Yêu cầu cấp bách

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không thể để câu chuyện tài chính cho biên soạn, thẩm định, in ấn phát hành, quy định, quy trình về thẩm định giá, đấu thầu còn là rào cản...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Đến nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước cơ bản hoàn thành công tác biên soạn và thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10; đồng thời tăng tốc biên soạn tài liệu cho các khối lớp còn lại.

Tuy vậy, số đơn vị đã hoàn tất việc in ấn và phát hành tài liệu đến học sinh vẫn còn mỏng. Tình trạng học sinh phải học bằng bản PDF diễn ra nhiều nơi, kể cả ở thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng…

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ phát hành tài liệu GDĐP, trong đó đáng chú ý là những nút thắt liên quan các quy định về tài chính. Với khâu biên soạn, thẩm định, Thông tư số 51/2019/TT-BTC đưa ra định mức chi còn thấp, chưa phù hợp với thực tế.

Một số nội dung còn thiếu, không có quy định mức chi như: Biên tập, chế bản, mua tranh ảnh, thuê vẽ lược đồ... Mức chi thấp nên các tỉnh, thành phố khó mời tác giả có trình độ chuyên môn tốt tham gia viết sách. Thậm chí, một số tác giả đang viết sách cũng xin rút lui, gây khó khăn cho các địa phương.

Liên quan đến in ấn, phát hành, câu chuyện quy trình, tiền nong còn gian nan hơn, bởi không phải tỉnh thành nào cũng sẵn sàng ngân sách, thậm chí có tiền cũng không thể in ngay và phát hành luôn.

Sở GD&ĐT TPHCM từng đưa ra phương án đấu thầu công khai lựa chọn NXB in ấn toàn bộ tài liệu GDĐP cấp tiểu học và phát hành miễn phí làm tài liệu tham khảo cho học sinh các cấp học công lập và ngoài công lập từ ngân sách chi thường xuyên của thành phố. Nhưng với tổng dự toán kinh phí trên 37 tỷ đồng, khó khả thi nếu phải bố trí ngân sách, quy trình thẩm định, đấu thầu cũng nhiêu khê, vì thế địa phương này nghiêng về phương án ủy quyền tài liệu đã được phê duyệt cho một nhà xuất bản tổ chức in ấn và phát hành với đơn giá thấp nhất.

Mới đây, chia sẻ tại buổi giám sát chuyên đề của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK mới trên địa bàn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, việc in ấn và phát hành tài liệu GDĐP đối diện nhiều trở ngại. Toàn bộ kinh phí do ngân sách thành phố chi trả hay thành phố chi trả kinh phí làm giáo trình, còn in ấn, phát hành thực hiện theo hình thức xã hội hóa 100%... là những phương án đang được đặt ra.

Trong khi đó, một số địa phương nỗ lực phối hợp với nhà xuất bản in ấn phát hành được tài liệu, không phải 100% sách đến được tay người học, do tài liệu này có số lượng phát hành thấp hơn nhiều so với sách giáo khoa nên giá bán cao hơn. Việc phát hành diễn ra khi gần hết học kỳ I nên học sinh, phụ huynh không mặn mà mua sách…

Với mục tiêu cung cấp cho học sinh kiến thức hữu ích về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, vai trò, vị thế của nội dung GDĐP được đề cao ở Chương trình GDPT 2018. Để bảo đảm việc dạy học, ở nơi chưa có bản in tài liệu GDĐP, các nhà trường, giáo viên và học sinh dạy học dựa vào bản PDF, photo.

Một số nơi chưa có tài liệu chính thức được phê duyệt thì linh hoạt dạy học theo chuyên đề, hoạt động giáo dục. Nỗ lực của giáo viên, nhà trường là đáng ghi nhận nhưng chỉ giải quyết được tình thế, về lâu dài thì không ổn, bởi vấn đề bản quyền, kinh phí, cũng như hiệu quả dạy học không bảo đảm.

Nếu câu chuyện tài chính cho biên soạn, thẩm định, in ấn phát hành, quy định, quy trình về thẩm định giá, đấu thầu vẫn còn là rào cản thì việc ban hành tài liệu GDĐP tiếp tục còn chậm trễ trong những năm học tới, với các khối lớp tiếp theo. Học sinh sẽ thiệt thòi vì tạm dừng học, học chay đến hết học kỳ I mới có tài liệu, hoặc phải học trên file PDF hay bản photo trắng đen...

Vì thế, sớm tháo gỡ khó khăn về nguồn tài chính, thẩm định giá, đấu thầu; địa phương và các ban ngành phải vào cuộc rốt ráo hơn là yêu cầu cấp bách, để nhà trường thuận lợi trong dạy học, học sinh được thụ hưởng trọn vẹn tinh thần, giá trị của chương trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ