Yêu thương ở điểm trường lẻ

GD&TĐ - Nhiều điểm trường lẻ tại các trường vùng cao Nghệ An hiện chỉ còn học sinh lớp 1, 2.

Điểm bản Thăm Hín trước đây là cơ sở chính của khối tiểu học - Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) - nay cũng chỉ còn 42 em lớp 1, 2.
Điểm bản Thăm Hín trước đây là cơ sở chính của khối tiểu học - Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) - nay cũng chỉ còn 42 em lớp 1, 2.

Cách xa trung tâm, điều kiện học tập còn nhiều vất vả, nên thầy, cô giáo, nhà trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt để đảm bảo cơ hội đến trường, bù đắp thiếu hụt cho trò.

Mỗi lớp học ở điểm trường lẻ ở bản Xốp Kho của Trường Tiểu học Nga My (xã Nga My, huyện Tương Dương) chỉ có chưa đến 10 học sinh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn phải duy trì điểm lẻ này do Xốp Kho cách xa trung tâm khoảng 8 cây số, đường đi lại hết sức khó khăn, hiểm trở. Sĩ số học sinh ít, nhà trường chia thành 2 lớp, với 2 giáo viên chủ nhiệm, không triển khai lớp ghép để đảm bảo hiệu quả dạy học.

Học sinh điểm trường lẻ có nhiều thiệt thòi, thiếu thốn được thầy cô đặc biệt quan tâm, bù đắp. Đầu năm học, sách vở, đồ dùng học tập của các em được thầy cô mua tặng và dán nhãn cẩn thận, đầy đủ. Trường lớp được chăm sóc trang trí thân thiện, tạo cho các em niềm vui khi đến trường. Hàng tuần, ban giám hiệu nhà trường sẽ vào thăm và kiểm tra việc tổ chức dạy học.

Trường Tiểu học Nga My là một trong những trường nằm ở địa bàn khó khăn của huyện Tương Dương, đến nay còn 5 điểm trường lẻ. Theo thầy Hiệu trưởng Kha Văn Thông, năm học này, trường có 443 học sinh, trong đó có hơn 110 em từ lớp 3 trở lên ở các điểm trường lẻ chuyển về điểm trường chính và ở bán trú tại trường. Còn các điểm lẻ chủ yếu học sinh lớp 1 - 2, giáo viên khó khăn hơn vì phải ở lại cắm bản dạy học trong điều kiện ký túc xá, bếp ăn còn tạm bợ.

Bên cạnh đó, giáo viên các bộ môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục cũng rất vất vả vì vượt đường núi vào từng bản dạy học, trong đó có những bản cách xa trường 20 cây số. Dù vậy, điều đáng trân trọng là thầy cô của trường đều tâm huyết, trách nhiệm, thương yêu học trò, tình nguyện làm thêm giờ, đảm bảo dạy đủ 32 tiết/tuần. Qua đó bù đắp thiếu hụt cho học sinh và để các em có cơ hội được học đầy đủ Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Niềm vui sau mỗi giờ đi học về của các em học sinh Xốp Kho.

Niềm vui sau mỗi giờ đi học về của các em học sinh Xốp Kho.

Thầy Lô Văn Kháy nhà ở xã Yên Hòa (huyện Tương Dương) cách điểm trường Xốp Kho (xã Nga My) hơn 30 cây số nên thầy ở lại cắm bản, mỗi tuần chỉ về nhà 1 lần.

Thầy Lô Văn Kháy nhà ở xã Yên Hòa (huyện Tương Dương) cách điểm trường Xốp Kho (xã Nga My) hơn 30 cây số nên thầy ở lại cắm bản, mỗi tuần chỉ về nhà 1 lần.

Thầy Hiệu trưởng Kha Văn Thông (thứ 2 từ trái sang) mỗi tuần đều ghé thăm điểm lẻ để động viên thầy, cô giáo và học sinh.

Thầy Hiệu trưởng Kha Văn Thông (thứ 2 từ trái sang) mỗi tuần đều ghé thăm điểm lẻ để động viên thầy, cô giáo và học sinh.

Ông đến đón cháu tan trường tại điểm bản Thăm Hín.

Ông đến đón cháu tan trường tại điểm bản Thăm Hín.

Học sinh điểm bản Xốp Kho, Trường Tiểu học Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Học sinh điểm bản Xốp Kho, Trường Tiểu học Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Cô Lô Thị Yến học thêm tiếng Mông để phục vụ việc dạy học lớp 1.

Cô Lô Thị Yến học thêm tiếng Mông để phục vụ việc dạy học lớp 1.

Điểm trường Xốp Kho là công trình được tài trợ xây dựng cách đây 20 năm nên cơ sở vật chất đã cũ kỹ.

Điểm trường Xốp Kho là công trình được tài trợ xây dựng cách đây 20 năm nên cơ sở vật chất đã cũ kỹ.

Năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có hơn 370 học sinh tiểu học, và vẫn duy trì 2 điểm lẻ. Tại điểm bản Thăm Hín - trước đây vốn là cơ sở chính của khối tiểu học - nay chỉ còn 42 em lớp 1 và 2 theo học.

Cô Lô Thị Yến (dạy lớp 1) chia sẻ, Nậm Càn là xã biên giới, với 100% bản người Mông sinh sống. Phần lớn các em lớp 1 đều chưa nói thạo tiếng Việt, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Để dạy học, ngoài chuyên môn, cô Yến còn phải học thêm tiếng Mông để có thể hiểu và giao tiếp được với học trò. Đến nay, sau gần 1 học kỳ, học sinh của lớp cô Yến đã mạnh dạn, tự tin hơn và nói được tiếng Việt khá đầy đủ.

Thầy giáo Lâm Nguyên Ngọc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn cho biết, việc sáp nhập các điểm trường lẻ là chủ trương của ngành Giáo dục và đang được các địa phương thực hiện quyết liệt. Điều này phù hợp với mục tiêu củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú tại tiêu dự án thứ nhất, dự án 5 Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021 đến năm 2025. Nậm Càn là xã biên giới, địa bàn rộng, giao thông chưa thuận lợi, cơ sở vật chất ở trường chính chưa đảm bảo đầy đủ.

“Khu nhà ở bán trú trước đây chỉ xây dựng phục vụ cho học sinh của khối THCS. Vì vậy, nhà trường chỉ mới đưa được học sinh lớp 3, 4, 5 về trường chính, còn lại vẫn phải duy trì 2 điểm lẻ để học sinh lứa tuổi nhỏ ở vùng xa trung tâm thuận lợi đến lớp. May mắn là phụ huynh đều đã nhận thức được lợi ích việc đi học nên ủng hộ chủ trương của nhà trường” - thầy Ngọc chia sẻ.

Những năm qua, các trường tiểu học ở huyện vùng cao, dân tộc thiểu số Nghệ An tích cực xây dựng mô hình trường dân tộc bán trú. Theo đó đưa học sinh các lớp 3, 4, 5 về trường chính để thuận lợi dạy học Chương trình GDPT 2018. Đồng thời dồn ghép điểm bản lẻ nhằm tập trung đầu tư có trọng điểm cơ sở vật chất trường lớp. Chính vì vậy, quy mô của các điểm trường lẻ trên địa bàn tỉnh đang ngày càng giảm nhưng vẫn phải duy trì để bảo đảm thuận lợi cho học sinh đến lớp, duy trì ổn định sĩ số, đặc biệt là tại các bản vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.