Yêu cầu quan trọng góp phần giải quyết vấn đề bức thiết trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - NGND Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ một số nội dung góp phần giải quyết bức thiết trong đổi mới giáo dục.

NGND Nguyễn Thị Hiền chia sẻ tại hội thảo “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới”.
NGND Nguyễn Thị Hiền chia sẻ tại hội thảo “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới”.

Những nội dung này được NGND Nguyễn Thị Hiền trao đổi tại hội thảo “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới” do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT tổ chức.

Phải nhận thức đúng vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo.

Theo NGND Nguyễn Thị Hiền, hiện nay, ở nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của giáo dục, vì vậy, “việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” còn chậm và lúng túng.

Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội”. Do đó, “giáo dục và đào tạo chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, thành động lực phát triển. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu”.

Cần hiểu giáo dục và đào tạo theo nghĩa rộng, bao hàm cả giáo dục văn hóa, gắn liền với phát triển văn hóa. “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”.

Theo nghĩa đó, giáo dục góp phần quan trọng vào xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng nền tảng cho phát triển văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước. Bởi lẽ, giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, và chỉ khi con người Việt Nam phát triển toàn diện thì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mới nhanh chóng trở thành hiện thực.

Muốn như vậy cần phải đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Với ý nghĩa là yếu tố hàng đầu tạo nên chất lượng nguồn nhân lực - nguồn lực quan trọng nhất trong các nguồn lực, tài nguyên quý báu nhất trong các nguồn tài nguyên, giáo dục và đào tạo chính là “chìa khóa” gia tăng sức mạnh của các quốc gia.

NGND Nguyễn Thị Hiền

Tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục

NGND Nguyễn Thị Hiền cho rằng: Đổi mới nội dung giáo dục là một phần cốt yếu trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay.

Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục và phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trên cơ sở mục tiêu đổi mới giáo dục tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng cấp học, tiếp tục chuẩn hóa và đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục các cấp học theo hướng hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành, nghề; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học, tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục.

Cùng với đó, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Thực hiện tốt hơn phân luồng học sinh sau THCS. Chế định đúng và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ đại học. Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.

son06106-1024x683-4143.jpg
NGND Nguyễn Thị Hiền và học trò.

Cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp, của cả xã hội

Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, với quan điểm “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” và có những chiến lược lớn để phát triển giáo dục.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, NGND Nguyễn Thị Hiền cho rằng, hiện nay ngành Giáo dục vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Để “giáo dục và đào tạo là động lực then chốt để phát triển đất nước”, không chỉ phụ thuộc vào ý chí, nỗ lực của ngành Giáo dục mà cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp, của cả xã hội.

Thực tiễn đã cho thấy, đối với bất kỳ quốc gia nào thì định hướng giáo dục luôn có vai trò quan trọng đối với xã hội và luôn gắn với định hướng phát triển đất nước, phát triển con người.

Tuy nhiên, cách thức thực hiện lại không hoàn toàn giống nhau và tùy thuộc vào nhiều yếu tố, từ lịch sử, văn hóa truyền thống đến chủ trương, chính sách, cơ chế, mức đầu tư cho giáo dục, đào tạo của Nhà nước, điều kiện, hoàn cảnh xã hội thực tại.

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng với thế giới, chứng kiến sự phát triển vũ bão của nền kinh tế tri thức, kinh tế số và mối quan hệ giữa kinh tế - giáo dục đang trở nên ngày càng khăng khít, có tác động, ảnh hưởng lẫn nhau một cách nhanh chóng và trực tiếp.

Kinh tế phát triển dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo ra giá trị vật chất lớn để đầu tư cho giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Giáo dục phát triển cũng tác động tích cực, trực tiếp đến kinh tế và trong bối cảnh hiện nay cung cấp nguồn nhân lực trí tuệ cho nền kinh tế là động lực nhanh nhất thúc đẩy kinh tế phát triển. "Đây là bài toán Việt Nam đang rất nỗ lực giải quyết", NGND Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Lợi thế cạnh tranh ngày nay không còn nằm chủ yếu ở tài nguyên thiên nhiên hoặc lao động giá rẻ, mà nghiêng về tiềm lực tri thức và khoa học - công nghệ, vốn là sản phẩm sáng tạo của con người. Do vậy, phải xây dựng nền giáo dục Việt Nam, phát huy cao nhất mọi năng lực, phẩm chất vốn có của con người, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và tiến dần ra thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ