Yasmeen Ghauri: Phụ nữ gốc Á đầu tiên trong ngành thời trang Mỹ

GD&TĐ - Rất lâu trước khi chị em nhà Gigi và Bella Hadid chinh phục kinh đô thời trang Paris (Pháp) và Milan (Ý), trên bầu trời thời trang thế giới đã tỏa sáng một ngôi sao khác đến từ phương Đông.

Siêu mẫu Yasmeen Ghauri.
Siêu mẫu Yasmeen Ghauri.

Yasmeen Ghauri - siêu mẫu ở thập niên 90 của thế kỷ trước - trở thành một trong những phụ nữ gốc Á đầu tiên trong ngành thời trang Mỹ. 

Cuộc cách mạng trên sàn catwalk

Yasmeen Ghauri ra đời tại thành phố Montreal, Canada, trong gia đình có bố người Pakistan và mẹ người Đức. Là một chức sắc Hồi giáo, bố cô nuôi dạy con gái theo truyền thống giáo lý nghiêm khắc. Năm Yasmeen mười hai tuổi, gia đình đã hành hương đến thánh địa Mecca.

Ở Canada, vào những năm đó, rất hiếm người theo đạo Hồi, nên các bạn cùng lớp thường giễu cợt Yasmeen – phần vì ngoại hình khiến cô nổi bật trên cái nền chung, phần vì niềm tin tôn giáo của cô. Nhưng chỉ vài năm sau, chính cái ngoại hình khác thường ấy đã làm rạng danh cô trên toàn thế giới, còn tôn giáo... đã không ngăn cản cô trở thành người mẫu của Victoria’s Secret (thương hiệu nội y nổi tiếng).

Năm 17 tuổi, Yasmeen Ghauri vào làm việc tại một nhà hàng McDonald’s địa phương, nơi cô được Edward Zaccaria, nhà tạo mẫu kiêm Giám đốc nghệ thuật của Công ty người mẫu Platine Coiffure để ý. Ông mời Yasmeen thử làm người mẫu. Tất nhiên, gia đình cô nhất quyết phản đối. Lẽ nào một cô gái Hồi giáo lại có thể làm những điều như vậy, ăn mặc nửa kín nửa hở đi lại trên sàn catwalk...?

Sự xuất hiện của Yasmeen Ghauri, cô gái Canada gốc Pakistan trên sàn catwalk là một cuộc cách mạng thực sự. Trước cô, chỉ những người mẫu có ngoại hình Bắc Âu - tóc vàng, da trắng, với gương mặt mang những nét cổ điển, mới biểu diễn thời trang. Ghauri lại trở nên nổi bật trên cái nền chung – có điều bây giờ không những không ai giễu cợt, mà còn khen ngợi cô. Cô thật xinh đẹp, khác biệt, không giống bất kỳ ai trên thế giới.

“Người phụ nữ định mệnh”

Năm 1990, Yasmeen chuyển đến New York (dường như cô chạy trốn khỏi gia đình hà khắc của mình). Báo chí địa phương khen ngợi cô có làn da màu “cà phê”, bước đi “uyển chuyển”, ánh mắt “ấn tượng”... tất cả những đặc điểm đó giờ đây đã trở thành lợi thế của cô.

Cô gái người Pakistan, nhân viên của một tiệm ăn nhanh, đã trở thành biểu tượng thời trang thực sự với tốc độ chóng mặt. Các hãng thời trang hàng đầu - Givenchy, Hermès, Chanel, Versace... đua nhau mời cô chụp ảnh trong các chiến dịch quảng cáo và tham gia các show diễn. Đôi mắt mượt như nhung của cô nghiêm nghị nhìn khán giả từ các trang bìa của tạp chí Vogue và Elle ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Stephen Mezial người Ý thực hiện.

Còn Patrick Demarchelier, nhiếp ảnh gia thời trang trứ danh của Pháp, từng thừa nhận, không còn muốn làm việc với ai khác ngoài Yasmeen Ghauri.

Tuy nhiên, khó có thể gọi Yasmeen là “đối tượng” một cách nghiêm túc, vì tất cả những người nhìn thấy cô đều cảm nhận được sức mạnh nội tâm và một tinh thần mạnh mẽ của cô.

Vào những năm đầu tiên trong sự nghiệp người mẫu của mình, Yasmeen Ghauri đã xuất hiện trong các catalog của thương hiệu huyền thoại Victoria’s Secret trong bộ đồ bơi tối giản, và điều này càng mang lại cho cô thành công lớn hơn. Không biết Ghauri trải qua những cảm giác gì, khi cô làm cái điều mà nhiều năm liền cả đức tin lẫn gia đình đều ngăn cấm. Cô chưa bao giờ phát biểu về quan điểm hay cảm xúc của mình, cô không dính vào một vụ scandal nào mà đỉnh cao vinh quang thực sự vẫn còn phía trước.

Sở hữu chiều cao suýt soát 1m80, vẻ mặt nghiêm nghị và cái nhìn uy lực, Yasmeen Ghauri là hình mẫu của phụ nữ thập niên 90, một kiểu phụ nữ mới - mạnh mẽ, can đảm, biết mình muốn gì. Các nhà thiết kế và nhiếp ảnh gia đã tích cực khai thác hình ảnh “người phụ nữ định mệnh” của Yasmeen, khi cô khoác bộ đồ da đen, áo nịt ngực khiêu khích và những chiếc váy đỏ rực tối giản.

Chính vì vậy mà nhà thiết kế thời trang cao cấp của Ý Gianni Versace đã chọn cô tham gia show diễn “Bondage” tai tiếng, gây ra làn sóng chỉ trích vì sự gợi cảm thái quá. Mặc dù, phụ nữ từ lâu đã trở thành đối tượng khêu gợi trên sàn catwalk và ảnh thời trang, bộ sưu tập này đã khiến thế giới thời trang có cái nhìn khác về sự gợi cảm của phụ nữ.

Ở đây, những người mẫu không giống như những đối tượng an phận hấp dẫn nam giới, mà như những cá tính, có ý chí mạnh mẽ, đam mê, năng động. Buổi trình diễn này có thể đã hủy hoại nhà thiết kế thời trang Versace và phủ bóng đen lên những người tham gia. Nhưng thực ra, nó đã đánh dấu một bước ngoặt trong cá tính của người phụ nữ trên sàn diễn thời trang đỉnh cao.

Hôn nhân và cuộc sống bình lặng

Yasmeen Ghauri kết thúc sự nghiệp người mẫu của mình ở tuổi 36, “thâm niên nghề” dài so với nhiều đồng nghiệp. Cô quyết định rời sàn catwalk trước khi mình không còn được hâm mộ nữa, để lưu lại trong lịch sử như một siêu mẫu phương Đông xinh đẹp với ánh mắt săn mồi và đôi môi hơi cong đầy khinh mạn. Thực ra, đối với Yasmeen, nghề người mẫu không phải là quá thú vị.

Người ta biết không nhiều về số phận của cô sau đó. Vào giai đoạn mà các siêu mẫu của những năm trước đang quay trở lại sàn catwalk, trong tư cách những người mẫu “cao tuổi”, Yasmeen vẫn giữ im lặng. Ngay sau khi “nghỉ hưu”, cô hoàn toàn cắt đứt mọi liên lạc với giới báo chí, tạo cho mình lối sống ẩn dật. Tuy nhiên, giới truyền thông phát hiện cô đã kết hôn với luật sư Ralph Bernstein và trở thành mẹ của hai cô con gái xinh đẹp. Ngoài ra,

Yasmeen còn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Cựu “Nữ hoàng có làn da cà phê và dáng đi uyển chuyển” rất quan tâm đến lĩnh vực kinh tế và luật. Nhưng điều chủ yếu là cô cảm thấy hạnh phúc khi được sống cuộc đời bình lặng do mình tạo ra.

Nhưng câu chuyện về siêu mẫu Yasmeen chưa kết thúc ở đây. Trong bộ truyện tranh siêu nhân về Jonathan Steele của Ý có một nhân vật tên Yasmeen, là một nữ phù thủy quyền năng và là một cựu người mẫu sinh ra ở Montreal, trong gia đình có bố là người Pakistan và mẹ người Đức. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tác giả đã lấy cảm hứng từ hình tượng Yasmeen, và vẫn giữ nguyên ngay cả tên của nữ nhân vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều bố mẹ dạy con rằng “Là con trai phải mạnh mẽ”, nhưng dường như câu nói đó vô tình khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Ảnh minh họa: INT.

Con trai không được khóc?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ đau đầu khi thấy con tuy đã lớn, đặc biệt là con trai, nhưng vẫn thường xuyên khóc nhè.

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.