Ý nghĩa những tiết học phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực học đường

GD&TĐ - Phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường là nội dung đang được các nhà trường ở Thanh Hoá đặc biệt quan tâm.

Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường tại Trường THCS Thiệu Khánh (Ảnh: Trường THCS Thiệu Khánh).
Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường tại Trường THCS Thiệu Khánh (Ảnh: Trường THCS Thiệu Khánh).

Giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục là nhiệm vụ quan trọng

Trước đây, phòng chống xâm hại tình dục là một vấn đề được coi là khá nhạy cảm, và hầu như chưa được đề cập đến trong chương trình của các Trường Tiểu học. Điều này khiến các em học sinh bị thiếu hụt kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự bảo vệ mình trong các trường hợp bị xâm hại tình dục.

Những năm gần đây, các trường học tại Thanh Hoá không chỉ giảng dạy kiến thức mà còn là nơi trang bị cho học sinh những kỹ năng sống, trong đó có nội dung về phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Ngoan, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Thanh Hoá), hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt là điều vô cùng quan trọng đối với học sinh bởi nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các em sau này.

Vì thế, những tiết học về phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường đã góp phần giúp học sinh hình thành những hành vi, thói quen lành mạnh, thái độ tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong sinh hoạt, học tập, rèn luyện, biết ứng phó trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, góp phần định hướng, trang bị cho các em học sinh kỹ năng cần thiết để chủ động giải quyết các vấn đề của bản thân cũng như xử lý các tình huống đa dạng trong đời sống gia đình, nhà trường và xã hội.

Tại trường THCS Quang Trung (TP Thanh Hoá), năm nào vào đầu năm học, nhà trường cũng tổ chức một buổi ngoại khoá phối hợp với Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản của tỉnh để tuyên truyền, giáo dục các em kiến thức về giới tính và kỹ năng tự bảo vệ mình.

Tại buổi toạ đàm, học sinh sẽ được trả lời các câu hỏi xung quanh vấn đề phòng chống xâm hại tình dục.

Theo lãnh đạo nhà trường, việc giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài buổi ngoại khoá nhà trường tổ chức vào đầu năm học, thì còn tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt dưới cờ; giáo viên cũng sẽ có trách nhiệm giáo dục học sinh lồng ghép vào các môn như Giáo dục công dân, Ngữ Văn; các buổi sinh hoạt lớp…

Xây dựng tổ tư vấn tâm lý học đường

Tại trường THCS Thiệu Khánh (TP Thanh Hoá), nhà trường xây dựng tổ tư vấn tâm lý học đường.

“Tổ tư vấn gồm 5 thành viên, có nhiệm vụ theo dõi, lắng nghe những phản ánh của học sinh, phụ huynh. Từ đó, đưa ra những lời khuyên bổ ích, cách xử lý tình huống văn minh, phù hợp với độ tuổi, môi trường học đường”, cô giáo Đỗ Việt Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Khánh, chia sẻ.

Bà Hà cho biết, ở độ tuổi 11-15, hầu hết học sinh có sự thay đổi về tâm, sinh lý, phát sinh nhiều vấn đề về mặt hành vi. Đặc biệt, trong thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, các em được tiếp cận sớm với công nghệ, nền tảng số, giúp phát triển các kỹ năng công nghệ, mang lại nhiều cơ hội học tập, giao tiếp.

Tuy nhiên, trên nền tảng số cũng xuất hiện không ít những nguy cơ tiềm ẩn xâm hại tình dục trẻ em. “Hậu quả của việc bị xâm hại tình dục và bạo lực học đường là rất lớn. Trẻ bị xâm hại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng", cô Hà chia sẻ.

05958103224a9c14c55b.jpg
Nhà trường tổ chức ngoại khoá giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Tháng 3 năm ngoái, Trường THCS Thiệu Khánh cũng đã phối hợp với Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý về phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường cho gần 700 học sinh, giáo viên.

“Qua chương trình, học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường được trang bị kiến thức, kỹ năng để phòng, chống bạo lực, kỹ năng tự bảo vệ mình khi có nguy cơ bị xâm hại. Từ đó nâng cao nhận thức, kiến thức và thay đổi hành vi của học sinh theo hướng tích cực, tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh”, Hiệu phó Trường THCS Thiệu Khánh cho biết.

Phòng GD&ĐT TP Thanh Hoá đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục kỹ năng an toàn, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Hiện nay, tại TP Thanh Hoá, 100% các trường đã triển khai lồng ghép vào các môn học như: Ngữ văn, Giáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm... Tổ chức tuyên truyền thông qua các chương trình văn nghệ, các hoạt động ngoại khóa, trên zalo, fangage, web. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngành GD&ĐT đã tăng cường phối hợp với công an, các hội đoàn thể, các trung tâm tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục đạo đức lối sống, phòng chống cháy nổ, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh... với mục tiêu hướng đến xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ