động GDNN có sự tham gia của doanh nghiệp. Làm rõ các chính sách đối với giáo viên và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp, tăng cường công tác dự báo thị trường lao động, thí điểm thành lập các hội đồng kỹ năng và xây dựng các mô hình hợp tác công tư trong GDNN.

Từ kinh nghiệm của Đức, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị: Để tăng cường mối quan hệ hiệu quả giữa GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động nên thiết lập Ban tư vấn ngành hoặc Hội đồng ngành tham gia vào xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo và đánh giá người học. Thiết lập quan hệ giữa doanh nghiệp và học viên ngay từ khi bắt đầu đào tạo nghề. Tăng cường và mở rộng hợp tác giữa các cơ sở GDNN, người học, doanh nghiệp và Hiệp hội Nghề nghiệp các cấp. Áp dụng mô hình đào tạo phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, phối hợp đào tạo tại doanh nghiệp và vận dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ