Báo cáo do ông Nguyễn Chí Dũng trình bày đưa nhận định thể chế và cơ cấu thị trường lao động đã có một số tiến bộ trong giai đoạn 2016 - 2018, các giải pháp phát triển thị trường lao động được chú trọng thực hiện; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu lao động trên thị trường; tăng cường cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang được rà soát, sắp xếp và có nhiều chuyển biến quan trọng.
Chất lượng việc làm dần được cải thiện, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức dần dịch chuyển sang khu vực chính thức, đưa tỷ lệ lao động làm công hưởng lương trên tổng số người có việc làm cuối quý 1/2018 đạt 43,25%.
Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn, cao hơn so với các nước trong khu vực.
Khả năng tạo việc làm của nền kinh tế còn hạn chế. Phân bổ lao động theo vùng lãnh thổ và theo vùng địa lý kinh tế còn bất hợp lý. Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ giữa các vùng, các khu vực, ngành nghề kinh tế.
Theo báo cáo, nhìn chung, cơ cấu lại kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đi vào thực chất hơn, tạo ra các chuyển biến quan trọng và rõ nét. Tuy nhiên, cơ cấu lại nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, như: Cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường;
Mô hình tăng trưởng chưa thay đổi bền vững. Cơ cấu các nguồn lực, đặc biệt bao gồm lao động, vốn và tài nguyên, chưa được dịch chuyển mạnh đến các ngành và khu vực kinh tế có năng suất lao động và hiệu quả cao. Nền kinh tế tiếp tục có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và có nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0...