Ý nghĩa của năm mới

GD&TĐ - Không chỉ là dịp để nghỉ ngơi, hòa mình vào không khí đầm ấm của năm mới, trẻ còn cần hiểu rõ ý nghĩa của thời điểm đặc biệt này.

Trẻ cần hiểu rõ ý nghĩa của năm mới.
Trẻ cần hiểu rõ ý nghĩa của năm mới.

Không chỉ là dịp để nghỉ ngơi, hòa mình vào không khí đầm ấm của năm mới, trẻ còn cần hiểu rõ ý nghĩa của thời điểm đặc biệt này. Qua đó, trẻ sẽ biết trân trọng hơn khoảnh khắc chuyển giao giữa năm mới và cũ.

Đối với nhiều gia đình, năm mới chỉ có những bữa tiệc, thức đến nửa đêm và xem pháo hoa. Mặc dù đây đều là những khía cạnh quan trọng, nhưng không hoàn toàn là đủ.

Giống như hầu hết các ngày lễ, thường có những đặc điểm lịch sử, khoa học và tâm linh vượt xa những điều mà chúng ta thường thấy nhất. Trẻ em có thể không thực sự hiểu ý nghĩa đằng sau năm mới, tuy nhiên, thật dễ dàng để cha mẹ dạy con mình về điều đó.

Bà Maria Adcock - người sáng lập BiculturalMama.com, một trang web về văn hóa, nuôi dạy con, ẩm thực và du lịch đã chia sẻ một số mẹo giúp trẻ có góc nhìn khác về năm mới ngoài hoa, pháo hoa và lễ kỷ niệm nửa đêm.

Khía cạnh thời gian

Để dạy trẻ ý nghĩa của năm mới, cha mẹ cần giúp con hiểu các khía cạnh vật chất của một năm mới bằng cách cho chúng xem lịch. Sau đó, hãy giải thích cho trẻ về 12 tháng trong năm. Một năm sẽ bắt đầu vào tháng Giêng và chuyển tiếp cho đến cuối năm. Đồng thời, phụ huynh nên chỉ ra những ngày lễ và sinh nhật trong quá trình xem lịch. Từ đó, để trẻ có thể liên tưởng đến thứ tự thời gian diễn ra.

Nhìn lại một năm đã qua

Cuối năm là thời điểm tốt để nhìn lại một năm đã qua. Hãy bắt đầu truyền thống bằng việc khuyến khích trẻ viết nhật ký nêu bật những thăng trầm trong 12 tháng qua. Nếu trẻ còn quá nhỏ để viết, cha mẹ có thể khuyến khích con lựa chọn viết “nhật ký bằng lời nói”. Đồng thời, cha mẹ có thể thảo luận về năm học với con.

Khía cạnh khoa học

Một năm không phải là ý tưởng do con người tạo ra. Thực tế, khoa học nằm đằng sau sự hình thành của một năm. Phụ huynh hãy giải thích cho trẻ rằng, quá trình quay của Trái đất quanh Mặt trời mất 365 ngày hay trọn một năm. Nếu trẻ có một mô hình Hệ Mặt trời trong phòng của mình, thì đó là một cách dễ dàng để chỉ ra cách thức hoạt động của quỹ đạo. Trẻ cũng có thể xem sách về Trái đất và Hệ Mặt trời.

Đặt ra mục tiêu

Các quyết tâm trong năm mới rất phổ biến. Vì lý do chính đáng, đó là một phần tượng trưng về thời gian để đặt ra và bắt đầu các mục tiêu. Trẻ em có thể viết ra các quyết tâm của mình hoặc đơn giản là diễn đạt chúng bằng lời nói nếu bé chưa thể viết được. Tốt hơn nữa, hãy đặt ra ngày ước tính về thời điểm trẻ muốn hoàn thành từng mục tiêu.

Khía cạnh đa văn hóa

Phụ huynh cần giúp trẻ hiểu rằng, khái niệm năm mới có thể không giống ở các nền văn hóa khác nhau. Một số nền văn hóa không sử dụng lịch Gregorian. Ví dụ, người Trung Quốc sử dụng lịch âm với chu kỳ 12 năm. Trong đó, mỗi chu kỳ được tượng trưng bằng một con vật.

Ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán thường rơi vào khoảng giữa tháng 1 đến giữa tháng 2. Hãy để trẻ biết rằng, không có lịch nào đúng hay sai. Thay vào đó, trẻ cần hiểu rằng, chỉ có những điều khác nhau. Phụ huynh có thể thử áp dụng những lời khuyên này để dạy cho trẻ em ý nghĩa của Năm Mới. Sau đó, cùng nhau vui vẻ ăn mừng năm mới theo những cách truyền thống.

Tôn trọng sự đa dạng trong ngày lễ

Mỗi nền văn hóa có cách chào năm mới khác nhau. Trong quá trình lớn lên, trẻ có thể gặp những người bạn đến từ nền văn hóa, quốc gia khác nhau. Đây đều là những cơ hội tuyệt vời để cha mẹ và con tìm hiểu cũng như đánh giá cao tất cả những điểm tương đồng và khác biệt.

Điều này bao gồm mọi thứ, từ tín ngưỡng đến văn hóa và lễ hội. Lễ hội là một cách để các tôn giáo và văn hóa trên khắp thế giới thể hiện bản sắc. Một số lễ kỷ niệm kể lại lịch sử và ghi nhớ các sự kiện trong quá khứ. Trong khi đó, những quốc gia khác kỷ niệm sự xuất hiện hàng năm của các nhân vật hoặc sự kiện quan trọng.

Theo các chuyên gia, việc dạy trẻ tôn trọng và đánh giá cao nhiều lễ hội khác nhau là điều vô cùng quan trọng. Bằng cách đó, trẻ sẽ hiểu rõ hơn về các giá trị nhân văn phổ quát được chia sẻ bởi tất cả nền văn hóa và tôn giáo. Đồng thời, tôn trọng sự khác biệt và tính độc đáo của mỗi nền văn hóa.

Nên tôn trọng tất cả các lễ hội

Tôn trọng là một đức tính quan trọng mà một đứa trẻ cần có. Một đứa trẻ nên học về sự tôn trọng ngay từ khi còn nhỏ, cho dù đó là đối với một cá nhân hay nhóm người nói chung. Tôn trọng các nền văn hóa khác nhau có thể giúp trẻ mở rộng tầm nhìn và chấp nhận sự khác biệt.

Một số lợi ích mà trẻ em có được từ việc học cách tôn trọng các lễ kỷ niệm văn hóa và tôn giáo khác nhau bao gồm:

Khoan dung: Xung đột là điều không thể tránh khỏi trong mọi giai đoạn của cuộc sống. Một số người có thể cực kỳ nhạy cảm, đặc biệt khi có sự khác biệt về ý tưởng và niềm tin. Việc dạy trẻ về sự tôn trọng sẽ giúp chúng truyền đạt ý tưởng và niềm tin của mình một cách tôn trọng. Từ đó, giúp giảm xung đột. Điều này cũng sẽ khuyến khích trẻ nhìn mọi thứ từ quan điểm của người khác.

Kỹ năng lắng nghe: Lắng nghe là một kỹ năng cần thiết để có một cuộc trò chuyện tốt. Phụ huynh hãy chỉ cho con mình cách chăm chú lắng nghe, không ngắt lời và thay phiên nhau. Từ đó, giúp trẻ tương tác tốt hơn khi trò chuyện với người khác.

Tư duy cởi mở: Cha mẹ cần dạy con rằng, sự tôn trọng sẽ giúp trẻ dễ chấp nhận người khác và các tình huống xa lạ hơn. Đồng thời, trẻ cũng sẽ dễ chấp nhận điều trái ngược với những gì chúng tin tưởng. Hành vi này có thể giúp phát triển kỹ năng con người của trẻ và cho chúng thấy giá trị của việc chấp nhận con người thật của mọi người.

Cách cư xử tốt: Việc dạy cách cư xử tốt cho trẻ không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi con còn rất nhỏ. Tuy nhiên, việc cha mẹ dạy con sự tôn trọng có thể giúp trẻ học cách cư xử tốt như nói “làm ơn” và “cảm ơn”. Điều này sẽ dạy cho trẻ rằng, những mối quan hệ tốt đẹp được xây dựng dựa trên sự cho và nhận, ngay cả với những người khác biệt với con.

Phụ huynh nên dạy trẻ tôn trọng các lễ hội từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Phụ huynh nên dạy trẻ tôn trọng các lễ hội từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Thảo luận về sự đa dạng của lễ hội

Cha mẹ hãy bắt đầu cuộc trò chuyện khi trẻ nhận thấy sự đa dạng xung quanh chúng. Điều đó có thể được kích hoạt bởi các chương trình Giáng sinh trên tivi, hay khi trẻ nhìn thấy đồ trang trí Deepavali trong trung tâm thương mại, hoặc thậm chí là một người hàng xóm đang tặng hoa quả vào dịp Tết Nguyên đán.

Phụ huynh hãy tận dụng tối đa cơ hội để giáo dục con. Cha mẹ cũng có thể tiếp cận mọi người trong các cộng đồng khác nhau. Từ đó, giúp bản thân và con mình hiểu rõ hơn bằng cách đặt câu hỏi về tập quán và di sản của những cộng đồng khác.

Phụ huynh cũng có thể đánh dấu các ngày trên lịch của mình để biến việc tiến hành nghiên cứu về thực phẩm, các hoạt động đặc biệt hoặc thậm chí là âm nhạc trở thành truyền thống hằng năm.

Cha mẹ cần giải thích cho trẻ về 12 tháng trong năm.

Cha mẹ cần giải thích cho trẻ về 12 tháng trong năm.

Khuyến khích sự đa dạng

Hãy toàn diện hơn trong việc lựa chọn các hoạt động cho con mình. Cho phép trẻ có cơ hội tương tác với những bạn bè đến từ những nền văn hóa đa dạng hơn. Ví dụ, phụ huynh hãy cân nhắc việc tìm kiếm bên ngoài khu vực lân cận của mình để tìm các hoạt động ngoại khóa và lớp học có số lượng học sinh đa dạng. Điều này sẽ giúp trẻ tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Đồng thời, cho phép trẻ khám phá những kiểu bạn bè khác nhau mà chúng có thể kết nối.

Giáo dục về sự đồng cảm và nhạy cảm

Cha mẹ phải luôn là tấm gương tốt cho con và dẫn dắt bằng hành vi tốt. Khi phụ huynh thể hiện sự cởi mở và đồng cảm với người khác, trẻ cũng sẽ học cách làm như vậy. Do đó, cha mẹ hãy cho phép con mình đặt câu hỏi và sử dụng điều đó như một cơ hội để học về sự khác biệt giữa các sắc tộc và tôn giáo.

Loại bỏ thành kiến cá nhân

Điều này sẽ giúp các phụ huynh có cơ hội loại bỏ thành kiến của chính mình trước khi có thể dạy trẻ. Bất kỳ quan niệm, định kiến nào cũng có thể được thay thế, đặc biệt là bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào. Điều này có thể hỗ trợ trong việc thúc đẩy sự chung sống hòa bình hơn giữa tất cả mọi người.

Sự tôn trọng giúp trẻ trở thành người tốt hơn

Suy cho cùng, lý do chính mà phụ huynh muốn giúp con mình học cách tôn trọng là để trẻ phát triển thành những công dân tốt của xã hội. Điều này có thể được thực hiện thông qua mối quan hệ tốt với người khác, giảm thiểu xung đột tiềm ẩn và tạo ra quan điểm tích cực hơn về người khác. Chắc chắn, phụ huynh sẽ không muốn mình vô tình nuôi dạy nên những đứa trẻ bị phân biệt chủng tộc.

Theo Alldonemonkey; Story.motherhood

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ