Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Sở GD&ĐT và 9 điểm cầu huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT chủ trì tại điểm cầu Tp Yên Bái.
Xuất phát từ mục đích thúc đẩy các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý và giáo viên phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đảm bảo chất lượng giáo dục, góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường, sau 2 năm thực hiện, nhận thức của, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về nâng cao.
Chất lượng giáo dục được nâng lên, hình thành các quan điểm: Giáo dục lấy trẻ, người học làm trung tâm, dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học, vì sự tiến bộ của người học... Công tác quản lý và chỉ đạo của Sở và các phòng GD&ĐT dần đi vào chiều sâu, trên cơ sở áp dụng hài hoà giữa khoa học quản lý và thực tiễn.
Các cấp quản lý giáo dục đã ý thức rõ tầm quan trọng của công tác tham mưu và nhất là công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục, đặc biệt mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong 2 năm học gần đây, có 1317 lượt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; tăng 24 học sinh tương đương 2,4% so với tổng số học sinh giỏi của 2 năm học trước; tỷ lệ học sinh bỏ học cấp THCS, THPT giảm, không có học sinh tiểu học bỏ học, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên.
Kết quả này thể hiện hiệu quả của công tác cam kết, nghiệm thu chất lượng giáo dục bên cạnh sự tích cực, cố gắng rất lớn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong học tập, rèn luyện của các em học sinh ở tất cả các cấp học.
Tuy nhiên sau 2 năm thực hiện, công tác nghiệm thu, cam kết chất lượng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Chất lượng giáo dục tuy có chuyển biến nhưng so với chất lượng trung bình của toàn quốc còn thấp, nhất là chất lượng các môn thi tốt nghiệp THPT.
Để khắc phục tồn tại này, tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề: Đánh giá một cách khách quan các kết quả đạt được, nhìn thẳng vào những hạn chế hạn chế, yếu kém về công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT; năng lực chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các nhà trường;
Đánh giá tình hình triển khai thực hiện nghiệm thu, bàn giao, cam kết chất lượng tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nêu rõ những cách làm sáng tạo, đổi mới, hiệu quả của địa phương, nhà trường.
Các ý kiến cũng thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác nghiệm thu, bàn giao, cam kết chất lượng giáo dục; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả của đơn vị. Đặc biệt tập trung bàn sâu về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, hiệu quả, nổi bật trong thực hiện những chỉ tiêu, nhiệm vụ đã cam kết.