Đầu tiên, phải khẳng định, nhiều hoạt động giáo dục thuộc trách nhiệm của nhà trường hoặc nếu cần là sự phối hợp của gia đình chứ không phải “lạm dụng” bản cam kết.
Lạm dụng?
Gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin về việc một số trường học trên địa bàn TP Hà Nội, yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10. Chị Nguyễn Minh Khanh – tổ 13, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) – bức xúc: Hiện tượng này không phải là mới, càng không phải là lần đầu tiên xảy ra. Năm trước, vào thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều phụ huynh khiếu nại việc giáo viên vận động để những em có học lực từ trung bình trở xuống không dự thi vào lớp 10.
GS.TS Phạm Tất Dong – Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực – nhìn nhận, phân luồng, hướng nghiệp không đồng nghĩa với việc khuyên học sinh không đi học hoặc không học lên bậc cao hơn. Hướng nghiệp là việc định hướng để học sinh hiểu được các lĩnh vực nghề nghiệp sẽ phát triển.
Trên cơ sở đó, các em lựa chọn nghề cho phù hợp. Còn phân luồng là sẽ có nhiều “ngã rẽ” để các em có thể lựa chọn. Vì thế, cách thức mà một số trường đã làm (như báo chí phản ánh) là không đúng. Theo đó, các trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.
Nhấn mạnh, chủ trương phân luồng, hướng nghiệp từ bậc THCS là đúng, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - đồng thời quả quyết, đi kèm với đó phải có cách làm chuẩn thì mới phát huy hiệu quả và mang lại giá trị đích thực. Nếu thực sự có việc vận động phụ huynh ký cam kết không cho con em mình thi vào lớp 10 các trường THPT công lập là không thể chấp nhận được, vì đi học và thi vào THPT là quyền của các em.
“Các trường phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, cơ quan quản lý giáo dục phải kiên quyết chấn chỉnh việc các trường lạm dụng yêu cầu phụ huynh ký bản cam kết. Đặc biệt, cần quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học này và các năm tiếp theo (nếu có)” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, dường như một số cơ sở giáo dục đang “đá bóng” trách nhiệm sang phụ huynh. Bởi thực tế, nhiều hoạt động giáo dục thuộc trách nhiệm của nhà trường. Thay vì kêu gọi sự phối hợp của gia đình, nhiều trường đã “lạm dụng” yêu cầu phụ huynh ký bản cam kết.
Cần kiên quyết chấn chỉnh
Từng có trường ở Hà Nội tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh với mức phí 1 triệu đồng/em. Tuy nhiên, trường này yêu cầu phụ huynh phải ký vào bản cam kết “Miễn trừ trách nhiệm” khiến nhiều phụ huynh bức xúc, song cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Hay như mới đây, khi Hà Nội thông báo sẽ đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài phải học online. Sẽ không có gì phải bàn nếu “các em đến hạn là đi”, nhưng trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh “Bản cam kết cho học sinh trở lại trường học của cha mẹ/ người giám hộ học sinh” mà một số trường đã yêu cầu phụ huynh phải ký trước khi cho con đến trường học trực tiếp.
GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh, trường học là cơ quan được Nhà nước phân công để giáo dục học sinh. Vì thế, trường học phải có trách nhiệm bảo đảm cho học sinh được đến trường chứ không thể yêu cầu phụ huynh phải đảm bảo cho con em đến trường bằng việc ký bản cam kết. Đó là cách làm ngược. Đến trường học tập là quyền của học sinh chứ không phải phụ huynh phải ký cam kết thì các em mới được hưởng quyền lợi đó.
“Giáo dục như vườn hoa. Đừng biến vườn hoa đó trở thành thương mại hóa. Và càng không nên coi giáo dục là thị trường để làm giàu hay phát triển kinh tế. Điều đó là không thể chấp nhận được” - GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhìn nhận, việc các trường yêu cầu phụ huynh ký các bản cam kết ở nhiều nội dung, hoạt động giáo dục: Từ việc tổ chức dạy thêm, học thêm, các khoản đóng góp hay các hoạt động ngoại khóa… cho thấy, tinh thần thiếu trách nhiệm; thậm chí là có dấu hiệu lạm dụng việc này để trốn tránh trách nhiệm.
“Giả sử, nếu có đoàn kiểm tra thì các trường sẽ trưng bày hồ sơ hợp lệ, kèm theo lời giải thích: Đó là phụ huynh hoàn toàn tự nguyện, hoặc nhà trường không muốn làm nhưng phụ huynh tự nguyện và ký cam kết đề nghị nhà trường triển khai thực hiện…”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ viện dẫn.
Theo nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đã đến lúc Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT phải sát sao vào cuộc, kiên quyết chấn chỉnh việc các trường lạm dụng hình thức ký bản cam kết với phụ huynh. Trước mắt, cần hướng dẫn công khai, minh bạch những việc gì thì phụ huynh mới phải ký cam kết và những hoạt động giáo dục nào thuộc về trách nhiệm của nhà trường. Tránh tình trạng “núp bóng” bản cam kết cho phụ huynh ký để làm những việc không phù hợp.