Xóa điểm trường lẻ ở vùng đất mũi

GD&TĐ - Sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học được tỉnh Cà Mau thực hiện quyết liệt trong những năm qua.

Học sinh điểm Trường Tiểu học Tân Tiến (xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) đến trường bằng xuồng. Ảnh: V. Hữu
Học sinh điểm Trường Tiểu học Tân Tiến (xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) đến trường bằng xuồng. Ảnh: V. Hữu

Sau sắp xếp, mạng lưới trường lớp được đầu tư, tuy nhiên một số nơi xảy ra tình trạng quá tải học sinh ở điểm chính. Các trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày còn thiếu phòng học.

Rút ngắn khoảng cách giáo dục

Cà Mau là một trong những tỉnh có nhiều điểm lẻ trường học nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch nên trường học phải hình thành các điểm lẻ để việc đến trường của học sinh thuận lợi hơn.

Hiện điều kiện giao thông phát triển, nhu cầu giáo dục đòi hỏi cao hơn, cha mẹ học sinh muốn con học ở điểm trường trung tâm để thụ hưởng điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy tốt hơn. Vì vậy, ngành Giáo dục Cà Mau đã rà soát và xóa hàng loạt điểm trường lẻ; qua đó hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả về vật chất lẫn đội ngũ giáo viên.

Một trong những địa phương có nhiều điểm lẻ nhất của tỉnh Cà Mau là huyện Đầm Dơi. Thời gian qua, ngành Giáo dục huyện đã nỗ lực xoá điểm lẻ để từng bước rút ngắn khoảng cách giáo dục. Toàn huyện hiện còn 49 điểm lẻ của 30 trường tiểu học; THCS có 17 trường, không còn điểm lẻ.

Theo ông Võ Lợi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi, để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, ngành đã rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, qua đó ưu tiên phòng học đối với cấp tiểu học nhằm đảm bảo dạy 2 buổi/ngày. Đồng thời, phòng chỉ đạo các trường tiến hành rà soát, sắp xếp, điều chỉnh danh mục đầu tư để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại điểm chính; xây dựng kế hoạch đầu tư trường lớp, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện Chương trình GDPT mới theo lộ trình...

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Cà Mau, sau 3 năm triển khai Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh đã xoá 67 điểm trường lẻ, điểm học nhờ từ cấp mầm non đến phổ thông. Trong đó, xóa 43 điểm học nhờ, 1 điểm lẻ bậc học mầm non; xóa 22 điểm trường tiểu học ở các huyện, thành phố; xóa 1 điểm lẻ trường THCS.

Đối với cấp THPT, ghép 1 điểm trường THCS vào trường THPT thành trường THCS - THPT; chuyển Trường THCS Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS - THPT Nguyễn Huân, trực thuộc sở GD&ĐT.

Điểm lẻ Trường Tiểu học Đào Duy Từ (huyện U Minh, Cà Mau). Ảnh: V. Hữu.

Điểm lẻ Trường Tiểu học Đào Duy Từ (huyện U Minh, Cà Mau). Ảnh: V. Hữu.

Tránh khuôn khổ, máy móc

Trường Tiểu học Trần Văn Phán (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ. Theo lãnh đạo nhà trường, dù đã nỗ lực nhưng trường không thể xoá hết điểm lẻ vì khoảng cách về điểm chính quá xa. Như điểm lẻ Cây Trăm thuộc ấp Nhị Nguyệt vẫn duy trì, do trước đó có 2 điểm lẻ thuộc địa bàn lân cận là xã Tân Duyệt và Tân Trung đã xoá.

Theo thầy Trần Quang Khẳng - Hiệu trưởng nhà trường, để phục vụ tốt cho việc dạy và học tại các điểm lẻ, nhà trường đã xã hội hóa và trích kinh phí hoạt động của trường để sửa chữa lớp học, đảm bảo trang thiết bị.

Sắp xếp trường lớp ở Cà Mau đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn còn những khó khăn đặc thù. Một số địa phương trong tỉnh khi sắp xếp, dồn dịch điểm trường xảy ra tình trạng quá tải học sinh ở điểm chính. Các trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày còn thiếu phòng học. Một số điểm trường lẻ cách xa điểm trường chính và trường lân cận, số lượng học sinh đông, theo nhu cầu của phụ huynh học sinh nên chưa thể xóa. Nhiều điểm trường lẻ sau xoá - ghép đang trong tình trạng bỏ trống, chưa có phương án sử dụng hiệu quả...

Nhìn nhận thực tế tại địa phương, ông Võ Lợi thông tin: Giai đoạn 2021 - 2025, cấp tiểu học của huyện còn thiếu 90 phòng học. Riêng lớp 3 phải đầu tư phòng học Tin học và tiếng Anh, trong khi huyện còn quá nhiều điểm lẻ, xoá thì không được, mà đầu tư mới các phòng học càng không khả năng. Khó khăn này dẫn đến tình trạng các em học ở điểm lẻ và điểm chính có sự chênh lệch về điều kiện giáo dục.

Điểm trường chính còn gặp khó khăn trong giảng dạy và học tập thì điểm lẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn. Đó là sự khập khiễng về chất lượng giáo dục từ trước tới nay mà ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau đã thấy và nỗ lực khắc phục. Song địa phương chưa thể “xoá trắng” vì đó là nhu cầu tất yếu của học sinh và phụ huynh ở vùng khó, vùng sâu, xa.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: Sắp xếp trường lớp là vấn đề quan trọng trong công tác giáo dục của tỉnh. Dù xoá hay ghép các điểm trường, cần tư duy mở trong giáo dục, không nên khuôn khổ.

Theo đó, cùng với sắp xếp hài hoà trường lớp cần đẩy mạnh phát triển giáo dục. Từng trường học, địa phương cần thay đổi phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, nguyên tắc sắp xếp trường lớp phải nhất quán từ trên xuống, lấy sự đồng thuận của người dân để tạo nền tảng quan trọng cho ngành Giáo dục phát triển. Tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp trường lớp các cấp học phù hợp, đồng bộ, liên thông, phát huy thiết chế giáo dục; Nghiên cứu chính sách, cơ chế giáo dục, nhất là giáo dục mầm non; chính sách thu hút, hỗ trợ cho giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa…

Ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Sau 3 năm, hệ thống mạng lưới trường học trong tỉnh được quy hoạch tương đối hoàn chỉnh, phát triển hài hòa giữa các cấp học, phù hợp với cơ cấu giáo dục. Đặc biệt, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong việc chuyển trẻ từ điểm trường lẻ về học tại trường chính tạo nên hiệu ứng tích cực trong triển khai đề án.

Việc sáp nhập các trường đã thu gom đầu mối quản lý, khắc phục tình trạng nhiều cơ sở trường học, điểm trường lẻ có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn; đồng thời hạn chế tình trạng lãng phí về bộ máy biên chế, quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.