Đằng sau những hành vi sai trái
Còn nhớ lúc nhỏ, bà tôi kể, mỗi dịp Hiến chương nhà giáo, nhà bà thường rất đông học sinh đến chơi thăm với những món quà nhỏ nhưng được chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Quà của học sinh lúc ấy thuần túy mang giá trị tinh thần và thể hiện sự biết ơn. Ví dụ như thước vải gói khéo trong hộp nhỏ, lạng chè mạn đặc biệt được người thân chọn mua thật kỹ, cuốn sổ tay… hoặc bó hoa nhỏ cắt ngay ở vườn nhà, cân cam, quả bưởi… Chỉ thế thôi, nhưng ấm áp tình nghĩa, cả người trao lẫn người nhận đều rất phấn khởi, hân hoan.
Ngày nay, không ít thầy cô phàn nàn rằng không dễ để dạy bảo học sinh. Kể cả khi học sinh hư, không chịu học tập, vi phạm kỷ luật thì thầy cô cũng rất bối rối trong phương pháp giáo dục. Bởi vì bất cứ sự trách mắng hay hình phạt nào cũng có thể bị học sinh hoặc gia đình các em phản ứng.
Dân gian ta có câu “Không thầy đố mày làm nên”, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, là nét đẹp của văn hóa dân tộc. Dù xã hội có phát triển thế nào thì truyền thống tốt đẹp này vẫn cần được gìn giữ. Khi từ nhỏ học sinh biết tôn trọng người thầy, chịu khép mình vào kỷ luật của trường học thì lớn lên mới thực sự tôn trọng tập thể, sống và làm việc có kỷ luật, kỷ cương, có trách nhiệm với cộng đồng.
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng, trong các kỹ năng cần dạy con trẻ thì cha mẹ nên giáo dục con truyền thống “tôn sự trọng đạo”. Ngay từ nhỏ, những việc làm tưởng chừng rất bé lại ảnh hưởng tới nhân cách của trẻ sau này như kính trọng, lễ phép, chào hỏi thầy cô, quý mến bạn bè… và đặc biệt là không được phép có những hành vi bạo lực với thầy cô của mình.
Thế nhưng, công bằng mà nói, có rất nhiều nguyên nhân tâm lý khiến cho học sinh ngày nay dễ mất kiểm soát cảm xúc và sử dụng bạo lực thân thể để giải quyết những vấn đề cảm xúc.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm của Báo Dân trí: “Trò “bắt nạt” thầy: Căn nguyên ở đâu”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, các em sinh ra ở giai đoạn mà kỳ vọng của xã hội, của mọi người đặt lên các em cực kỳ lớn. Các em phải học tập rất nhiều khi kiến thức nhân loại sản sinh ra là vô tận, quá sức tiêu thụ của mỗi người. Các em không biết học theo hướng nào để sau này phát triển sự nghiệp một cách bền vững.
PGS.TS Trần Thành Nam. |
Các em bây giờ đang sống ở thế giới gọi là PAID (thế hệ trả giá): Pressure - áp lực, always on - kết nối 24/7, information overloaded - quá tải thông tin và distracted - phân tâm.
Trẻ em 2 - 3 tuổi đã tiếp xúc với mạng xã hội như Youtube, 9 tuổi đã sử dụng thiết bị một cách độc lập. Việc kết nối thường xuyên với không gian mạng làm cho các em có chứng bệnh “sợ bỏ lỡ” một điều gì đó nên cứ liên tục lên mạng để cập nhật, điều đó khiến sức khỏe các em bị bào mòn.
Bên cạnh đó, các em đang sống trong một thế giới bị bội thực thông tin. Ví như trước đây, một bài toán chỉ 1 - 2 phương pháp giải, còn hiện nay có tới hàng chục cách giải. Cứ 5 phút lại có một phương pháp giải mới do đó các em liên tục phải xử lý và cập nhật những thông tin, điều đó khiến các em mất đi sự tập trung.
Một điều nữa là hiện nay, môi trường sống của các em đang thiếu đi sự thấu hiểu và cảm thông. Muốn làm gì cũng phải làm ngay, nhìn thấy một sự kiện là phản ứng luôn mà không kịp tìm hiểu đằng sau đó là cái gì. Chính vì sống trong môi trường như vậy khiến các em áp lực, căng thẳng hơn.
Xã hội yêu cầu ngày càng nhiều khiến các em chịu nhiều áp lực, căng thẳng, sức khỏe bị bào mòn, tinh thần giảm sút bởi phải xử lý lượng thông tin quá nhiều.
“Sống trong môi trường áp lực như vậy đòi hỏi các em phải có kỹ năng cân bằng cảm xúc, tuy nhiên phụ huynh ở nhà lại không có những kỹ năng này. Khi không có năng lượng tích cực để giải tỏa cảm xúc, các em sẽ có xu hướng sử dụng những hình thức tiêu cực hơn để giải tỏa cảm xúc của mình”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông, một trong những cách giải tỏa truyền thống nhất là “giận cá chém thớt”, mang những cái ấm ức trút lên người khác. Cách thứ 2 là tham gia vào một số trò mạo hiểm, khám phá giới hạn của bản thân như thử hút thuốc lá điện tử, yêu đương, tham gia vào các trò nghịch dại thậm chí đua xe...
Đôi khi các em muốn mang những áp lực của bản thân để giải tỏa với gia đình nhưng lại chứng kiến bố mẹ mâu thuẫn, cãi nhau. Lúc này các em không biết tìm ai để giải tỏa nên lên lớp quậy phá nhằm mục đích thu hút sự chú ý từ bạn bè, thầy cô hay nói cách khác đó là một cách cầu cứu khi các em gặp phải vấn đề mà không tìm ra nơi để giải tỏa.
Ở giai đoạn vị thành niên, các em có nhiều hành vi trái với kỳ vọng của bố mẹ, nhưng giáo viên và người lớn lại chỉ nói là các em hư. Các em không kỷ luật thì không thể giải quyết được vấn đề gốc của đứa trẻ bởi đằng sau hành vi sai trái ấy đôi lúc là sự giận dữ, giận dữ với chính bản thân các em, giận dữ với bố mẹ tại sao không quan tâm mình, giận thầy cô tại sao bắt em phải làm thế này mà không cho em làm theo hướng kia…
“Đằng sau sự giận dữ của đứa trẻ là áp lực, đằng sau cái áp lực là việc bố mẹ thiếu kỹ năng dạy trẻ, dành quá ít thời gian bên con để cùng con giải quyết vấn đề. Đằng sau tất cả là những người bố người mẹ thiếu kỹ năng, chưa làm tròn trách nhiệm của mình, chưa tạo ra môi trường sống đủ tốt, đủ an toàn cho trẻ dẫn tới trẻ có những hành vi sai trái”, PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ.
Cô và trò Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). |
Cha mẹ cần thay đổi tư duy
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ, bản thân từng nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường (từ gia đình, nhà trường và xã hội) đã thể hiện giải pháp của nó. Phải có sự vào cuộc thống nhất và thường trực của tất cả nguyên nhân ấy.
Cụ thể, về phía gia đình, có lẽ bố mẹ luôn mong đứa con của mình lớn lên thành người tử tế. Bởi vì hơn ai hết, chính họ được thụ hưởng cái tác động của sự tử tế của con em mình. Cho nên, hôm nay con mình có những hành vi lệch chuẩn với thầy cô, ngày mai có thể hành vi ấy sẽ tác động vào chính mình.
“Tôi nghĩ trong nhiều gia đình, bố mẹ có ý thức dành thời gian tiếp xúc, trò chuyện, tâm sự với con để tìm hiểu tâm lý, vấn đề trong đời sống tinh thần của con. Cũng có những gia đình mà bố mẹ quá bận rộn, không dành nhiều thời gian cho con. Nhưng chính nhân cách, sự tử tế của họ đã tác động đến những đứa trẻ. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng con hư và ngược lại. Có lẽ, bố mẹ cần có sự thay đổi tư duy”, TS Trịnh Thu Tuyết nêu quan điểm.
Theo TS Tuyết, bố mẹ muốn con thành người tử tế thì phải để con biết tôn trọng người dạy mình thành người tử tế. Thầy cô dạy học trò thành người tử tế, thì bản thân họ có thực sự như thế hay không, lời nói có đi đôi với việc làm hay không.
TS Trịnh Thu Tuyết. |
Về phía nhà trường, thầy cô phải tự lấy lại vị thế của mình - vị thế một phần nào bị mai một dần đi, từ nhân cách, trí tuệ và cả tấm lòng với trẻ. Tất cả lực lượng giáo dục nên đứng bên cạnh thầy cô, nên dành nhiều phương tiện giáo dục bình đẳng hơn.
Đồng thời, để những đứa trẻ - những trang giấy trắng của chúng ta không bị viết lên những dòng chữ, những đường nét tiêu cực, để không có những sự việc bùng phát đáng buồn, đau đớn, thể hiện sự thất bại, thì từng người liên quan đến quá trình giáo dục và tự giáo dục của trẻ nên tự ý thức trách nhiệm của mình, không nên chờ đợi môi trường trong sạch mà hãy tự mình thực hiện.
Cũng theo TS Trịnh Thu Tuyết, có 3 nguồn quyết định hành vi ứng xử của một đứa trẻ: Gia đình, nhà trường và xã hội. Thật ra, chúng ta cứ nói đi nói lại các vấn đề ấy nhưng dưới các mức độ, góc nhìn khác nhau.
“Tôi đã từng là học trò, là phụ huynh và là giáo viên. Ở tất cả vai trò ấy, tôi thấy rằng đạo đức của người học trò đầu tiên đến từ gia đình. Chúng ta luôn có ý thức về sự tác động của môi trường - đặc biệt là môi trường thân yêu nhất, nơi chiếm đến 2/3 thời gian trong ngày của trẻ, chính là gia đình.
Gia đình tác động đến đứa trẻ rất nhiều theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Cách cư xử của bố mẹ với nhau, với ông bà hai bên, lời bố mẹ bình phẩm hàng xóm, về sếp, về cả thầy cô của con... Tất cả lời ấy tác động vô cùng lớn tới đứa trẻ”, TS Trịnh Thu Tuyết chia sẻ.
Theo TS Tuyết, trẻ con rất tinh ý, nhất là khi chúng có bệ đứng vững chắc của thời đại hiện nay, tiếp xúc nhiều nguồn thông tin, nhận thức được bố mẹ đang cư xử với nhau như thế nào, với thầy cô nó ra sao, và bố mẹ nói có đúng như điều bố mẹ nghĩ hay không. Tất cả đều tác động đến trẻ. Gia đình là cái nôi thân yêu, gần gũi, tác động đầu tiên đến con em.
Về phía nhà trường - trung tâm giáo dục cơ bản, vị thế của thầy cô phụ thuộc vào nhân cách và trí tuệ, năng lực của họ. Nếu người thầy xúc phạm học trò, cả xã hội lên án người thầy đó. Nhưng nếu học trò xúc phạm thầy từ tinh thần đến thể chất, thì một số ý kiến cho rằng “người thầy, người cô đó chắc phải như thế nào đó…”.
Rất nhiều ý kiến phẫn nộ cho rằng, bố mẹ hay thầy cô đều có thể có những lúc nóng vội, sai lầm... Có nhiều cách giải quyết vấn đề, nhưng tuyệt đối con cái, học trò không thể có hành vi bạo lực với bố mẹ hay thầy cô. Nếu giáo viên có những giới hạn không được phép bước qua thì học trò cũng vậy!
“Người thầy có những ranh giới không thể vượt qua, học trò cũng có những ranh giới không thể vượt qua. Không vì bức xúc, không thể kiểm soát mà hai bên xoá bỏ mọi ranh giới”, TS Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh.